CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI HUỲNH RẠNG Blog (Lập ngày 21-10-2010)


THỜI GIAN SỐNG CỦA CON NGƯỜI KHÔNG DÀI; HÃY SỐNG NHƯ THẾ NÀO CHO ĐỜI NGƯỜI CÓ Ý NGHĨA .

Bạn hãy nghĩ về cuộc đời mình đã có ý nghĩa chưa? đã làm được gì cho gia đình, bạn bè và mọi người? Một việc dù nhỏ nhưng tạo ra hạnh phúc cho mình và người khác thì đã góp phần cho cuộc sống ta có ý nghĩa.

Thứ Tư, 16 tháng 1, 2013

Văn hóa ứng xử qua trang phục phụ nữ miền Tây Nam Bộ (Việt Nam)

     Nếu so với các trang phục truyền thống trong và ngoài nước, có lẽ áo bà ba là bộ trang phục giản dị, nền nã nhất. Bên cạnh yếu tố dễ thích nghi, thuận tiện trong lao động sản xuất, chiếc áo bà ba, khăn rằn và nón lá đã kết hợp với nhau trở thành nét biểu trưng đặc sắc cho vẻ đẹp tâm hồn, vẻ đẹp văn hoá của người phụ nữ Nam Bộ nói riêng và người phụ nữ Việt Nam nói chung.

1. Ứng xử với môi trường tự nhiên

     Do đặc điểm khí hậu miền Tây Nam Bộ thường xuyên có nắng nóng nên trang phục của phụ nữ các dân tộc ở đây cũng phải phù hợp với điều kiện thời tiết, thuận tiện trong lao động và sản xuất.

     Đối với người Khmer, họ chọn chất liệu vải mềm, mỏng để may y phục. Điểm nổi bật trên trang phục lễ hội truyền thống của phụ nữ Khmer là mô típ trang trí đính hạt cườm kết hợp hoa văn tinh xảo. Tùy vào khung cảnh: ở nhà, lên chùa lễ Phật hay về nhà chồng, trang phục của người phụ nữ Khmer cũng khác nhau. Màu vàng và màu đỏ được ưa dùng, vì nó không chỉ tôn thêm không khí hội hè mà còn rất phù hợp với màu sắc trang trí kiến trúc tôn giáo truyền thống, đặc biệt là trang trí ngôi chùa Phật giáo theo phái Tiểu thừa.

     Với người phụ nữ Chăm, trang phục truyền thống giúp cho cách đi đứng của họ uyển chuyển và duyên dáng. Trang phục của phụ nữ Chăm vừa che giấu, vừa phô trương những đường nét mượt mà của thân hình người phụ nữ. Khi ở nhà với người thân, họ có thể mặc áo tay ngắn, nhưng váy phải dài tới gót chân. Lúc có người lạ đến nhà hoặc đi ra đường, phụ nữ Chăm ở miền Tây Nam Bộ phải mặc váy với áo dài tay, và nhất là phải choàng khăn lên đầu vì đây là một tập quán biểu thị tư cách đứng đắn, chuẩn mực mà họ phải tuân thủ.

     Có thể nói rằng, người phụ nữ miền Tây Nam Bộ đã biết tận dụng thế mạnh của nền văn minh thực vật để chế tạo trang phục đối phó với khí hậu nhiệt đới nóng bức. Bên cạnh chức năng đối phó với môi trường tự nhiên, việc may mặc luôn hướng tới mục đích làm đẹp cho con người, hài hòa với đặc điểm của tính cách Việt Nam luôn ưa làm đẹp một cách tế nhị, kín đáo.

2. Văn hoá lưu luyến

     Trong đời sống thường nhật: Áo bà ba thấp thoáng trên những cánh đồng ngày mùa rộn ràng, e ấp trong các lễ hội, lung linh duyên dáng trên sông trăng và đậm chất dân dã, làm say lòng người khi những thiếu nữ thướt tha bận áo bà ba đi trên những chiếc cầu tre...
     Trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm: Hình ảnh chiếc khăn rằn, chiếc áo bà ba như một biểu trưng của “Miền Nam thành đồng Tổ quốc” trong những ngày chống Mỹ cứu nước. Chiếc áo bà ba theo các má, các chị em từ nông thôn đến thành thị, từ vùng căn cứ đến cả trong nhà tù của kẻ thù. Và nó còn có mặt cả trong những giờ phút khắc nghiệt nhất làm nhụt chí kẻ thù, tăng thêm chí khí Cách Mạng của đội quân tóc dài trong những ngày Đồng KhởiBến Tre.

