ĐỒI MỚI LÃNH ĐẠO VÀ QUẢN LÍ TRƯỜNG PHỔ THÔNG
(SCHOOL LEADERSHIP AND MANAGEMENT INNOVATION)
-------------------------
Đổi mới Lãnh đạo và quản lí trường phổ thông là chuyên đề nhằm giới thiệu với học viên:
- Lý do đổi mới lãnh đạo và quản lý trường phổ thông.
- Những định hướng chiến lược, các quan điểm chỉ đạo về phát triển giáo dục và lựa chọn mô hình quản lý trường phổ thông.Vai trò lãnh đạo, quản lý trường phổ thông trước bối cảnh tòan cầu hóa và hội nhập.
Sau khi học xong chuyên đề học viên sẽ:
- Giải thích được tính tất yếu và sự cấp thiết phải đổi mới lãnh đạo, quản lý giáo dục nói chung và giáo dục phổ thông nói riêng trong bối cảnh kinh tế - xã hội tòan cầu hiện nay;
- Đề xuất được những lĩnh vực cần tạo ra sự thay đổi trong lãnh đạo và quản lý tại cơ sở đang công tác;
- Có niềm tin và quyết tâm đổi mới lãnh đạo và quản lý các họat động giáo dục trong trường phổ thông.
NỘI DUNG:
1. Sự cấp thiết phải đổi mới lãnh đạo và quản lý trường phổ thông trong bối cảnh tòan cầu hóa và hội nhập.
1.1. Sự cấp thiết phải đổi mới lãnh đạo và quản lý trường phổ thông nhìn nhận trên phương diện lý luận giáo dục và quản lý giáo dục.
1.1.1. Mối quan hệ biện chứng giữa phát triển giáo dục với phát triển kinh tế - xã hội.
- Sự phát triển bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới cũng phụ thuộc vào một số yếu tố cơ bản:
+ Bối cảnh chung của thời đại.
+ Trình độ và sự phát triển khoa học công nghệ.
+ Chế độ chính trị và chính sách quốc gia.
+ Mô hình và mức độ phát triển KT-XH.
+ Truyền thống và bản sắc văn hóa.
+ Truyền thống giáo dục.
- Lịch sử phát triển giáo dục đã chứng tỏ:
+ Giáo dục là phương tiện cải biến xã hội, tạo tiền đề về nhân lực có tri thức cho phát triển KT-XH trong mọi giai đoạn lịch sử phát triển xã hội loài người.
+ KT-XH luôn đặt ra những yêu cầu mới và tạo điều kiện mới cho giáo dục phát triển đáp ứng được các yêu cầu phát triển KT-XH trong mọi giai đoạn lịch sử phát triển xã hội lòai người.
Từ đó khẳng định phát triển giáo dục và phát triển KT-XH có tính “cân bằng động”; cho nên giáo dục nói chung và nhà trường nói riêng phải luôn tự điều chỉnh để nâng mình lên nhằm đáp ứng được các yêu cầu phát triển KT-XH của thời đại và tận dụng được những điều kiện mới mà KT-XH mang lại cho giáo dục.
1.1.2. Các chức năng của nhà trường phổ thông đối với sự phát triển KT-XH.
- Nhà trường phổ thông có chức năng chính trị (Political Function)
Nhà trường có những chức năng đối với sự phát triển của thể chế chính trị trong xã hội ở bình diện khác nhau. Cụ thể:
+ Bình diện cá nhân (Individual Level): Nhà trường giúp học sinh phát triển ý thức công dân, nắm vững kỹ năng, kỹ xảo để thực hiện trách nhiệm và quyền lợi của người công dân.
+ Bình diện tổ chức (Intitutional Level): Nhà trường đưa HS vào một chuẩn mực chính trị, các giá trị xã hội đã được chọn lọc và thừa nhận, đồng thời làm cho họ xã hội hóa một cách hệ thống. Mặt khác nhà trường là một liên kết chính trị vô hình nhưng hữu ích giữa các giáo viên, cha mẹ HS, HS nhằm ổn định cơ cấu các lực lượng chính trị.
+ Bình diện vùng dân cư và bình diện xã hội (CommunityLevel and Society Level): Nhà trường nhằm vào nhu cầu chính trị của xạ hội, của địa phương để tăng cường độ chấp nhận quyền lực của chính quyền, duy trì sự ổn định cơ cấu chính trị, nâng cao ý thức dân chủ, tạo thuận lợi cho sự phát triển và cải thiện chính trị. Nhà trường sẽ chuẩn bị hữu ích cho HS sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nước, lợi ích chung của tòan cầu, sự liên kết quốc tế và phong trào hòa bình; đồng thời xóa bỏ những mâu thuẩn giữa các khu vực, các dân tộc để tạo ra lợi ích lâu dài của thế giới và sự tin cậy lẫn nhau.
-Nhà trường phổ thông có chức năng kinh tế/kỹ thuật (Technical/Economic).
Nhà trường có thể cống hiến cho sự phát triển kinh tế đối với cá nhân, tổ chức, vùng dân cư, xã hội và quốc tế. Cụ thể:
+ Bình diện cá nhân (Individual Level): Nhà trường giúp HS có được tri thức và kỹ năng để họ có thể sinh tồn trong xã hội hiện đại hoặc nền kinh tế cạnh tranh; đồng thời tạo cơ hội cho GV và NV trong ngành trưởng thành, thăng tiến.
+ Bình diện tổ chức (Intitutional Level): Nhà trường là đơn vị cung cấp những dịch vụ chất lượng caovà cũng là nơi dành cho GV, NV hữu quan sống và học tập. + Bình diện vùng dân cư và bình diện xã hội (CommunityLevel and Society Level): Nhà trường cung cấp nhân lực chất lượng cao cho hệ thống kinh tế cho xã hội bản địa, gây dựng những hành vi kinh tế của các HS, đồng thời duy trì sự phát triển của cơ cấu nhân lực trong hệ thống kinh tế.
