CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI HUỲNH RẠNG Blog (Lập ngày 21-10-2010)


THỜI GIAN SỐNG CỦA CON NGƯỜI KHÔNG DÀI; HÃY SỐNG NHƯ THẾ NÀO CHO ĐỜI NGƯỜI CÓ Ý NGHĨA .

Bạn hãy nghĩ về cuộc đời mình đã có ý nghĩa chưa? đã làm được gì cho gia đình, bạn bè và mọi người? Một việc dù nhỏ nhưng tạo ra hạnh phúc cho mình và người khác thì đã góp phần cho cuộc sống ta có ý nghĩa.

Thứ Ba, 26 tháng 10, 2010

VÀI BÀI THUỐC ĐÔNG Y THÔNG THƯỜNG

Sưu tầm từ Việt Báo (Theo SK&ĐS)
1. Ho có đờm.
Ho có đờm là ho thường kèm với tình trạng khạc ra chất nhày hoặc đờm. Ho có đờm thường là triệu chứng còn lại sau khi bị viêm họng, viêm phế quản, viêm xoang hay ngạt mũi... Người bệnh thường có cảm giác nặng ngực, khó thở và mệt, vướng đờm ở cổ… Xin giới thiệu một số bài thuốc Đông y đơn giản chữa ho có đờm:
Bài 1: 1 quả quất (chừng 10g) rửa sạch, cho vào chén, nghiền nát, cho thêm 3 thìa cà phê mật ong rồi đem hấp cách thuỷ trong 15 - 20 phút, sau đó lấy ra để nguội, pha thêm một chút nước chín rồi chia uống vài lần trong ngày. Dùng 7-10 ngày.
Bài 2: Lê 1 quả, gọt vỏ bỏ hạt, cắt núm, khoét bỏ lõi; cho 10g bột xuyên bối mẫu, 30g đường phèn cho vào bên trong quả lê. Hấp cách thuỷ ăn trong 1-2 lần sáng và tối, có tác dụng chữa ho kéo dài có đờm đặc.

Bài 3: Lấy củ cải rửa sạch, thái vụn hoặc thái thành từng sợi mỏng, trộn với  mạch nha ăn có tác dụng hạ khí, tiêu đờm, dễ thở. Chữa ho do viêm khí quản, nhiều đờm, khó thở.

