Nếu so với các trang phục truyền thống trong và ngoài nước, có lẽ áo bà ba là bộ trang phục giản dị, nền nã nhất. Bên cạnh yếu tố dễ thích nghi, thuận tiện trong lao động sản xuất, chiếc áo bà ba, khăn rằn và nón lá đã kết hợp với nhau trở thành nét biểu trưng đặc sắc cho vẻ đẹp tâm hồn, vẻ đẹp văn hoá của người phụ nữ Nam Bộ nói riêng và người phụ nữ Việt Nam nói chung.
1. Ứng xử với môi trường tự nhiên
Do đặc điểm khí hậu miền Tây Nam Bộ thường xuyên có nắng nóng nên trang phục của phụ nữ các dân tộc ở đây cũng phải phù hợp với điều kiện thời tiết, thuận tiện trong lao động và sản xuất.
Đối với người Khmer, họ chọn chất liệu vải mềm, mỏng để may y phục. Điểm nổi bật trên trang phục lễ hội truyền thống của phụ nữ Khmer là mô típ trang trí đính hạt cườm kết hợp hoa văn tinh xảo. Tùy vào khung cảnh: ở nhà, lên chùa lễ Phật hay về nhà chồng, trang phục của người phụ nữ Khmer cũng khác nhau. Màu vàng và màu đỏ được ưa dùng, vì nó không chỉ tôn thêm không khí hội hè mà còn rất phù hợp với màu sắc trang trí kiến trúc tôn giáo truyền thống, đặc biệt là trang trí ngôi chùa Phật giáo theo phái Tiểu thừa.
Với người phụ nữ Chăm, trang phục truyền thống giúp cho cách đi đứng của họ uyển chuyển và duyên dáng. Trang phục của phụ nữ Chăm vừa che giấu, vừa phô trương những đường nét mượt mà của thân hình người phụ nữ. Khi ở nhà với người thân, họ có thể mặc áo tay ngắn, nhưng váy phải dài tới gót chân. Lúc có người lạ đến nhà hoặc đi ra đường, phụ nữ Chăm ở miền Tây Nam Bộ phải mặc váy với áo dài tay, và nhất là phải choàng khăn lên đầu vì đây là một tập quán biểu thị tư cách đứng đắn, chuẩn mực mà họ phải tuân thủ.
Có thể nói rằng, người phụ nữ miền Tây Nam Bộ đã biết tận dụng thế mạnh của nền văn minh thực vật để chế tạo trang phục đối phó với khí hậu nhiệt đới nóng bức. Bên cạnh chức năng đối phó với môi trường tự nhiên, việc may mặc luôn hướng tới mục đích làm đẹp cho con người, hài hòa với đặc điểm của tính cách Việt Nam luôn ưa làm đẹp một cách tế nhị, kín đáo.
2. Văn hoá lưu luyến
Trong đời sống thường nhật: Áo bà ba thấp thoáng trên những cánh đồng ngày mùa rộn ràng, e ấp trong các lễ hội, lung linh duyên dáng trên sông trăng và đậm chất dân dã, làm say lòng người khi những thiếu nữ thướt tha bận áo bà ba đi trên những chiếc cầu tre...
Trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm: Hình ảnh chiếc khăn rằn, chiếc áo bà ba như một biểu trưng của “Miền Nam thành đồng Tổ quốc” trong những ngày chống Mỹ cứu nước. Chiếc áo bà ba theo các má, các chị em từ nông thôn đến thành thị, từ vùng căn cứ đến cả trong nhà tù của kẻ thù. Và nó còn có mặt cả trong những giờ phút khắc nghiệt nhất làm nhụt chí kẻ thù, tăng thêm chí khí Cách Mạng của đội quân tóc dài trong những ngày Đồng Khởi ở Bến Tre.
Trong điện ảnh: Hình ảnh chiếc áo bà ba, chiếc khăn rằn của người phụ nữ miền Tây Nam Bộ còn đọng lại mãi trong tâm thức của những ai một thời yêu mến bộ phim Đất Phương Nam . Hay trong các bộ phim nổi tiếng một thời của điện ảnh Việt Nam như Nổi gió, Chị Tư Hậu, Cánh đồng hoang… các diễn viên nữ luôn sử dụng trang phục áo bà ba và khăn rằn như một cách ăn mặc thông dụng của cư dân vùng này.
Trong ca dao tục ngữ: Chiếc áo dài, chiếc nón lá, áo bà ba được các chàng trai, cô gái xưa sử dụng trong ca dao tục ngữ như một cách thể hiện tình cảm “thay lời muốn nói”: Áo dài năm nút hở bâu/ Ðể coi người nghĩa làm dâu thế nào/ Áo em anh bận lấy hơi/ Nón em anh đội che trời nắng mưa/ Áo trắng không vắn không dài/ Sao anh không bận, bận hoài áo đen/ Tôi bận cho người ta khen/ Áo trắng đi đám, áo đen đi mần…
Dù cách tân thế nào nhưng chiếc áo vẫn giữ được vẻ đẹp truyền thống và hiện đại, tạo vẻ gợi cảm nhưng không kém phần kín đáo, sang trọng cho các cô gái miền Tây Nam Bộ.
3. Ứng xử với môi trường xã hội
Cư dân miền Tây Nam Bộ do điều kiện tiếp xúc với nhiều luồng văn hoá khác nhau nên trang phục cũng chịu ảnh hưởng đáng kể. Ngoài ra, với đặc tính thích cái mới, người Tây Nam Bộ luôn tỏ ra nhanh nhạy theo các xu hướng của thời trang.
Yếu tố giao thoa văn hóa thể hiện trong trang phục phụ nữ của cả bốn dân tộc ở miền Tây Nam Bộ, rõ nét nhất phải kể đến là chiếc áo bà ba đen. Đây có lẽ là loại áo phù hợp với các điều kiện môi sinh, thời tiết, lao động ở miền đất này. Người Khmer mặc áo bà ba phổ biến như người Việt. Phụ nữ Chăm Islam trung niên cũng mặc áo bà ba với váy. Còn người Hoa làm rẫy cũng như tầng lớp thị dân cũng quen mặc áo bà ba. Qua con đường giao tiếp văn hóa, áo bà ba trở thành chiếc áo tiêu biểu, đặc trưng của vùng Tây Nam Bộ.
Qua cách ứng xử với môi trường tự nhiên và xã hội, chúng ta thấy rằng trang phục không những đáp ứng nhu cầu vật chất mà còn đáp ứng cả nhu cầu tinh thần của con người, đặc biệt là người phụ nữ. Trang phục của phụ nữ miền Tây Nam Bộ thể hiện cách ứng phó linh hoạt của con người trước điều kiện tự nhiên. Cách sống dung dị, phóng khoáng, hoà hợp với môi trường của con người nơi đây được thể hiện rõ nét qua cách ăn mặc. Ngoài ra, nó còn thể hiện mức sống, trình độ văn minh và đặc trưng văn hoá của từng tộc người trên miền đất phương Nam .