+ Bình diện quốc tế (International Level): Nhà trường giáo dục sự cạnh tranh và hợp tác quốc tế, bảo vệ trái đất, cùng sự giao lưu thông tin khoa học kỹ thuật; cung cấp nguồn nhân lực trình độ cao cho các nhu cầu cần thiết.
-Nhà trường phổ thông với chức năng con người/xã hội (Human/Social)
Nhà trường có chức năng nhất định trong sự phát triển quan hệ giữa người với người và quan hệ xã hội ở các bình diện khác nhau. Cụ thể:
+ Bình diện cá nhân (Individual Level): Nhà trường giúp HS phát triển tâm lý, sinh lý, giao tiếp và triệt để phát huy tiềm năng của họ.
+ Bình diện tổ chức (Intitutional Level): Nhà trường là một thực thể xã hội (Social Entity) do các mối quan hệ con người khác nhau hợp thành hoặc là một phần tử củ hệ thống xã hội. Chính vì vậy, nhà trường có chức năng của một tổ chức trong xã hội.
+ Bình diện vùng dân cư và bình diện xã hội (CommunityLevel and Society Level): Nhà trường phục vụ cho nhu cầu phát triển bản địa và xã hội, phát huy tác dụng để điều chỉnh hòa nhập cho các phần tử đa dạng và khác biệt cho xã hội, trợ giúp cho sự chuyển dịch kết cấu giai cấp trong xã hội, làm cho mọi người có những tiền đề khác nhau cũng đều được sự bình đẳng xã hội, lựa chọn và phân công con người gánh vác những vị trí quan trọng và tất nhiên sẽ giúp cho mọi cải tổ và phát triển xã hội về lâu dài.
-Nhà trường phổ thông với chức năng văn hóa (cultural Function).
Nhà trường có những cống hiến cho sự truyền tải và phát triển (Transmisssion and Development) văn hóa đối với các bình diện khác nhau. Cụ thể:
+ Bình diện cá nhân (Individual Level): Nhà trường giúp HS phát triển sức sáng tạo và cảm thụ thẫm mỹ, làm cho HS được xã hội hóa các chuẩn mực, giá trị đã được xã hội công nhận.
+ Bình diện tổ chức (Intitutional Level): Nhà trường chuyển giao văn hóa cho thế hệ sau một cách có hệ thống; hòa hợp với các nhóm văn hóa (Subcultures) và thẩm thấu vào đó sức sống của văn hóa truyền thống.
+ Bình diện vùng dân cư và bình diện xã hội (CommunityLevel and Society Level): Nhà trường là đơn vị văn hóa mang những chuẩn mực và những kỳ vọng của cộng đồng; truyền tải những giá trị quan trọng của xã hội và vun đấp những giá trị đó cho HS; hòa hợp các giá trị cận văn hóa có cội nguồn khác nhau làm sống động những sức mạnh văn hóa hiện còn tồn tại, đồng thời giảm thiểu các mâu thuẩn và bất thuận xuất hiện trong xã hội.
+ Bình diện quốc tế (International Level): Nhà trường cổ vũ học sinh chào đón văn hóa các dân tộc, các khu vực và các tầng lớp dân cư khác nhau, tìm hiểu và tiếp cận các chuẩn mực, truyền thống, giá trị của các quốc gia, các khu vực; thông qua sự điều hòa văn hóa để thúc đẩy sự phát triển văn hóa tòan cầu.
-Nhà trường phổ thông với chức năng giáo dục (Education Function):
Nhà trường có chức năng giáo dục ở các cấp độ để phát triển xã hội. Cụ thể:
+ Bình diện cá nhân (Individual Level): Nhà trường giúp HS và GV biết cách phải học và dạy như thế nào; đồng thời cũng giúp GV phát triển nghề nghiệp, trưởng thành qua quá trình dạy học tương hỗ.
+ Bình diện tổ chức (Intitutional Level): Nhà trường là địa điểm để học, để dạy và truyền bá tri thức có hệ thống; đồng thời cũng là trung tâm để thực nghiệm, thực thi những cải cách nâng cấp giáo dục có hệ thống.
+ Bình diện vùng dân cư và bình diện xã hội (CommunityLevel and Society Level): Nhà trường cung cấp những dịch vụ cho nhu cầu giáo dục khác nhau của vùng dân cư để giúp cho phát triển của ngành giáo dục và cơ quan giáo dục, để chuyển giao các thông tin tri thức cho thế hệ sau và để giúp cho xã hội trở thành một xã hội học tập (Kearning Society).
+ Bình diện quốc tế (International Level): Nhà trường cổ vũ cho sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc, hiệp trợ cho thế hệ trẻ một “đại gia đình tòan cầu” hoặc “mái nhà chung” (Global Village), nhà trường có thể dồn sức lực của mình cho các giao lưu giáo dục tòan cầu ((Global Education) và giáo dục quốc tế (International Education), cống hiến cho sự giáo dục tòan thế giới.
Kết luận: Trước sự thay đổi không ngừng của xã hội thì mọi cá nhân, tổ chức, cộng đồng và xã hội luôn có những yêu cầu mới đối với các họat động giáo dục của nhà trường; dẫn đến nhà trường phải có sự thay đổi để thực hiện các chức năng chính trị, kinh tế/kỹ thuật, con người/xã hội, văn hóa và cả chức năng giáo dục.
1.2. Sự cấp thiết phải đổi mới lãnh đạo và quản lý trường phổ thông nhìn nhận trên phương diện thực tiễn giáo dục toàn cầu.