     Trong điện ảnh: Hình ảnh chiếc áo bà ba, chiếc khăn rằn của người phụ nữ miền Tây Nam Bộ còn đọng lại mãi trong tâm thức của những ai một thời yêu mến bộ phim Đất Phương Nam. Hay trong các bộ phim nổi tiếng một thời của điện ảnh Việt Nam như Nổi gió, Chị Tư Hậu, Cánh đồng hoang… các diễn viên nữ luôn sử dụng trang phục áo bà ba và khăn rằn như một cách ăn mặc thông dụng của cư dân vùng này.

     Trong ca dao tục ngữ: Chiếc áo dài, chiếc nón lá, áo bà ba được các chàng trai, cô gái xưa sử dụng trong ca dao tục ngữ như một cách thể hiện tình cảm “thay lời muốn nói”: Áo dài năm nút hở bâu/ Ðể coi người nghĩa làm dâu thế nào/ Áo em anh bận lấy hơi/ Nón em anh đội che trời nắng mưa/ Áo trắng không vắn không dài/ Sao anh không bận, bận hoài áo đen/ Tôi bận cho người ta khen/ Áo trắng đi đám, áo đen đi mần…

     Dù cách tân thế nào nhưng chiếc áo vẫn giữ được vẻ đẹp truyền thống và hiện đại, tạo vẻ gợi cảm nhưng không kém phần kín đáo, sang trọng cho các cô gái miền Tây Nam Bộ.

3. Ứng xử với môi trường xã hội

     Cư dân miền Tây Nam Bộ do điều kiện tiếp xúc với nhiều luồng văn hoá khác nhau nên trang phục cũng chịu ảnh hưởng đáng kể. Ngoài ra, với đặc tính thích cái mới, người Tây Nam Bộ luôn tỏ ra nhanh nhạy theo các xu hướng của thời trang.

     Yếu tố giao thoa văn hóa thể hiện trong trang phục phụ nữ của cả bốn dân tộc ở miền Tây Nam Bộ, rõ nét nhất phải kể đến là chiếc áo bà ba đen. Đây có lẽ là loại áo phù hợp với các điều kiện môi sinh, thời tiết, lao động ở miền đất này. Người Khmer mặc áo bà ba phổ biến như người Việt. Phụ nữ Chăm Islam trung niên cũng mặc áo bà ba với váy. Còn người Hoa làm rẫy cũng như tầng lớp thị dân cũng quen mặc áo bà ba. Qua con đường giao tiếp văn hóa, áo bà ba trở thành chiếc áo tiêu biểu, đặc trưng của vùng Tây Nam Bộ.

     Qua cách ứng xử với môi trường tự nhiên và xã hội, chúng ta thấy rằng trang phục không những đáp ứng nhu cầu vật chất mà còn đáp ứng cả nhu cầu tinh thần của con người, đặc biệt là người phụ nữ. Trang phục của phụ nữ miền Tây Nam Bộ thể hiện cách ứng phó linh hoạt của con người trước điều kiện tự nhiên. Cách sống dung dị, phóng khoáng, hoà hợp với môi trường của con người nơi đây được thể hiện rõ nét qua cách ăn mặc. Ngoài ra, nó còn thể hiện mức sống, trình độ văn minh và đặc trưng văn hoá của từng tộc người trên miền đất phương Nam.

Thứ Tư, 9 tháng 1, 2013

Đặc trưng tính cách của người Việt Nam bộ

     Đức tính cần cù, sự chịu thương chịu khó, tính bất khuất kiên cường, sự cứng cỏi trước thiên nhiên, trọng nghĩa khinh tài, thấy sự bất bình chẳng tha, trọng quan hệ bạn bè, tự do khoáng đạt trong nếp nghĩ, nếp sống tất cả đã hình thành nên những nét tính cách rất đặc trưng của người nông dân Nam bộ.

     Vài nét về lịch sử và điều kiện địa lý - tự nhiên vùng Nam bộ.

