CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI HUỲNH RẠNG Blog (Lập ngày 21-10-2010)


THỜI GIAN SỐNG CỦA CON NGƯỜI KHÔNG DÀI; HÃY SỐNG NHƯ THẾ NÀO CHO ĐỜI NGƯỜI CÓ Ý NGHĨA .

Bạn hãy nghĩ về cuộc đời mình đã có ý nghĩa chưa? đã làm được gì cho gia đình, bạn bè và mọi người? Một việc dù nhỏ nhưng tạo ra hạnh phúc cho mình và người khác thì đã góp phần cho cuộc sống ta có ý nghĩa.

Thứ Tư, 14 tháng 8, 2013

Các dược thảo trị bệnh gan, mật

     Trong các loại dược thảo có tác dụng lợi mật, trị viêm gan, ác-ti-sô chiếm một vị trí quan trọng. Nó làm tăng mạnh lượng mật bài tiết, tăng lượng nước tiểu và nồng độ urê trong nước tiểu, giảm lượng urê và cholesterol trong máu.
     Ác-ti-sô được dùng làm thuốc thông mật, điều trị hỗ trợ trong các bệnh viêm gan, suy gan. Dạng dùng là lá tươi hoặc khô (liều tương đương 2-10 g lá khô một ngày), sắc uống hoặc nấu cao rồi bào chế thành viên, hay chiết xuất thành dạng cao lỏng tinh chế, dùng dưới hình thức giọt.
     Viên cynaraphytol chứa 200 mg cao tinh chế từ lá tươi ác-ti-sô. Ngày dùng 2-4 viên. Trà túi lọc ác-ti-sô được bào chế từ các bộ phận của cây với tỷ lệ: thân 40%, rễ 40%, hoa 20%. Mỗi túi chứa 2 g, liều dùng không hạn chế.

     Một số loại thảo dược trị bệnh gan mật khác:
     Dành dành: Cao chiết từ quả dành dành làm tăng sự tiết mật. Trong thử nghiệm trên thỏ đã thắt ống dẫn mật chủ, cao nước và hoạt chất trừ dành dành ức chế sự gia tăng bilirubin trong máu. Dành dành còn có tác dụng kháng khuẩn và chống viêm. Trong y học cổ truyền, nó là một vị thuốc được dùng từ lâu đời chữa bệnh vàng da. Ngày dùng 6-12 g quả dưới dạng nước sắc hoặc hoàn tán.
     Đại hoàng: Có tác dụng làm tăng tiết mật, kháng khuẩn, lợi niệu. Với liều vừa phải (0,5-2 g), nó chữa các chứng vàng da, kém ăn, ăn không tiêu. Ở liều cao, nó là thuốc tẩy nhẹ dùng cho người bị vàng da nặng, đầy bụng, đại tiện bí. Ngày dùng 3-10 g sắc uống. Phụ nữ có thai, đang cho con bú hoặc người bị sỏi niệu calci oxalat không dùng đại hoàng.
     Hoàng cầm: Có tác dụng ức chế kháng nguyên bề mặt của virus gây bệnh viêm gan B. Trong y học cổ truyền, hoàng cầm được dùng điều trị bệnh vàng da. Ngày uống 6-15 g dạng thuốc sắc hoặc bột.

     Nghệ: Tinh dầu nghệ có tác dụng làm tăng tiết mật nhờ thành phần p-tolylmethyl carbinol. Nghệ còn có tác dụng chống viêm và kháng khuẩn. Một bài thuốc có nghệ đã được áp dụng điều trị viêm gan do virus và hầu hết bệnh nhân thử nghiệm đều khỏi. Trong y học cổ truyền, nghệ được dùng chữa bệnh vàng da. Ngày uống 2-6 g dưới dạng bột hoặc thuốc sắc, chia làm 2-3 lần.

Nhân trần: Cao chiết từ nhân trần có tác dụng làm tăng tiết mật, tăng chức năng thải trừ của gan, kháng khuẩn và chống viêm. Nhân trần đã được áp dụng điều trị cho các bệnh nhân mắc viêm gan do virus cấp tính, bệnh vàng da.Trong y học cổ truyền, nhân trần được dùng chữa vàng da, sốt nóng, tiểu tiện không thông. Ngày dùng 8-20 g, dưới dạng thuốc sắc, siro hoặc thuốc viên.
     Các bài thuốc cụ thể
     - Vàng da, vàng mắt, sốt: Dành dành 5 g, hoàng bá 5 g, cam thảo 2g. Sắc uống ngày một thang. Hoặc: Nhân trần 20 g, dành dành 12 g, đại hoàng 4 g. Sắc uống ngày một thang.