1.2.1. Kinh tế tri thức, sự phát triển KH&CN, xu thế hội nhập và cơ chế thị trường là đặc trưng chủ yếu của thời đại.
Các quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang có sự chuyển đổi nhanh từ nền văn minh vật chất sang nền văn minh tinh thần, từ nền kinh tế hậu công nghiệp sang nền kinh tế tri thức với sự phát triển như vũ bão của KH&CN, đặc biệt là xu thế toàn cầu hóa và cơ chế thị trường đã tạo ra một số đặc trưng mới của thời đại ngày nay:
-Giá trị của tài sản trí tuệ.
Hiện nay tài sản hữu hình ( bất động sản, máy móc, thiết bị,…) chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ so với tài sản vô hình ( tư tuởng, tri thức, bí quyết, tài năng, sáng tạo, sự độc đáo, danh tiếng, thương hiệu,…); trong đó tài sản trí tuệ và tài sản tri thức đóng vai trò chủ yếu. Từ đó nhiều nuớc phát triển trên thế giới coi trọng sở hữu trí tuệ và điều này vừa khuyến khích vừa sáng tạo ra các giá trị tinh thần, lại vừa nới rộng khoảng cách giàu và nghèo giửa các nuớc.
-Sự phát triển như vũ bão của KH&CN.
KH&CN sinh học, công nghệ điện tử phát triển mạnh mẽ và đặc biệt là sự phát triển quá nhanh chóng của mạng thông tin toàn cầu nhờ công cụ Internet đã tạo nên sự thịnh vượng của mọi quốc gia và con người phụ thuộc nhiều vào nó. Thương mại điện tử được coi trọng và phát triển làm giảm thiểu tối đa các hình thức thương mại khác. Các ưu việt của kinh doanh tri thức tạo cho cả nhân loại tập trung vào thương mại tri thức.
-Xu thế toàn cầu hóa.
Xu thế toàn cầu hóa đòi hỏi phải phát triển công nghệ thông tin nhằm gắn kết tất cả cộng đồng người và các quốc gia với nhau. Sự lưu chuyển các nguồn vốn, thông tin và tri thức đang diễn ra trong phạm vi toàn cầu với tốc độ chóng mặt và không còn biên giới.
-Sự hình thành các trung tâm kinh tế, khoa học trên thế giới.
Trung tâm kinh tế khoa học của thế giới sẽ ở những quốc gia có hệ thống cơ sở hạ tầng và truyền thông phát triển. Những nước này có lợi thế xây dựng một nền kinh tế năng động và phát triển hơn hẳn các nước khác.
-Sự thay đổi trong lao động xã hội.
Sự thay đổi trong lao động xã hội thể hiện mỗi ngày một rõ hơn. Lực lượng lao động mới là những người không làm ra sản phẩm vật chất cụ thể mà lại làm ra các giá trị tinh thần và trí tuệ,… xuất hiện ngày một nhiều hơn; đồng thời họ lại được trả lương cao. Tất nhiên không loại bỏ việc chế tạo ra máy móc và những rôbốt mỗi ngày một tinh vi hơn, nhưng muốn thành đạt trong nền kinh tế mới, thì mọi người cần được đào tạo cơ bản và phải có trình độ học vấn cao.
-Sự hợp tác và lòng tin là hai nhân tố cấu thành sự thành công trong phát triển KT-XH ở mọi quốc gia.
Sự hợp tác và lòng tin là hai nhân tố cấu thành sự thành công trong phát triển KT – XH ở mọi quốc gia.
Nhiều tác giả còn đặt tên cho hai yếu tố trên là “ tư bản xã hội ” và cho rằng muốn đổi mới sản phẩm, biến các ý tưởng sáng tạo thành hiện thực phải có sự hợp tác của nhiều chuyên gia về các lĩnh vực khác nhau trên mọi nguyên tắc không thể thiếu lòng tin.
-Sự mạo hiểm là vấn đề quan trọng trong nền kinh tế tri thức.
Sự mạo hiểm là vấn đề quan trọng của nền kinh tế tri thức. Cần có sự đầu tư các nguồn vốn cho các hoạt động có độ rủi ro cao như đầu tư cho kinh doanh tri thức. Như vậy, kết quả của sự đầu tư đó sẽ mang lại hiệu quả gấp rất nhiều lần.
-Tính đổi mới và sáng tạo là một dạng tài sản quí giá nhất.
Tính đổi mới và sáng tạo là một dạng tài sản quí giá nhất của bất kỳ một doanh nghiệp cũng như của một quốc gia nào. Trong nền kinh tế tri thức, đổi mới và sáng tạo là nguồn vốn phi vật chất, nhưng lại có vai trò quan trọng hơn hẳn vốn vật chất như tiền, đất đai, sức lao động thủ công.
Tóm lại: Từ những đặc điểm chủ yếu của những biến đổi của thế giới nêu trên, cho thấy nhìn chung xu thế phát triển KT – XH của thời đại ngày nay đã đặt ra cho hoạt động giáo dục phải xây dựng được những nhân cách thích ứng với:
· Một thế giới phát triển tri thức;
· Một thế giới hòa nhập xã hội;
· Một thế giới mà mỗi con người luôn luôn phải bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, nhưng lại bị ảnh hưởng của sự giao lưu văn hóa, khoa học và công nghệ giữa các cộng đồng, các dân tộc, các quốc gia;
· Một thế giới đang có nguy cơ khủnng hoảng về giá trị con người, về bùng nổ dân số và về ô nhiễm môi trường.
1.2.2. Những cơ hội và thách thức đối với phát triển KT-XH và phát triển giáo dục toàn cầu.
Hiện nay, KT – XH (trong đó có giáo dục) ở mọi quốc gia trên thế giới đang đứng trước những cơ hội phát triển và các thách thức phải vượt qua. Đó là phải giải quyết có hiệu quả các mối quan hệ chủ yếu mang tính thời đại như:
-Giữa toàn cầu và cục bộ.