     Nam bộ là vùng địa văn hoá bao gồm các tỉnh miền Đông nam bộ, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu long. Lịch sử Nam bộ nhìn chung mới được khai phá và phát triển khoảng 300 năm trở lại đây. Nhưng vùng Đông nam bộ, cách đây 4000-5000 năm đã có người sinh sống, còn vùng đất Đồng bằng sông Cửu long mới nổi lên khỏi mặt biển từ thế kỷ thứ V trước công nguyên.
     Đặc điểm tự nhiên vùng Nam bộ là vùng đất mới được khai phá; với tính hoang dã, thoáng rộng của đồng bằng mênh mông, sông nước và kênh rạch chằng chịt như vùng đồng bằng sông Cửu long, hoặc đồi núi đất đỏ cao nguyên như vùng miền Đông, hải đảo như vùng Kiên Giang, và biển cả trùng trùng. Đây chính là vùng đất có nhiều tài nguyên thiên nhiên gìau có, phong phú dễ dàng khai thác, nhưng cũng đầy hiểm nguy.
     Dân cư Nam bộ gồm người Việt, Khmer, Hoa, Chăm,… trong đó có người theo đạo Phật, đạo Hoà Hảo, đạo Thiên Chúa, đạo Cao Đài, đạo Hồi,… và cả những người không tôn giáo. Do đó, văn hoá Nam bộ là đa màu đa sắc và mang dấu ấn nhiều sắc thái dân tộc hết sức đa dạng từ cội nguồn, nhưng lại kết cấu trên cơ sở tinh thần bao dung, hoà hợp, đồng nguyên. Có thể nói, văn hoá Nam bộ là vùng văn hoá đạo Phật, văn hoá Khmer, văn hoá ấn độ, văn hoá Hoa kiều, nhưng văn hoá Việt là cái nền.

     Những tiền đề lịch sử-xã hội cơ bản hình thành nên tính cách của người Việt Nam bộ.

     Về phương diện tâm lý học xã hội, tính cách con người được hình thành dưới ảnh hưởng và tác động của các điều kiện xã hội do kết quả của hoạt động cá nhân. Tính cách con người được hình thành, xác định và phát triển không đơn thuần chỉ phụ thuộc vào hoàn cảnh, vào điều kiện khách quan, mà còn do cả những nỗ lực bền bỉ và mạnh mẽ của cá nhân để vượt qua và thắng được sự trói buộc của hoàn cảnh, do sự điều hoà các nguồn ảnh hưởng khác nhau và ngược chiều. Do đó, để tìm hiểu tính cách của người Việt Nam bộ, chúng tôi thấy cần thiết phải xem xét tiền đề lịch sử-xã hội phát triển của vùng đất này.
     Theo các nhà nghiên cứu, những người nông dân tộc Việt đến “lập nghiệp” trên vùng đất Nam bộ chủ yếu là từ các miền ngoài vào. Họ là những người nông dân bần cùng lưu tán có óc mạo hiểm muốn thoát khỏi cảnh đói nghèo, sưu cao thuế nặng của địa chủ phong kiến đặt ra, tránh khỏi chiến tranh liên miên Trịnh Nguyễn đã kéo nhau vào đây mưu sống; hoặc một số người có tiền mộ dân nghèo đi khẩn đất, hoặc là lớp người tội đồ đi tránh sự trừng phạt của vua quan đã trốn tránh lặn lội vào đây ẩn nấu, hoặc là những người lính cứng đầu bị đẩy vào đây để trấn miền biên ải hay khai phá lập đồn điền và khẩn hoang vùng biên giới hải đảo… Đến đây họ đã vượt lên hoàn cảnh của chính mình mà đổi đời, trưởng thành, xây dựng quê mới ngày càng giàu đẹp.
     Mục đích khát vọng của những con người vô Nam thời đó là tự do và giải phóng. Thứ nhất là giải phóng ra khỏi cái đói nghèo. Thứ hai là giải phóng ra khỏi ách áp bức bóc lột. Với khát vọng ấy, con người muốn biến đầm lầy thành đồng ruộng, thành vườn xanh không phải dễ dàng mà họ phải trải qua biết bao nhiêu khó khăn vất vả và cực nhọc, cho nên họ không thể không rèn luyện ý chí, kiên cường bất khuất, vượt qua khó khăn dần trở nên hiên ngang cứng cỏi, mới có thể chế ngự, khai thác được thiên nhiên đầy ác liệt ấy. Chính công cuộc khai phá vùng đất mới, con người đã bền bỉ đấu tranh với thiên nhiên, kiên cường trong lao động sản xuất để đáp ứng nhu cầu sinh tồn của mình, và đấu tranh chống lại áp bức, bất công của triều đình phong kiến, chống thù trong giặc ngoài đã sáng tạo ra cuộc sống của các cư dân Nam bộ; tạo ra cho họ tính cách kiên nhẫn, cần cù, chịu khó, kiên cường, hiên ngang, không chịu bó tay trước những khó khăn thử thách, dám làm, dám đương đầu và mạo hiểm.
     Đồng thời, theo Nguyễn Đăng Duy, con người vào đây lúc bấy giờ là “Ba họ mười làng”, thân tộc máu mủ đơn côi, đứng trước cái thiên nhiên xa lạ, không ít ác liệt ấy, con người không thể không dựa vào nhau, tin vào nhau, thực lòng với nhau để cùng nhau tồn tại mưu sinh, trật tự trị an không đặt ra gay gắt. Bởi thế, tình thương thân tương ái, thực lòng giúp đỡ lẫn nhau, trọng nghĩa khinh tài, thấy sự bất bình chẳng tha, trọng quan hệ đối sử bạn bè làng xóm, lân gia, lân ấp đã nhanh chóng nẩy nở ở những lưu dân đầu tiên vào khai phá miền đất Nam bộ. Mặt khác, buổi đầu vào đây, các chúa Nguyễn chưa đủ thời giờ, điều kiện để vươn khắp, chế ngự. Bởi thế, con người nông dân Nam bộ buổi đầu ấy cảm thấy thực sự được tự do, giải phóng về ý thức, con người tha hồ hăm hở vùng vẫy, làm ăn. Sự tự do khoáng đạt trong nếp nghĩ, nếp sống cũng đã nhanh chóng góp vào tính cách người nông dân Nam bộ. Họ là những người không thích bị gò bó, ràng buộc bởi những qui chế chật chẽ, những kỷ luật khắt khe.
     Như vậy, đức tính cần cù, sự chịu thương chịu khó, tính bất khuất kiên cường, sự cứng cỏi trước thiên nhiên, trọng nghĩa khinh tài, thấy sự bất bình chẳng tha, trọng quan hệ bạn bè, tự do khoáng đạt trong nếp nghĩ, nếp sống... tất cả đã hình thành nên những nét tính cách rất đặc trưng của người nông dân Nam bộ. Ca dao Nam bộ có câu:
     “Trời sinh cây cứng lá dai
     Gió lay mặc gió chiều ai chẳng chiều”.
     Chính câu ca dao ấy đã nói lên được đặc trưng tính cách nổi bật của người nông dân Nam bộ, đó là không lùi bước trước trở ngại của thiên nhiên, không luồn cúi trước sức mạnh xã hội phi nghĩa.
     Có thể nói, trước cách mạng tháng 8 năm 1945 ,“80% đất đai Nam bộ nằm trong tay các điền chủ (chiếm 1% dân số) trong khi đó khoảng 76% nông dân không có một thước đất trong tay”. “Hầu hết nông dân Nam bộ đều phải làm cả năm mà không đủ ăn, không đủ mặc, ngay đến con gái cũng không có yếm, có áo che thân”. Do đó tính cách “chiều ai chẳng chiều” ở họ đã nhanh chóng làm bùng lên khởi nghĩa để dành cuộc sống no đủ, tự do. Từ giữa thế kỷ XVIII, những người nông dân Việt ở Long Hồ (nay là Vĩnh Long) đã cùng với người Khmer ở Trà Vinh nổi lên chống lại cường hào ác bá để dành lấy ruộng đất do chính tay mình khai phá.
     Tính cách kiên cường bất khuất trước bạo lực kẻ thù được thể hiện rõ ở nhiều tấm gương như: Người anh hùng Nguyễn Trung Trực, và sau này là Võ Thị Sáu,… Lời đáp hiên ngang của anh hùng Nguyễn Trung Trực khi ấy trước tên thống đốc Nam kỳ Olier “Bao giờ đất này hết cỏ, dân Nam mới hết người đánh Tây” đã được dân gian hoá thành câu ca dao Nam bộ bất hủ:
     “Bao giờ hết cỏ Tháp Mười
     Thì dân ta mới hết người đánh Tây”.

