CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI HUỲNH RẠNG Blog (Lập ngày 21-10-2010)


THỜI GIAN SỐNG CỦA CON NGƯỜI KHÔNG DÀI; HÃY SỐNG NHƯ THẾ NÀO CHO ĐỜI NGƯỜI CÓ Ý NGHĨA .

Bạn hãy nghĩ về cuộc đời mình đã có ý nghĩa chưa? đã làm được gì cho gia đình, bạn bè và mọi người? Một việc dù nhỏ nhưng tạo ra hạnh phúc cho mình và người khác thì đã góp phần cho cuộc sống ta có ý nghĩa.

Thứ Năm, 23 tháng 12, 2010

ĐÔI NÉT GIÁO DỤC TIỂU HỌC SINGAPORE

    Singapore, một đảo quốc nhỏ bé hầu như không có tài nguyên thiên nhiên, thậm chí nước dùng hàng ngày cũng phải nhập khẩu… nhưng lại là một trong những nền kinh tế tiên tiến hàng đầu thế giới. Điều gì đã làm nên sự kỳ diệu này? Phần lớn là nhờ nguồn nhân lực - nguồn tài nguyên quý giá và duy nhất của Singapore. Chúng tôi đã ghi chép được nhiều điều thú vị từ chuyến đi tham quan Singapore.
     - Ưu tiên hàng đầu là Đầu tư cho giáo dục
     Đất đai ở Singapore là một tài sản vô cùng quý giá nhưng phần lớn số tài sản này dành cho các trường học. Bởi vậy, người dân ở đây đều sống trong những căn hộ chung cư cao tầng vì chính phủ luôn ưu tiên đất đai để xây dựng trường học. Không những thế, học sinh của họ được chăm lo từng chút về không gian, môi trường học.
     Trường Rulang Primary (tiểu học Rulang) có 58 lớp học, sĩ số trong mỗi lớp học chỉ có 30 em. Ấn tượng đầu tiên khi bước vào trường là một sân chơi rộng rãi, thoáng mát và nhiều cây xanh. Trên mỗi bức tường ở ngoài hành lang phòng học đều có trưng bày ảnh và nội dung giới thiệu về lịch sử của ngôi trường, các đời hiệu trưởng, những mảng văn hóa đang tồn tại ở Singapore. Ngoài ra, còn có hình ảnh và nội dung giới thiệu những phẩm chất nổi bật của các vị  lãnh đạo đất nước trong quá khứ và hiện tại được tóm lược sinh động mà chỉ cần đọc qua, học sinh đều nắm được lịch sử đất nước và ngôi trường.
     Ở Trường Tiểu học Nanyang Primary (tiểu học Nanyang), ngôi trường 93 tuổi của Singapore được thành lập bởi cộng đồng người Hoa, tất cả học sinh được học tiếng Hoa và tiếng Anh. Phương châm của trường là tất cả học sinh phải nói được tiếng mẹ đẻ. Trường được Bộ Giáo dục Singapore đánh giá là lò đào tạo học sinh giỏi lớn nhất của Singapore. Kỹ năng giao tiếp là điều đầu tiên mà nhà trường đem đến cho từng học sinh, tiếp đến là làm chủ bản thân, giao tiếp cộng đồng…
     Các trường tiểu học ở Singapore đều có sân tập, phòng tập đa năng rộng rãi, chuyên nghiệp đáp ứng được năng khiếu của học sinh như: sân bóng chuyền, bóng rỗ, cầu lông, . . . Nhiều trường được trang bị các lớp học đặc biệt phù hợp với hoạt động tập thể, hoạt động nhóm như phòng khoa học tự nhiện, phòng chế tạo robot, xưởng làm gốm, . . . .Để có được cơ sở hiện đại đạt chuẩn này, ngoài nguồn kinh phí do Bộ Giáo dục cung cấp là nguồn kinh phí đóng góp của cha mẹ học sinh.
     - Chủ động chương trình giảng dạy