Con người trở thanh công dân toàn cầu, thích ứng được những biến đổi không ngừng và mang tính hội nhập cao; nhưng không được “mất gốc” của mình trong việc mang lại lợi ích cho quốc gia và cộng đồng mình.
-Giữa phổ biến và riêng lẻ.
Văn hóa không ngừng bị toàn cầu hóa, song mới chỉ ở mức từng bộ phận. Tuy vậy nếu không thực sự cảnh giác thì không thể bảo tồn được những vấn đề giữa truyền thống và bản sắc văn hóa với những xu hướng phát triển hiện thời.
-Giữa truyền thống và hiện đại
Truyền thống và hiện đại là hai mặt của cùng một vấn đề đang đặt ra. Đó là làm thế nào để thích ứng với hiện đại mà không tự mình quay lưng lại với quá khứ; làm thế nào để tiếp thu nhanh chóng với công nghệ mới mà không lãng quên những gì cao đẹp được coi là truyền thống tinh hoa mà ông cha, của dân tộc và của cộng đồng mỗi người đang sinh sống.
-Giữa dài hạn và ngắn hạn.
Đó là việc giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa cái tạm thời và cái tức thời trong cái thế giới quá nhiều thông tin và xúc cảm không vì ngày mai, chỉ vì cái trước mắt. Thực hiện những ước muốn trước mắt là cần thiết, nhưng không được không nghĩ tới tương lai của chính bản thân của mỗi người và mọi người; không thể không nghĩ cộng đồng, dân tộc, quốc gia và nói rộng ra là cả trái đất này sẽ được phát triển hay bị kìm hãm, hủy hại đến mức độ nào do việc tập trung vào thực hiện các mục tiêu trước mắt của mỗi cá nhân, của mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc và của mỗi quốc gia.
-Giữa sự cần thiết về cạnh tranh và bình đẳng về cơ may.
Đó là mối quan hệ mang tính muôn thủơ được xuất hiện mang tính khách quan của quy luật phát triển xã hội. Mối quan hệ này thể hiện ở sự hòa hợp được các mặt: sự cạnh tranh lành mạnh có tính khuyến khích phát triển; sự hợp tác mang lại tính năng tăng cường và sự đoàn kết mang lại tính gắn bó và đồng thuận; thực hiện được triết lý “ dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh ” đối với mọi cá nhân, tập thể, cộng đồng, dân tộc và mọi quốc gia.
-Giữa trình độ phát triển phi thường về kiến thức và khả năng con người tiếp thu nó.
Tốc độ và thành quả phát triển của KH&CN dẫn đến ý tưởng phải tìm cách trang bị gấp rút và tăng nhiều nội dung tri thức mới cho mọi người trong xã hội. Nhưng sự quá tải nội dung tri thức khổng lồ và sức ép của sự phát triển như vũ bão của KH&CN sẽ tổn hại đến sức khỏe thể chất và tinh thần của con người; đồng thời ảnh hưởng không ít đến cả vấn đề môi trường thiên nhiên. Từ đó đi đến việc lựa chọn nội dung chương trình, phương pháp và hình thức tổ chức truyền thụ tri thức nhân loại như thế nào cho phù hợp với khả năng nhận thức của con người là cách thức mà các nhà nghiên cứu giáo dục và quản lý giáo dục phải biết cách vượt qua.
-Giữa trí tuệ và vật chất.
Đây là vấn đề khó và lâu nay thiếu nhận thức ra nó vì nó thuộc phạm trù đạo đức (các giá trị tinh thần được xây dựng trên cơ sở trí tuệ và cái vật chất được thụ hưởng như thế nào nhờ vào trí tuệ của mỗi người). Yêu cầu của việc truyền thụ tri thức nhân loại là phải làm cho người học tự nhận ra và tự giải quyết được vấn đề mối quan hệ giữa mức độ tri thức của bản thân với sự thụ hưởng tương xứng về vật chất và tinh thần không những của bản thân họ mà còn của cả cộng đồng, xã hội. Nói rộng ra cho một tổ chức là phải biết giải quyết mối quan hệ giữa năng lực trí tuệ của tổ chức mình với những mức độ thụ hưởng vật chất và tinh thần của tổ chức đó; đòng thời không quên đến lợi ích vật chất và tinh thần của cộng đồng và xã hội.
1.2.3. Xu hướng đổi mới và phát triển giáo dục tòan cầu.
- Quá trình giáo dục phải hướng tới người học
+ Tính cá thể của người học được đề cao.
+ Coi trọng trong mối quan hệ giữa lợi ích của người học với mục tiêu phát triển xã hội và mục tiêu phát triển cộng đồng, xã hội.
+ Nội dung giáo dục phải sáng tạo , theo nhu cầu người học.
+ Phương pháp giáo dục là cộng tác, hợp tác giữa người dạy và người học, công nghệ hóa và sử dụng tối đa tác dụng của cộng nghệ thông tin.
+ Hình thức tổ chức giáo dục đa dạng, linh hoạt phù hợp với kỷ nguyên thông tin và nền kinh tế tri thức nhằm tạo khả năng tối ưu cho người học lựa chọn hình thức học.
+ Đánh giá kết quả học tập trong trường học phải đổi mới để thực sự có những phán quyết chính xác về kiến thức, kỹ năng và thái độ người học.
- Thực hiện có hiệu quả các trụ cột của giáo dục và thực hiện được triết lý học suốt đời
+ Học để biết
Giáo dục trong nhà trường như thế nào để người học tiếp cận ngay được những thay đổi nhanh chóng do sự tiến bộ không ngừng của KH&CN và sự biến đổi mới của các hình thức hoạt động KT-XH. Biết căn nguyên vấn đề, biết vận dụng tri thức vào việc tạo ra việc làm và làm việc, biết cách ứng xử trong cuộc sống để cùng chung sống trong xã hội (nói chung là môi trường xã hội) luôn luôn biến động.