     Theo Nguyễn Đăng Duy, tính cách người Việt Nam bộ còn được thể hiện ở sự hào phóng và lòng hiếu khách. Người Việt Nam bộ có tính cách đó, Ông giải thích, đó là vì trong môi trường nóng ấm quanh năm, nước nhiều, ít giông bão, đất đai phì nhiêu, sản vật tự nhiên trong rừng, dưới nước phong phú, con người ít phải lo “tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn”, ăn bữa nay lo bữa mai. Đó là vì trên miền đất lạ mưu sống, con người từ bốn phương hội tụ, họ là những người đơn côi họ lạc máu mủ, nhu cầu đời sống rất cần đến tình người, tình bạn, tình cảm nhân văn. Theo chúng tôi, hai lý do trên là bằng chứng hết sức xác thực để chứng minh cho sự hình thành tính hào phóng và lòng hiếu khách của người Việt Nam bộ.

     Những nét tính cách cơ bản của người Việt Nam bộ:

     Theo các nghiên cứu, chúng tôi thấy người Việt Nam bộ có những tính cách nổi bật đó là:     1. Tinh thần yêu quê hương đất nước nồng nàn, mà cao nhất là tinh thần yêu nước rất nổi trội, nhất là trước hoạ ngoại xâm.
     2. Bản lĩnh kiên cường, khí phách hiên ngang, dũng cảm, trọng nghĩa khinh tài, hào hiệp và phóng khoáng, bình đẳng và ít bảo thủ.
     3. Tinh thần dân chủ và cộng đồng cao, khả năng hợp tác cao, có óc thực tế và thích ứng nhanh.
     4. Năng động, sáng tạo cao; dám nghĩ dám làm, tài ứng biến, thích rũ bỏ cái cũ không còn thích hợp với hoàn cảnh mới.
     5. Tính cá nhân, tính tự do, độc lập tự chủ, ít phụ thuộc trực tiếp, gò bó vào cộng đồng như những cư dân Bắc-Trung bộ.
     6. Biết tính toán, dám làm ăn lớn, và mạo hiểm.
     7. Cởi mở, bộc trực mà hoà đồng.
     8. Sẵn sàng xả thân cứu người vì nghĩa lớn (giữa đường trông thấy bất bằng chẳng tha).
     9. Cần cù và chịu khó trong lao động sản xuất.

Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2013

Ý nghĩa ngày tết Việt Nam

     Tết Nguyên đán (hay còn gọi là Tết Cả, Tết Ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền, năm mới hay chỉ đơn giản Tết) là dịp lễ quan trọng nhất trong văn hóa của người Việt Nam. Chính thức Tết là ngày lễ gồm ba ngày đầu tiên của năm mới âm lịch. Không giống các nước đón Tết âm lịch khác, Tết tại Việt Nam lại có những ý nghĩa riêng.
Lịch sử ra đời ngày Tết
     Tết Nguyên đán (hay còn gọi là Tết Cả, Tết Ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền, năm mới hay chỉ đơn giản Tết) là dịp lễ quan trọng nhất trong văn hóa của người Việt Nam và một số các dân tộc chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc khác. Chữ "Tết" do chữ "Tiết" mà thành. Hai chữ "Nguyên đán" có gốc chữ Hán; "nguyên" có nghĩa là sự khởi đầu hay sơ khai và "đán" là buổi sáng sớm. Cho nên đọc đúng phiên âm phải là "Tiết Nguyên Đán" (Tết Nguyên đán được người Trung Quốc ngày nay gọi là Xuân tiết, Tân niên hoặc Nông lịch tân niên).
     Do cách tính của âm lịch Việt Nam có khác với Trung Quốc cho nên Tết Nguyên đán của người Việt Nam không hoàn toàn trùng với Tết của người Trung Quốcvà các nước khác.
     Vì Âm lịch là lịch theo chu kỳ vận hành của mặt trăng nên Tết Nguyên Đán muộn hơn Tết Dương lịch (còn gọi nôm na là Tết Tây). Do quy luật 3 năm nhuận một tháng của Âm lịch nên ngày đầu năm của dịp Tết Nguyên đán không bao giờ trước ngày 21 tháng 1 Dương lịch và sau ngày 19 tháng 2 Dương lịch mà thường rơi vào khoảng cuối tháng 1 đến giữa tháng 2 Dương lịch. Toàn bộ dịp Tết Nguyên đán hàng năm thường kéo dài trong khoảng 7 đến 8 ngày cuối năm cũ và 7 ngày đầu năm mới (23 tháng Chạp đến hết ngày 7 tháng Giêng).
      Nguyên nghĩa của từ "Tết" chính là "tiết". Văn hóa Đông Á – thuộc văn minh nông nghiệp lúa nước – do nhu cầu canh tác nông nghiệp đã "phân chia" thời gian trong một năm thành 24 tiết khác nhau (và ứng với mỗi tiết này có một thời khắc "giao thời") trong đó tiết quan trọng nhất là tiết khởi đầu của một chu kỳ canh tác, gieo trồng, tức là Tiết Nguyên Đán sau này được biết đến là Tết Nguyên Đán.
     Theo lịch sử Trung Quốc, nguồn gốc Tết Nguyên Đán có từ đời Tam Hoàng Ngũ Đế và thay đổi theo từng thời kỳ cho đến thời nhà Hán, Hán Vũ Đế (140 TCN) đặt ngày Tết vào tháng Dần, tức tháng giêng. Từ đó về sau, không còn triều đại nào thay đổi về tháng Tết nữa.
     Trước năm 1967, Việt Nam lấy giờ Bắc Kinh làm chuẩn cho âm lịch. Ngày 8 tháng 8 năm 1967, nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành đổi lịch dùng múi giờ GMT +7 làm chuẩn. Vì thế hai miền nam bắc Việt Nam đón Tết Mậu Thân hai ngày khác nhau (miền bắc ngày 29 tháng 1 trong khi miền nam thì ngày 30 tháng 1).
     Người Việt tin rằng vào ngày Tết mọi thứ đều phải mới, phải đổi khác, từ ngoại vật cho đến lòng người, vì vậy khoảng mươi ngày trước Tết họ thường sơn, quét vôi nhà cửa lại. Họ cũng tất bật đi sắm sửa quần áo mới để mặc trong dịp này. Trong những ngày Tết họ kiêng cữ không nóng giận, cãi cọ. Tết là dịp để mọi người hàn gắn những hiềm khích đã qua và là dịp để chuộc lỗi. Mọi người đi thăm viếng nhau và chúc nhau những lời đầy ý nghĩa. Trẻ em sau khi chúc Tết người lớn còn được lì xì bằng một phong bì đỏ thắm có đựng ít tiền dành cho chúng tiêu xài ngày Tết. Tết ở 3 miền Bắc, Trung, Nam ở Việt Nam cũng có những điều khác nhau.
Ý nghĩa ngày tết Việt Nam
     Tết ở Việt Nam là những ngày lễ hội lớn cho cả nước. Những ngày ấy mọi xóm làng, nhà nhà, ai ai cũng nghỉ làm việc và vui vầy đoàn tụ. Ngày tết có tính thiêng liêng và là một dịp làm mới lại mọi việc.
     Chính thức Tết là ngày lễ gồm ba ngày đầu tiên của năm mới âm lịch. Giây phút thiêng liêng nhất là đêm giao thừa, là lúc 0 giờ bắt đầu bước qua năm mới.
     Người Việt ăn mừng Tết với niềm tin thiêng liêng Tết là ngày đoàn tụ, là ngày làm mới, là ngày tạ ơn và là ngày của hy vọng.
     Ngày Đoàn Tụ - Tết luôn luôn là ngày đoàn tụ của mọi gia đình. Dù ai buôn bán, làm việc hay đi học ở xa, họ thường cố gắng dành tiền và thời giờ để về ăn Tết với gia đình. Đó là nỗi mong mỏi của tất cả mọi người, người đi xa cũng như người ở nhà đều mong dịp Tết gặp mặt và quây quần đoàn tụ.
     Tết cũng là ngày đoàn tụ với cả những người đã mất. Từ bữa cơm tối đêm 30, trước giao thừa, các gia đình theo Phật giáo đã thắp hương mời hương linh ông bà và tổ tiên đã qua đời về ăn cơm vui Tết với các con các cháu.