     - Viêm gan, vàng da, vàng mắt: Nhân trần 30 g, dành dành 12 g, vỏ đại 10 g (hoặc chút chít 8 g). Sắc uống ngày một thang.
     - Viêm gan, tắc mật: Đại hoàng tẩm rượu sao, tán bột. Ngày uống 2-4 lần, mỗi lần 2 g.
     - Viêm gan do virus cấp tính: Hoàng cầm, hoàng bá, hoàng liên, dành dành mỗi vị 12 g, nhân sâm, thạch xương bồ, đại hoàng sống mỗi vị 8 g. Sắc uống ngày một thang.

     - Viêm gan do virus mạn tính: Nhân trần 20 g, kim ngân 16 g, hoàng cầm, hoạt thạch đại phúc bì, mộc thông mỗi vị 12 g, phục linh, trư linh, bạch đậu khấu mỗi vị 8 g, cam thảo 4 g. Sắc uống ngày một thang.
     - Viêm gan, suy gan, vàng da: Bồ bồ 10 g, nghệ, dành dành, râu ngô mỗi vị 5 g. Mỗi ngày uống một thang dưới dạng thuốc sắc, siro hoặc cốm. Hoặc: Rau má 4 g, núc nác 3 g, nhân trần 3 g, nghệ, sài hồ nam, dành dành, nhọ nồi, hậu phác nam (vối rừng) mỗi vị 2 g.
     Nghệ, dành dành, hậu phác nam được tán bột mịn, các vị khác nấu cao đặc với nước. Làm viên hoàn, ngày uống 10 g, chia làm 2 lần.

Thứ Hai, 12 tháng 8, 2013

Chút suy tư trong ngày (học làm người)

     Một bác thợ mộc đến tuổi về hưu nói cho ông chủ thầu biết những dự tính của mình trong thời gian sắp tới. Bác sẽ xin nghỉ hưu để vui hưởng tuổi già với con cháu. Bác biết rằng nếu nghỉ việc thì tài chính của gia đình sẽ có phần nào thiếu hụt nhưng bác tin rồi đây gia đình sẽ có cách xoay xở được.
     Ông chủ thầu tỏ ra tiếc khi thấy người thợ lành nghề xin thôi việc. Ông ta đề nghị bác cố xây giúp cho hãng thêm một ngôi nhà nữa rồi nghỉ coi như là vì ông. Bác thợ đồng ý làm nhưng ai cũng hiểu rằng bác miễn cưỡng nhận lời chứ không thực lòng muốn nhận công việc này.

Bác ta gọi đại một nhóm thợ có tay nghề kém và mua những loại vật tư chất lượng kém để xây dựng căn nhà ấy. Khi ngôi nhà được xây xong, ông chủ thầu đến tiếp nhận công trình và trao vào tay bác chiếc chìa khoá nhà. Ông nói với bác: "Đây là nhà của anh. Tôi biếu anh món quà này để cảm ơn anh đã làm việc cho công ty bấy lâu nay".
     Chúng ta thì có khác gì bác thợ ấy. Chúng ta xây dựng cuộc đời mình bằng một cách cẩu thả, tuỳ tiện với tâm lý đối phó thay vì tích cực và chủ động làm cho nó thật tốt đẹp. Ở một vài thời điểm quan trọng trong cuộc đời của mình, chúng ta không hề dốc sức lực để thực hiện mọi việc cho thật tốt. Thế rồi khi trông thấy tình trạng tồi tệ và nhận ra rằng mình đang sống trong căn nhà do chính tay ta dựng nên thì chúng ta cảm thấy bị sốc. Giá như được biết trước, hẳn chúng ta đã hành động khác đi.
     Hãy hình dung mình là bác thợ mộc, còn cuộc đời chúng ta chính là ngôi nhà. Mỗi ngày bạn đóng đinh, lát sàn hoặc xây tường, bạn hãy xây nhà mình một cách khôn ngoan. Bạn chỉ có một cuộc đời mà thôi. Ngay cả trong trường hợp bạn chỉ còn sống một ngày, ngày sống đó cũng đáng để bạn sống sao cho tử tế và có tư cách.
     Tấm bảng gắn trên tường ghi rằng: "Sống là thực hiện một kế hoạch do chính mình vạch ra". Cuộc sống của bạn hôm nay là kết quả từ thái độ và những chọn lựa của bạn trong quá khứ. Cuộc sống của bạn ngày mai sẽ là kết quả từ thái độ sống và những lựa chọn của bạn ngày hôm nay.