+ Học để làm
Giáo dục trong nhà trường như thế nào để ngoài việc người học học được một nghề để có việc làm nhưng có thêm năng lực giúp họ xử lý được nhiều tình huống cụ thể mà thường không thể thấy trước được; đồng thời giúp cho người học thích ứng với các biến đổi của thời đại. Vấn đề này phương pháp dạy học hiện nay chú ý chưa đúng mức và chỉ có thể thực hiện được khi mà dạy học đi đôi với hoạt động tập thể, lao động gắn với cuộc sống thực tiễn. Như vậy hoạt động dạy học trong trường phổ thông phải được tiến hành trong một nền giáo dục đủ rộng (học nhiều môn học với nhiều hình thức) nhằm tạo cho người học khả năng làm việc có kỹ năng và kỹ xảo với một nghề chọn lọc; nhưng biết thêm phương pháp tư duy để biết được và thích ứng sự thay đổi nghề trong tương lai.
+ Học để chung sống (học để sống với người khác)
Giáo dục trong nhà trường như thế nào để con người (công dân của thế giới) hiểu biết nhau về: kế mưu sinh, về lịch sử - văn hóa, về truyền thống và các giá trị tinh thần của người khác, của cộng đồng khác và của dân tộc khác. Từ đó người học biết được cái riêng trong cái chung, biết bảo vệ cái riêng, nhưng cũng biết tôn trọng và xây dựng cái chung của toàn nhân loại, đồng thời biết hòa nhập vào cái chung (giá trị chung của nhân loại) để cùng phát triển bền vững.
+ Học để làm người
Giáo dục trong nhà trường như thế nào để cho mỗi con người trong thế kỷ XXI có năng lực tự chủ và xét đón cao hơn nhằm gắn bó giữa cá nhân với nỗ lực đạt được cái chung. Làm sao không để một tài năng nào (như một năng lực tiềm ẩn trong từng con người) là không được khai thác. Cụ thể là trí nhớ, sự lập luận, trí tưởng tượng, khả năng thể lực, thẩm mỹ, thái độ giao tiếp với những người khác, uy tín của mọi con người,… đều được phát huy. Hiện nay “ xã hội thông tin” đang phát triển làm cho những cơ hội tiếp cận những dữ liệu và sự kiện được gia tăng, nên dạy học cần giúp cho mọi người sử dụng được thông tin; biết thu thập, chọn lọc, sắp xếp, quản lý và sử dụng nó. Có như vậy con người thời đại ngày nay mới “làm người” một cách đúng nghĩa của nó.
+ Học suốt đời.
Triết lý học suốt đời được xem như những chiếc chìa khóa mở cửa cho mọi người tiếp tục đi đến và cập nhật được các thành tựu khoa học, công nghệ; những nét mới của sự phát triển văn hóa. Nó vượt quá sự phân biệt giữa truyền thống giáo dục ban đầu và giáo dục liên tục. Nó tạo ra một xã hội học tập, ở đó tất cả mọi người đều có cơ hội học tập và phát huy tiềm năng của mỗi người; đồng thời mở ra những khả năng học tập cho mỗi người. Như vậy giáo dục trong nhà trường thời nay phải đạt được mục tiêu kép:
. Trang bị kiến thức, kỹ năng và thái độ cho người học để sau thời gian học ban đầu có thể tiếp tục học lên cao hơn để có nghề chuyên sâu.
. Trang bị các năng lực cần thiết trong thời gian học ban đầu để người học có thể hòa nhập ngay vào thị trường lao động, chờ cơ hội tiếp tục học lên và thực hiện học tập suốt đời.
- Xu hướng chung về đổi mới giáo dục và đổi mới quản lý nhà trường của một số nước phát triển.
Với quan điểm giáo dục cho tất cả - Tất cả cho giáo dục (Education for All – All for Education); các quốc gia phát triển trên thế giới luôn luôn thực hiện cải cách giáo dục khi mà nền KT-XH có sự chuyển đổi. Thực tiễn cải cách giáo dục (trong đó có đội mới quản lý giáo dục và đổi mới quản lý nhà trường) ở một số quốc gia phát triển cho thấy giáo dục của họ thực chất đã đáp ứng được yêu cầu phát triển KT-XH. Đó là việc thực hiện đổi mới về tư duy, phương thức và cơ chế quản lý giáo dục và quản lý nhà trường. Cụ thể:
+ Đổi mới về tư duy quản lý giáo dục: chuyển từ tư tưởng quản lý mệnh lệnh hành chính sang quản lý chủ yếu bằng pháp luật.
+ Đổi mới phương thức quản lý giáo dục: chuyển từ một chiều, từ trên xuống sang tương tác, lấy đơn vị cơ sở làm trung tâm.
+ Đổi mới cơ chế quản lý giáo dục: chuyển từ tập trung, quan liêu, bao cấp sang phân cấp, dân chủ, tự chủ và tự chịu trách nhiệm;
Như vậy, bản chất của sự đổi mới quản lý nhà trường là ở chỗ quản lý lấy nhà trường làm cơ sở (School – Based Management). Đây là một xu thế tất yếu của sự đổi mới quản lý nhà trường và xu thế này đang xuất hiện các thách thức chủ yếu sau:
+ Quản lý lấy nhà trường làm cơ sở đòi hỏi CBQL nhà trường phải có năng lực ra quyết định phù hợp với quyền tự chủ về nhân sự và tài chính; đòi hỏi đội ngũ nhà giáo phải có năng lực làm việc tập thể, giải quyết vấn đề, hoạch định kế hoạch phát triển; đòi hỏi tập thể giáo viên, cán bộ, nhân viên nhà trường phải có năng lực đóng góp và tham gia vào công tác quản lý.