     Ngày Tết người ta cũng hay thực hiện những nghi lễ, để dâng hương lên các vị thần ban phúc cho gia đình được nhiều sức khỏe, nhiều tiền tài, nhiều may mắn và an vui hạnh phúc trong năm.
     Ngày Làm Mới - Tết là ngày đầu tiên trong năm mới, mọi người có cơ hội ngồi ôn lại việc cũ và làm mới mọi việc. Việc làm mới có thể về hình thức như dọn dẹp, quét vôi, sơn sửa trang trí lại nhà cửa. Hoặc làm mới lại về phần tình cảm và tinh thần của con người, để mối liên hệ với người thân được cảm thông hơn hoặc để tinh thần mình thoải mái, thanh thản hơn. Sàn nhà được chùi rửa, chân nến và lư hương được đánh bóng. Bàn ghế tủ giường được lau chùi phủi bụi. Người lớn cũng như trẻ con đều tắm rửa gội đầu sạch sẽ, mặc quần áo mới may bảnh bao. Bao nhiêu mối nợ nần đều được thanh toán trước khi bước qua năm mới để xả xui hay để tạo một sự tín nhiệm nơi người chủ nợ. Với mỗi người, những buồn phiền, cãi vã được dẹp qua một bên. Tối thiểu ba ngày Tết, mọi người cười hòa với nhau, nói năng từ tốn, lịch sự để mong suốt năm sắp tới mối liên hệ được tốt đẹp. Người Việt tin rằng những ngày Tết vui vẻ đầu năm sẽ báo hiệu một năm mới tốt đẹp sắp tới.
     Tết là sinh nhật của tất cả mọi người, ai cũng thêm một tuổi vì thế câu nói mở miệng khi gặp nhau là mừng nhau thêm một tuổi. Người lớn có tục mừng tuổi cho trẻ nhỏ và các cụ già để chúc các cháu hay ăn chóng lớn và ngoan ngoãn, học giỏi, còn các cụ thì sống lâu và mạnh khoẻ để con cháu được nhờ phúc.
     Ngày của lạc quan và hy vọng - Năm cũ đã qua mang theo mọi xui xẻo và năm tới sắp đến mang theo đầy niềm tin lạc quan. Nếu năm cũ khá may mắn, thì tin sự may mắn sẽ kéo dài qua năm sau.
     Ngày Tết người ta múa rồng múa lân sư tử khắp mọi nơi, nhất là những cửa hàng buôn bán để rước may mắn thịnh vượng về.
     Mùa Tết cũng là mùa cưới hỏi. Các cặp trai gái thích làm đám cưới vào dịp đầu năm, mùa xuân đất trời đang đẹp và đang mùa hy vọng. Họ hy vọng cho một cuộc đời mới vợ chồng sống hạnh phúc bên nhau và sẽ có đàn con ngoan.
     Ngày Tạ Ơn - Người Việt chọn ngày Tết làm cơ hội để tạ ơn ân nghĩa mình đã được hưởng năm vừa qua. Con cái tạ ơn cha mẹ, cha mẹ tạ ơn ông bà, tổ tiên, nhân viên tạ ơn cấp chỉ huy. Ngược lại, cấp chỉ huy cũng cám ơn nhân viên qua những buổi tiệc đãi hoặc quà thưởng để ăn tết.
     Nhiều gia đình đi chùa lễ Phật đêm giao thừa để tạ ơn và theo truyền thống họ thường hái lộc, mang về nhà những nhánh cây có lá non nụ mới, như xin Phật được sự tươi mát cùng phúc lành mang về nhà.
     Mồng Một tết - là ngày đầu trong năm, thường dành riêng cho gia đình nhỏ của mình và gia đình bố mẹ chồng. Trẻ con người lớn đều mặc quần áo đẹp quây quần bên nhau. Con cháu bắt đầu chắp tay trước ngực cung kính mừng tuổi và chúc tết, chúc sức khỏe ông bà, cha mẹ. Sau đó, ông bà cha mẹ và người lớn lì xì mừng tuổi cho trẻ con. Lì xì đây là tặng một chút tiền, thường là tiền giấy mới tinh, gọi là chút quà đem lại may mắn cho trẻ con kèm lời chúc khuyến khích trẻ con cố gắng học và sống hòa thuận với những người chung quanh.
     Mùng hai tết - là ngày thứ nhì trong năm mới, thường dành để thăm viếng và chúc tết gia đình bên vợ và gia đình những người bạn thân. Đi tới đâu trẻ con cũng được lì xì và lời chúc mừng năm mới.
     Mùng ba tết - là ngày thứ ba trong năm mới. Mối giây liên hệ xã giao mở rộng ra ngoài phạm vi gia đình. Trong ngày này, người Việt đi chúc tết thầy giáo, hàng xóm, bạn bè....
     Tối ngày mùng ba tết là bữa cơm cúng tiễn đưa tổ tiên về lại thiên đường. Các gia đình đốt vàng mã là tiền và thỏi vàng, bạc bằng giấy để gửi tiền lộ phí cho tổ tiên về chầu trời.
     Mùng bốn tết - là ngày thứ tư, là ngày chẵn tốt ngày. Mọi cơ quan, văn phòng dịch vụ, cửa hàng thường chọn ngày này để mở cửa lại. Khi xưa, các vị học giả nhà nho cũng cẩn thận chọn ngày tốt, giờ tốt đem bút giấy ra khai bút làm thơ hay viết câu đối.
     Ta thường nói “Ba ngày Tết” nhưng thật ra không khí Tết kéo dài cả tháng. Những lễ hội mừng Tết lan rộng từ phạm vi gia đình, tới họ hàng, làng xã, đâu đâu cũng có hội mừng xuân. Người ta nô nức rủ nhau đi thật nhiều chùa để xin được nhiều phúc lộc. Tất cả mọi người vui đùa với nhau, sống trong sự hòa thuận và đoàn kết. Đó là những ý nghĩa tuyệt vời của ngày TẾT Việt Nam.