Bài 4: Dùng la hán quả 20g, với tang bạch bì 12g, sắc uống trong ngày. Uống 7-10 ngày, chữa ho có đờm vàng đặc.
Cần lưu ý, người bị ho có đờm nên uống nhiều nước mỗi ngày, tránh ở môi trường khô và lạnh (nhất là điều hòa), tránh các yếu tố gây kích thích như khói thuốc, khói than, bụi, mùi khí lạ, ăn uống đồ quá nóng gây kích thích vòm họng, giữ ấm cổ, ngực. Nếu có thể nên xông hơi nóng bằng các loại lá có tinh dầu như bạc hà, khuynh diệp,... sẽ giúp làm loãng chất nhầy, chất đờm đặc giúp khạc đờm dễ dàng hơn. Nên nghỉ ngơi, ăn, uống các loại quả như chanh, cam giúp bổ sung vitamin C để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. (Bác sĩ Thu Vân)
2. Mật ong.
Mật ong là một món quà quý giá mà thiên nhiên ban tặng cho con người. Công dụng và ứng dụng của mật ong trong đời sống, ngay từ khi con người có những hiểu biết đầu tiên về nó, cho đến tận ngày nay vẫn còn nguyên giá trị.         
Mật ong là người bạn đồng hành quen thuộc, tham gia vào nhiều mặt của đời sống con người ở khắp nơi trên thế giới. Thêm mật ong vào đồ ăn, thức uống hằng ngày giúp cơ thể khỏe mạnh, trẻ lâu. Mật ong làm tăng màu sắc, mùi vị hấp dẫn cho món ăn; dùng để bảo quản thực phẩm.Với người bị ốm, suy nhược cơ thể, hay người mắc bệnh mãn tính, sử dụng mật ong giúp tăng cường thể lực, chống mệt mỏi. Mật ong được sử dụng để làm giảm nhẹ một số bệnh nhiễm trùng như: vết thương ngoài da, viêm họng, viêm loét dạ dày…
Với trẻ nhỏ, sử dụng mỗi ngày 1 – 2 thìa mật ong, giúp trẻ ngon miệng, tiêu hóa tốt, tăng sức đề kháng, phòng ngừa các bệnh thường gặp (rối loạn tiêu hóa, ho, cảm, sốt…).
Người già, mỗi sớm uống một ly nước ấm pha mật ong, giúp cơ thể khỏe mạnh, trẻ lâu, kéo dài tuổi thọ. Buổi tối, trước khi đi ngủ, dùng 1 thìa mật ong sẽ giúp tạo giấc ngủ sâu.
Với phụ nữ, mật ong là phương thuốc thiên nhiên, giúp cải thiện vẻ đẹp toàn diện. Dùng bôi ngoài da, giúp da dẻ mịn màng. Hằng sáng, uống một ly nước pha mật ong, chanh, giúp thanh lọc cơ thể, chống ôxy hóa, giúp da dẻ hồng hào, tươi nhuận.
Các nghiên cứu đã chỉ ra: Mật ong có tác dụng bồi bổ, chống mệt mỏi, tăng cường sức khỏe là nhờ chứa nhiều chất bổ dưỡng: acid amin, protein, vitamin, khoáng chất và các đường hấp thu nhanh (Fructose, Glucose); Sự đa dạng các enzyme trong Mật ong tạo nên tác dụng kích thích tiêu hóa, giúp  ăn ngon miệng. Các thành phần Albumin, acid Panthotenic kích thích tái tạo tế bào mới, giúp mau lành các tổn thương niêm mạc và da. Mật ong cũng có hoạt tính kháng khuẩn tự nhiên.
Tác dụng chữa ho của Mật ong cũng ngày càng được quan tâm và ứng dụng nhiều hơn.
Tiến sĩ Ian Paul, trường đại học Dược Pensylvania (Mỹ), khi nghiên cứu so sánh tác dụng giảm ho của Mật ong với một hoạt chất giảm ho được sử dụng phổ biến là Dextromethorphan, đã kết luận “Kết quả rõ rệt đến nỗi chúng tôi có thể khẳng định mật ong tốt hơn tất cả các thuốc mua ở quầy”. Với trẻ nhỏ, ông cũng khẳng định “Sử dụng mật ong là một liệu pháp tự nhiên, hiệu quả mà các bậc cha mẹ nên dùng cho trẻ trên 1 tuổi khi chúng bị ho hay cảm cúm”.
Mật ong được sử dụng để chữa ho dưới nhiều cách: Sử dụng mật ong nguyên chất; Mật ong kết hợp với một số loại cây, lá, hoa, củ, quả để chế biến thành phương thuốc trừ ho theo kinh nghiệm dân gian (Mật ong hấp lá hẹ, hấp quất, tỏi, đu đủ…); Mật ong cũng được đưa vào thành phần thuốc ho đông dược dưới dạng thuốc uống hoặc ngậm (như thuốc ho Bảo Thanh).
3. Viên họng
Nhiều nguyên nhân gây bệnh: Bác sĩ Lê Thanh Mai (Phòng khám 466 Trần Khát Chân, Hà Nội) cho biết, đau họng do nhiều nguyên nhân: Có người cứ cảm là ho, đau họng. Có người do nói, la hét quá độ, hoặc không khí quá khô... mà viêm. Có người đêm ngạt mũi vô tình thở bằng miệng là sáng ra đã đau họng. Có khi đau họng là giọng khản đặc, thậm chí mất tiếng, luôn phải hắng giọng, khạc đờm hàng tháng dù không ho, không sốt...
Khi bệnh mới mắc mà không kịp thời chữa trị sẽ biến chứng thành viêm xoang, viêm phế quản, viêm phổi, viêm tai giữa cấp... vi khuẩn gây đau họng chỉ khu trú ở thành cổ họng, chỉ cần điều trị một số loại thuốc ngậm thông dụng hoặc một số bài thuốc đông y cũng có thể dứt bệnh.
Tự chữa viêm vọng: Theo dược sĩ Nguyễn Hoàng Yến (Tổng Công ty Dược Việt Nam), buổi sáng, hoặc tối nhiều người - nhất là trẻ em, người già hay bị lạnh, bật ho. Những lúc ấy chỉ cần ngậm một viên kẹo thuốc như: Bổ phế, Viên ngậm trị viêm họng, Adsine – new, Zecuf... là thuốc thảo dược do Việt Nam sản xuất là hết ho và sát khuẩn họng rất tốt. Một số viên kẹo ngậm ho của nước ngoài như Mekotricin, Zecuf... cũng thích hợp. Còn nếu bị khô mũi, khó thở, đau họng, hoặc ngủ dậy thấy đau họng chỉ cần hít nhiều hơi nước nóng ấm, hoặc cho thêm 1 giọt dầu xanh vào chậu nước sôi bốc hơi rồi hít thở bằng cả miệng, mũi hơi nóng đó khoảng 5 phút sẽ sát trùng vùng họng, xoa dịu cơn đau cổ họng.
Bác sĩ Lê Thanh (Phòng khám - Bệnh viện Xanh Pôn) khuyến cáo phòng bệnh là tốt nhất. Cách đơn giản, dễ thực hiện là pha một muỗng cà phê muối ăn vào nửa lít nước ấm, dùng súc họng, rửa mũi buổi sáng và buổi tối trước khi đi ngủ để cổ họng luôn sạch, không bị viêm nhiễm. Nước biển (nước muối nồng độ nhẹ chứa trong chai có áp suất bán ở các hiệu thuốc) xịt vào cổ họng cũng làm dịu cơn đau họng. Hoặc có thể dùng các dung dịch kiềm nhẹ nước muối sinh lý 0,9% súc họng hàng ngày.
Nếu đau họng khàn tiếng là do vi trùng khu trú sâu dưới cổ họng, nước muối không vào tới. Kẹo thuốc lúc này phát huy tác dụng diệt khuẩn, tiêu đờm rất công hiệu. Nếu bị cảm gây ho, viêm họng thì dùng loại kẹo có chứa chất kẽm (zinc) để xoa dịu chứng đau cổ họng và trị cả triệu chứng khác của bệnh cảm. 
Thời điểm giao mùa cần giữ ấm mũi họng, đeo khẩu trang khi đi đường để tránh khói bụi, ô nhiễm... Ngoài ra, nên uống nhiều nước lọc, tránh rượu bia, thuốc lá, tránh nơi bụi bậm, gió lớn, không tắm đêm, không uống nước đá, ăn đồ lạnh vì sẽ làm nhiệt độ ở họng thay đổi, vi khuẩn sẽ phát triển gây đau họng. Những người có thói quen hắng giọng, khạc nhổ cần phải từ bỏ vì hành vi này dễ làm vỡ mạch máu nhỏ ở cổ họng, gây ra máu, sưng và nhiễm trùng rất khó chữa.