+ Quản lý lấy nhà trường làm cơ sở đòi hỏi mọi thành viên nhà trường dành thêm thời gian hàng ngày cho công việc nhà trường. Điều này là một thách thức không nhỏ, nhất là đối với giáo viên khi họ đã phải chịu gánh nặng về thời gian do yêu cầu đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp.
+ Quản lý lấy nhà trường làm cơ sở đòi hỏi cơ chế phối hợp mới, trong đó cơ quan quản lý giáo dục cấp trên cần giảm bớt tính chỉ đạo một chiều để tăng cường tính khuyến khích, hỗ trợ, động viên, tạo điều kiện cho nhà trường phát huy vai trò chủ động trong quản lý, điều hành các hoạt động của mình.
1.2.4. Khái quát về thực trạng giáo dục Việt Nam (học viên tham khảo thêm các tài liệu: Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc khóa X của Đảng Cộng Sản Việt Nam; Dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2020 của Bộ GD&ĐT).
- Những thành tựu.
+ Hệ thống giáo dục quốc dân tương đối hoàn chỉnh, thống nhất đa dạng đã được hình thành;
+ Quy mô giáo dục tăng nhanh, bước đầu đáp ứng nhu cầu học tập của xã hội;
+ Chất lượng giáo dục trong các cấp học và trình độ đào tạo đã có chuyển biến bước đầu;
+ Công bằng xã hội hóa đã đem lại những kết quả bước đầu;
+ Công bằng xã hội trong giáo dục đã được cải thiện.
- Nguyên nhân.
+ Truyền thống hiếu học của dân tộc;
+ Sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự lãnh đạo điều hành của Chính phủ và sự quan tâm của xã hội.
+ Sự ổn định chính trị và những thành quả phát triển kinh tế;
+ Đầu tư cho giáo dục từ ngân sách nhà nước tăng;
+ Lòng yêu nước, yêu nghề, và sự tận tụy, nỗ lực của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
- Những yếu kém.
+ Chất lượng giáo dục đại trà còn thấp;
+ Cơ cấu trình độ, cơ cấu ngành nghề, cơ cấu vùng miền còn mất cân đối;
+ Đội ngũ giáo viên vừa thừa vừa thiếu, chưa đồng bộ;
+ Cơ sở vật chất kỹ thuật của nhà trường còn thiếu thốn và lạc hậu;
+ Chương trình, giáo trình, phương pháp giáo dục chậm đổi mới, chậm hiện đại hóa;
+ Công tác quản lý giáo dục còn kém hiệu quả.
- Nguyên nhân.
+ Tư duy giáo dục chậm đổi mới;
+ Cơ chế quản lý giáo dục chưa tương thích với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của đất nước;
+ Nhân lực và quản lý nhân lực giáo dục chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới của giáo dục;
+ Đầu tư cho giáo dục chưa tương xứng với mong muốn về yêu cầu chất lượng và chưa có hiệu quả cao;
+ Phương pháp và hình thức giáo dục chưa thực sự phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và kỹ năng sống của người học.
- Những so sánh với quốc tế.
Những nguyên nhân trên gây nên sản phẩm giáo dục (nhân cách người lao động) của chúng ta chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển KT-XH nước nhà. Nếu so sánh với một số nước trong khu vực thì thấy có sự thua kém.
Các dẫn chứng dưới đây phần nào minh chứng được tác dụng và giá trị của giáo dục của chúng ta với sự phát triển KT-XH nước nhà.
+ Chỉ số phát triển EDI (Education for Development Index) trong một số năm gần đây của Việt Nam còn thua kém nhiều nước trong khu vực như: Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc,… và xếp hạng thấp so với nhiều nước trên thế giới. + Xếp hạng theo chỉ số HDI ( chỉ số phát triển con người) trong một số năm gần đây của Viêt Nam còn thua kém nhiều nước trong khu vực như: Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Philippin, Inđônexia, Malayxia,… và xếp hạng thấp so với nhiều nước trên thế giới.
+ Do giáo dục chưa thực sự phát triển nên ảnh hưởng đến sự nghiệp phát triển KT-XH. Cụ thể về xếp hạng chỉ số GDP của Việt Nam trong một số năn gần đây tuy có nhích lên, nhưng so với một số nước trong khu vực còn thấp và đứng khoảng 100 trên 177 nước trên thế giới.
Kết luận phần 1
-Cuộc cách mạng KH&CN đang phát triển với những bước tiến nhảy vọt nhằm đưa thế giới chuyển từ kỷ nguyên công nghệ sang kỷ nguyên thông tin và phát triển kinh tế tri thức.
-Vấn đề toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế vừa tạo ra quá trình hợp tác để phát triển và vừa là quá trình đấu tranh gay gắt của các nước đang phát triển để bảo vệ lợi ích quốc gia, bảo tồn bản sắc văn hóa và truyền thống của các dân tộc.