Thứ Ba, 1 tháng 1, 2013

Hoa Mai Việt Nam


 Nếu đào là hoa tiêu biểu cho Tết trên đất phương Bắc thì mai tượng trưng cho những ngày xuân ở miền Nam. Dù giàu hay nghèo, mọi gia đình đều có một cành mai trong những ngày Tết, nhiều nhà ngoài cội mai già trước sân, bàn thờ ông bà còn trưng mai trong phòng khách và cả trên phần mộ tổ tiên ngoài nghĩa trang. Bởi nó mang đậm bản sắc cho tính chất cổ truyên dân tộc. Lâu lắm rồi mai chỉ có một loại mọc hoang dã nơi núi rừng Trường Sơn với dáng vẻ hoang sơ hết sức tự nhiên và độc đáo. Dần dần cùng với sự thẩm định của thời gian cũng như những đòi hỏi thưởng ngoạn và gửi gắm tâm linh của con người, mai được người đời phát hiện và đưa về chăm sóc, thuần hóa, cho ra thứ mai vàng cực đẹp. Mai đặc biệt hơn ở chỗ là nó nở rộ vào đúng dịp Tết Nguyên Đán, cánh mai vàng rực được người ta ví như ánh vàng tinh khiết chiếu qua vào ngày đầu tiên của năm. Vì vậy, hoa mai đã trở thành nàng Xuân may mắn mang đến cho mọi nhà vào năm mới.
Hoa mai được các nhà vườn lai tạo, cấy ghép cho ra nhiều loại hoa với các màu sắc khác nhau. Đó là do công sức miệt mài của người lao động để dâng sắc đẹp cho trời. Nhưng dù thế nào thì hoa mai cũng có cấu tạo chung là thân màu nâu xám, sần sùi, khẳng khiu. Lá non lúc mới ra có màu nâu tím nhạt, sau đó chuyển sang màu xanh nhạt, khi già có màu xanh đậm. Lá mai rất dày, nhìn nó hết sức trẻ trung và tươi tắn. Cánh hoa mềm, mịn, có thể là 5 cánh, 10 hoặc 15 cánh xếp khít nhau, chồng lên nhau. Nhị hoa màu vàng.
Phân biệt 4 loại hoa mai:



1. Mai vàng hay huỳnh mai: phổ biến nhất, được trồng hay mọc tự nhiên ở rừng còi hoặc rừng thưa. Đây là họ mai cao tới 6 mét, thường trổ vào thời gian tết, hoa mọc thành chùm và có cuống dài treo lơ lửng bên cành. Hoa màu vàng, có mùi thơm nhẹ, e ấp kín đáo. Vỏ cây có vị đắng, được dùng làm thuốc khai vị. Mai vàng còn có tên là Nam Chi, do thông thường trên một cành mai những hoa ở hướng Nam nở trước.


2. Mai Tứ Quý hay Nhị độ mai, mai Đỏ: Thường được trồng làm kiểng. Lá dầy và cứng, bìa có răng, hoa 5 cánh vàng, nhiều tiểu tụy, trổ quanh năm. Đây cũng thuộc họ mai vàng nhưng sau khi cho hoa, cây lại còn cho quả màu đỏ nhạt và bóng như ngọc.


3. Mai trắng còn có tên gọi khác là Chi mai, Bạch mai: Cao tới 25 mét, thân thẳng, vỏ cây có màu hơi đỏ khi bị tróc, thường được trồng, khác với mai vàng và mai đỏ đẹp do sắc nhưng mùi thơm nhẹ, không mấy ai nhận thấy được. Bạch mai có cánh trắng nhỏ rất thơm, trái có hột cứng.

4. Mai chiếu thủy: cây nhỏ được trồng làm kiểng do cho lá đẹp và hoa thơm, không có họ hàng với ba loại hoa kể trên, cùng họ với cây Trước Đào. Lá mỏng 2 mặt cùng lớt màu, hoa nhỏ với 5 cánh trắng, cuống hoa dài xụ xuống, trồng vào núi đá non bộ. Nếu muốn ngắm hoa thì ta phải nhìn dưới nước mới tận hưởng được vẻ đẹp lạ lùng của mai chiếu thủy. Chính vì vậy mà nó mới có tên gọi đặc biệt này.


Không những mai được dân miền Nam ưa chuộng, mà còn được người xứ Bắc biết đến. Đất Bắc có một giống mai khác gọi là mai bắc, giống cây đào, cây mận thuộc họ thường. Mai bắc có nhiều loại: Giang mai, thường gặp ở bờ sông; Lãnh mai, mọc trên núi; Giả mai, gặp ở đồng bằng và Cung mai, được trồng ở ngự viên hay cung điện của ông hoàng bà chúa. Nhưng chúng mọc rất ít bởi không phù hợp với thời tiết lạnh lẽo ở đó.
Với dáng vẻ thật đơn sơ và mỏng manh, mai được người đời xếp trong những loại cây cảnh quý mà xưa nay ta vẫn thường thấy trong mảnh vườn bé nhỏ của mỗi gia đình. Người ta vẫn trồng mai, chơi mai bất kể sang hèn, trí thức hay thường dân. Đại thi hào Nguyễn Du đã ví mai như một người bạn: "Nghêu ngao vui thú yên hà - Mai là bạn cũ hạc là người quen."
Mùa đông đang tàn phai cũng chính là thời điểm những bông hoa mai đâm chồi nảy lộc với muôn điều may mắn, hạnh phúc. Trong mắt bạn, trong mắt tôi, cây mai vươn lên từ đất mẹ yêu dấu, chúng thật nhỏ bé, trong trắng, hồn nhiên, duyên dáng. Và tâm hồn ta sẽ được hé mở, "Vị tình lai kí nhất chi mai hữu biệt hoài"... cho hôm nay...cho ngày mai...cho muôn đời sau.