     Singapore có 160 trường tiểu học. Bậc tiểu học được coi là bậc học quan trọng của hệ thống giáo dục nên trẻ được học đến 6 năm. Trong đó, 4 năm học chương trình cơ sở từ lớp 1 đến lớp 4 và 2 năm học tiếp theo là chương trình định hướng từ lớp 5 đến lớp 6. Bộ Giáo dục cũng đưa ra chính sách “Giáo dục tích cực”, kêu gọi giáo viên xây dựng các chiến lược hiệu quả để kích thích tinh thần học tập của học sinh ngay từ khi các em mới bước chân vào trường học. Theo đó, các trường tiểu học sẽ cải thiện chương trình giảng dạy và phương pháp đánh giá chất lượng giáo dục.
     Để hỗ trợ việc đổi mới giáo dục, Bộ Giáo dục Singapore cho phép các trường rút gọn chương trình giảng dạy tới 10% - 20% để tạo thời gian trống. Do đó, các giáo viên được tự do thực hiện các bài giảng do họ tự thiết kế, áp dụng nhiều phương pháp giảng dạy. Bộ cũng giảm 2 giờ làm mỗi tuần cho mỗi giáo viên để có thêm thời gian lên kế hoạch giảng dạy và trao đổi kinh nghiệm chuyên môn.
     Tiếng Anh được coi là chìa khóa phát triển của Singapore. Trong giai đoạn nền tảng, chương trình học chính là tiếng Anh, ngôn ngữ mẹ đẻ và toán với các môn phụ như âm nhạc, nghệ thuật, thủ công, thể dục và các môn xã hội khác. Khoa học được dạy từ lớp 3. Để phát huy tối đa tiềm năng của HS, các em được xếp vào lớp theo khả năng của mình trước khi bước vào giai đoạn định hướng. Giai đoạn cuối lớp 6, các em phải qua kỳ thi hoàn tất tiểu học.
     Hiện nay, Thành Phố Hồ Chí Minh cũng đã có 67 trường tiểu học thực hiện theo mô hình tiên tiến hiện đại này. Kết quả học tập của học sinh cũng đã góp phần thúc đẩy tích cực mạnh mẽ đổi mới giáo dục tiểu học ở Thành phố Hồ Chí Minh. Hy vọng kết quả này sẽ lan tỏa đến các trường tiểu học khác trong Thành Phố” .
     - Đường hướng cải cách giáo dục Singapore là Mô hình "Dạy ít, Học nhiều".
     Theo tinh thần của Bộ giáo dục Singapore mô hình mới "Dạy ít, Học nhiều" sẽ từng bước gạt bỏ sự phụ thuộc vào lối học vẹt, các kỳ kiểm tra lặp đi lặp lại và phương pháp dạy "phù hợp với tất cả". Đồng thời, nó cũng cố vai trò của học tập tích cực thông qua những khám phá mang tính trãi nghiệm, phương thức học đa dạng, việc học tập những kỹ năng có ích lâu dài trong cuộc sống và xây dựng nhân cách nhờ vào các chiến lược cũng như phương pháp dạy hiệu quả và mới mẽ.
     Nhưng làm thế nào để biết một nền giáo dục chuyển đổi từ số lượng sang chất lượng?
     Vì vậy, các nhà sư phạm rất cần tìm kiếm một bộ các "biển chỉ dẫn" chất lượng. Nó có tác dụng như một cẩm nang hướng dẫn các trường học trong qua trình phát triển, giúp các trường đánh giá trạng thái hiện tại và đi đúng hướng. Những yếu tố sau có thể trở thành "Biển chỉ dẫn".
     - Xây dựng kiến thức (chứ không chỉ truyền đạt kiến thức)
     - Hiểu (chứ không chỉ ghi nhớ)
     - Chú trọng phương pháp sư phạm (chứ không chỉ tiến hành hoạt động)
     - Tạo dựng xu hướng xã hội (chứ không chỉ học tập cá nhân)
     - Học với định hướng của bản thân (chứ không chỉ với định hướng từ giáo viên)
     - Học về cách học (chứ không chỉ học về chủ điểm)
     Nên nhớ là cải cách chứ không vay mượn cơ chế.
     Qua vài nét về giáo dục tiểu học ở Singapore để giúp ta có thêm nguồn tư liệu tham khảo về đổi mới giáo dục tiểu học ở Việt nam. Chúng ta phải luôn đặt mình trong trạng thái phải trả lời câu hỏi: Còn Việt nam đổi mới giáo dục thì sao?