-Những xu thế chung nêu trên đã tạo ra những yêu cầu mới và tạo ra sự biến đổi nhanh chóng, sâu sắc đến tất cả các lĩnh vực hoạt động xã hội toàn cầu, trong đó có giáo dục. Từ các yêu cầu mới về phát triển KT-XH toàn cầu, dẫn đến những yêu cầu mới về mẫu hình nhân cách người lao động mới (người công dân toàn cầu), tiếp tục dẫn đến những yêu cầu mới về chất lượng và hiệu quả giáo dục
- Trách nhiệm đối với các yêu cầu của thời đại về lực lượng lao động phần lớn thuộc về giáo dục, bởi lẽ giáo dục giữ vai trò trọng trách trong việc xây dựng và phát triển nhân cách người lao động không những cho mỗi cộng đồng, cho từng quốc gia mà còn cả trên bình diện quốc tế. Nói cách khác là phải đổi mới giáo dục thì mới nâng cao được chất lượng và hiệu quả giáo dục; từ đó mới có được những mẫu hình nhân cách đáp ứng được với những biến đổi toàn điện của xã hội hiện nay. Quản lý giáo dục và quản lý nhà trường đóng vai trò định hướng, là một trong những yếu tố mang tính đột phá và quyết định đến chất lượng và hiệu quả giáo dục. Vì vậy, đổi mới lãnh đạo và quản lý giáo dục nói chung và nhà trường nói riêng (trong đó có nhà trường phổ thông) là một tất yếu khách quan và cũng là sự đòi hỏi cấp thiết của xã hội trong giai đọan hiện nay; nhất là trong bối cảnh nước ta đã gia nhập tổ chức thương mại quốc tế (WTO).
3. Hiệu trưởng trường phổ thông: Người lãnh đạo và quản lý nhà trường.
3.1. Nhìn nhận từ quan điểm và mô hình mới về quản lý nhà trường.
3.1.1. Lựa chọn mô hình quản lý.
- So sánh hai quan điểm về quản lý nhà trường.
Quan điểm cũ | Quan điểm mới |
1. Quản lý bằng mệnh lệnh hành chánh. 2. Cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp. 3. Phương thức 1 chiều, từ trên xuống. | - Quản lý bằng pháp luật.
- Cơ chế phân cấp, dân chủ, tự chủ tự chịu trách nhiệm.
- Phương thức tương tác, lấy nhà trường làm trung tâm.
|
- So sánh hai mô hình quản lý nhà trường.
Mô hình cũ | Mô hình mới |
Ít chú ý đến khía cạnh lãnh đạo để thay đổi nhà trường. | Tập trung nhiều hơn vào lãnh đạo thay đổi để phát triển nhà trường |
Chưa xây dựng rõ tầm nhìn, sứ mạng, các giá trị và các chương trình hành động. | Nhà trường là nơi quyết định: Tầm nhìn, sứ mạng, tạo giá trị, xây dựng và thực hiện các chương trình hành động phát triển nhà trường. |
Quản lý nhà trường chưa chú ý đến phát triển năng lực, động lực của GV, HS. Chưa thật sự chú ý đến kỹ năng nhận thức và kỹ năng xã hội của người học. | HS là ưu tiên hàng đầu, GV là nhân tố hàng đầu. Chú ý đến rèn luyện tư duy, phương pháp giải quyết vấn đề và giáo dục kỹ năng nhận thức và kỹ năng xã hội. |
Chờ đợi sự chỉ đạo từ cơ quan quản lý cấp trên. | Tự chủ và tự chịu trách nhiệm xã hội về các vấn đề cơ bản: Tổ chức và nhân sự, dạy học và giáo dục, tài chính và tài sản, huy động công đồng. |
Truyền đạt một chiều, mục tiêu và kế họach có tính áp đặt. | Đa chiều, nhiều luồng thông tin, tự xây dựng các mục tiêu kế họach. |
3.1.2. Nhận định về quan điểm và mô hình quản lý mới.
- Việt Nam cùng với nhiều nước trên thế giới đã nhận thức được phải đổi mới quan điểm và phải thực hiện một mô hình quản lý mới đối với các nhà trường.
- Quan điểm mới về quản lý nhà trường là quan điểm hiện đại và phù hợp với thực tiễn phát triển KT-XH và phát triển giáo dục trong thời đại hội nhập, kinh tế tri thức và phát triển khoa học và công nghệ.
- Mô hình mới thể hiện rõ hơn các vai trò của hiệu trưởng là tập trung vào lãnh đạo để phát triển nhà trường, quan tâm đến tầm nhìn, sứ mạng, tạo giá trị, xây dựng và thực hiện các chương trình hành động phát triển nhà trường, phải tự chủ và chịu trách nhiệm xã hội về các vấn đề cơ bản: Tự xây dựng các mục tiêu kế họach, tổ chức và nhân sự, dạy học và giáo dục, tài chính và tài sản, huy động cộng đồng với luồng thông tin đa chiều, nhiều luồng.
3.1.3. Xây dựng mô hình trường học thân thiện và học sinh tích cực.
- Hai mục tiêu xây dựng mô hình trường học thân thiện và học sinh tích cực.
- Năm yêu cầu xây dựng mô hình trường học thân thiện và học sinh tích cực.
- Năm nội dung xây dựng mô hình trường học thân thiện và học sinh tích cực.
3.2. Nhìn nhận từ căn cứ pháp lý và chính sách phát triển KT-XH và phát triển giáo dục.
- Đường lối chính sách của Đảng và nhà nước đã định hướng rõ như: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng CSVN; chiến lược phát triển giáo dục 2001-2010 và chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2020 (dự thảo)
- Cơ sở pháp lý:
+ Các luật mà Quốc hội đã thông qua;
+ Luật giáo dục năm 2005: Điều 14 và 58;
+ Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chánh đối với sự nghiệp công lập; . . . .
-Cơ chế mới về quản lý KT-XH nước nhà và các hiệp ước quốc tế có liên quan.
Các căn cứ pháp lý chủ yếu trên đều định hướng cho người hiệu trưởng trường phổ thông vừa có trách nhiệm lãnh đạo vừa có trách nhiệm quản lý để phát triển nhà trường.
3.3. Các vai trò lãnh đạo và quản lý của người hiệu trưởng trường phổ thông.
Trong quản lý trường phổ thông, để thực hiện hiệu quả các chức năng cơ bản của quản lý (kế họach hóa, tổ chức, chỉ đạo và kiểm tra) thì người hiệu trưởng phải thể hiện được các vai trò chủ yếu:
-Đại diện cho chính quyền về mặt thực thi pháp luật chính sách, điều lệ, quy chế giáo dục và thực hiện các quy định về mục tiêu, nội dung, chương trình, phương pháp, đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông.
-Hạt nhân thiết lập bộ máy tổ chức, phát triển điều hành đội ngũ nhân lực, hỗ trợ sư phạm và hỗ trợ quản lý cho đội ngũ nhân lực giáo dục của nhà trường để mọi họat động của trường thực hiện đúng tính chất, nguyên lý, mục tiêu, nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục.
-Người chủ chốt trong việc tổ chức huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực vật chất nhằm đáp ứng các họat động giáo dục và dạy học của nhà trường.
-Tác nhân xây dựng mối quan hệ giữa giáo dục nhà trường với giáo dục gia đình và xã hội nhằm đảm bảo cho mọi hoạt động của nhà trường trong một môi trường lành mạnh; đồng thời tổ chức vận hành hệ thống thông tin quản lý giáo dục (Educational Management Information System- EMIS) và ứng dụng công nghệ thông tin trong các họat động giáo dục và quản lý giáo dục của nhà trường.
-Chỉ đường và họach định: Vạch ra tầm nhìn, sứ mạng, mục tiêu và các giá trị nhà trường (xây dựng chiến lược phát triển nhà trường).
-Đề xướng sự thay đổi: Chỉ ra những lãnh vực cần thay đổi để phát triển nhà trường theo đường lối và chính sách phát triển giáo dục của Đảng và nhà nước.
-Thu hút, dẫn dắt: Tập hợp, thu hút, huy động và phát triển các nguồn lực để tạo ra sự thay đổi, lập kế họach chiến lược phát triển, phát triển đội ngũ, . . . nhằm phát triển toàn diện HS.
-Thúc đẩy phát triển: Đánh giá, uốn nắn, khuyến khích, phát huy thành tích, tạo các giá trị mới cho nhà trường.
Từ đó nhận thấy, ngoài vai trò là nhà giáo, hiệu trưởng trường phổ thông có vai trò kep: Nhà lãnh đạo và nhà quản lý.
Kết luận phần 3
Phải khẳng định rằng hiệu trưởng trường phổ thông có vai trò kép là lãnh đạo và quản lý. Trong đó:
- Lãnh đạo để luôn có sự thay đổi và phát triển bền vững.
- Quản lý để các họat động có sự ổn định nhằm đạt tới mục tiêu.
Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã đặc biệt quan tâm đến vai trò lãnh đạo của hiệu trưởng và tập trung vào sự lãnh đạo thay đổi trong nhà trường.
4. Những vấn đề then chốt trong đổi mới lãnh đạo và quản lý trường phổ thông.
(Những vấn đề đưới đây các học viên sẽ được nghiên cứu học tập cụ thể từng chuyên đề trong khóa học này, ở chuyên đế này chỉ tính giới thiệu chung).
4.1. Lãnh đạo và quản lý thay đổi ở trường phổ thông.
- Một số vấn đề thay đổi (Thay đổi gì? Vì sao có sự thay đổi đối với trường phổ thông? . . . )
- Họach định sự thay đổi ở trường phổ thông (dự báo sự thay đổi ở trường phổ thông, xác định các mục tiêu thay đổi, xác định những khỏang cách, xác định nhu cầu thay đổi, . . . )
- Tổ chức thực hiện thay đổi.
- Củng cố sự thay đổi.
4.2. Lập kế họach chiến lược phát triển nhà trường phổ thông.
- Khái niệm kế họach chiến lược và các khái niệm liên quan (tầm nhìn, sứ mạng, giá trị, mục tiêu và giải pháp chiến lược)
- Cấu trúc của bản chiến lược trường phổ thông.
- Vai trò của hiệu trưởng trong xây dựng kế họach chiến lược nhà trường.
- Quy trình xây dựng kế họach chiến lược phát triển nhà trường phổ thông.
4.3. Phát triển đội ngũ nhà trường phổ thông.
- Vai trò của đội ngũ đối với sự thay đổi nhà trường.
- Thực trạng đội ngũ và thực trạng phát triển đội ngũ nhà trường phổ thông.
- Yêu cầu mới về chất lượng đội ngũ nhà trường phổ thông.
- Lãnh đạo phát triển đội ngũ trường phổ thông (xây dựng kế họach, thu hút đội ngũ có chất lượng, hỗ trợ phát triển chuyên môn và nhân cách, xây dựng nhà trường thành tổ chức học tập, tạo động lực cho đội ngũ).
4.4. Xây dựng và phát triển văn hóa nhà trường phổ thông.
- Vai trò, tầm quan trọng của việc vun trồng văn hóa nhà trường.
- Vai trò lãnh đạo phát triển văn hóa nhà trường của hiệu trưởng.
- Định hình hệ thống các giá trị cốt lõi để phat triển văn hóa nhà trường.
- Các mối quan hệ giao tiếp ứng xử.
- Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng, phát triển văn hóa nhà trường lành mạnh, tích cực.
4.5. Huy động nguồn lực giáo dục.
- Tổng quan về nguồn lực giáo dục.
- Vai trò của hiệu trưởng trong việc huy động và sử dụng nguồn lực phát triển trường phổ thông.
- Một số giải pháp huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực giáo dục.
- Thực hành đề án huy động và sử dụng các nguồn lực phát triển nhà trường phổ thông.
4.6. Phát triể giáo dục toàn diện học sinh.
- Quan niệm về phát triển giáo dục toàn diện HS phổ thông.
- Lãnh đạo và quản lý dạy học.
-Lãnh đạo và quản lý họat động giáo dục.
- Phát triển năng lực lãnh đạo.
- Xây dựng nhà trường hiệu quả góp phần phát triển giáo dục toàn diện HS