Thứ Tư, 7 tháng 8, 2013

Một mô hình giáo dục mầm non phù hợp?

Trong Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam 2009-2020, Đảng và Nhà nước ta đã xác định “Trong vòng 20 năm tới, phấn đấu xây dựng một nền giáo dục Việt Nam hiện đại, khoa học, dân tộc, làm nền tảng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển bền vững đất nước, thích ứng với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hướng tới một xã hội học tập, có khả năng hội nhập quốc tế; nền giáo dục này phải đào tạo được những con người Việt Nam có năng lực tư duy độc lập và sáng tạo, có khả năng thích ứng, hợp tác và năng lực giải quyết vấn đề, có kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp, có thể lực tốt, có bản lĩnh, trung thưc, có ý thức làm chủ và tinh thần trách nhiệm công dân, gắn bó với lý tưởng độc lập và Chủ nghĩan xã hội”.

- Giáo dục mầm non (GDMN) là cấp học đầu tiên của hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng ban đầu cho sự phát triển về thể chất, trí tuệ, tình cảm của trẻ em Việt Nam . Vậy nên trong những năm qua, Nhà nước đã tập trung đầu tư rất lớn cho công tác GDMN, nhằm phát triển vững chắc bậc học nền móng này. Tuy nhiên, cùng với tốc độ gia tăng dân số và nhận thức của người dân về sự cần thiết khi cho trẻ đi học mẫu giáo, thì số lượng trường mầm non đã không đáp ứng đủ nhu cầu.
Trước tình hình trên, một số trường đã ra đời nhằm giảm tải nhưng lại có diện tích nhỏ hẹp, thiếu trang thiết bị và giáo viên không có chuyên môn. Trong khi đó, các trường quốc tế dù khắc phục được khó khăn về cơ sở vật chất, giáo viên nhưng thời gian biểu và chế độ dinh dưỡng không phù hợp cho tố chất trẻ em Việt Nam đã chưa thực sự thỏa mãn nhu cầu của phụ huynh học sinh muốn có một chế độ chăm sóc và giáo dục chất lượng.
Từ thực tế này, việc ra đời một mô hình GDMN chất lượng cao là điều tất yếu. Có thể đơn cử mô hình GDMN tại Dream House hay một số trường quốc tế. Với mục tiêu là tạo ra môi trường chăm sóc, giáo dục tiên tiến, giúp trẻ em khỏe mạnh, thông minh và sáng tạo, mô hình giáo dục này là sự kết hợp những giá trị văn hóa truyền thống Việt với khung chương trình đào tạo của Bộ GDĐT.
Như vậy, ở phương pháp tiếp cận trẻ em dựa trên quan điểm “thông minh nhiều kiểu” do tiến sỹ tâm lý học Howard Gardner của Trường đại học Havard – Mỹ phát triển, các hoạt động trong lớp học tại Dream House đã giúp trẻ thể hiện được tất cả sự thông minh, sáng tạo của mình. Điều này có nghĩa, trẻ không chỉ được tham gia vào các hoạt động với chữ cái, truyện kể và những con số toán học khô cứng, mà còn thông qua âm nhạc, các hoạt động ngoài trời để có những suy nghĩ và cách thể hiện khác nhau. Ở phương pháp này, trẻ được phát huy tối đa năng lực của bản thân, phát triển tính tự lập và khả năng sáng tạo phong phú.
 Bà Lê Tân Dung, Hiệu trưởng Dream House cho rằng, với cam kết phát triển lâu dài các hệ thống đào tạo từ mầm non đến trung học cơ sở theo mô hình tiên tiến, Dream House sẽ tiếp nối những thành công từ mô hình GDMN để cho ra đời một trường tiểu học mang tên Dream House và sẽ tuyển sinh từ tháng 6 năm nay, bằng chương trình học hè có tên gọi “Super Summer”.
 Theo khảo sát, đa số các bậc phụ huynh nhận định, họ lựa chọn mô hình giáo dục này vì nhiều điều nổi bật. Ngoài ra, việc tính toán cho chặng đường tiếp theo của trẻ khi qua cấp mầm non cũng là điều họ quan tâm, như Thứ trưởng Bộ GD và ĐT Đặng Huỳnh Mai từng nói, chương trình giáo dục tiểu học hiện nay rất phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, phát huy tư duy sáng tạo của trẻ, nhưng nếu các cháu chưa qua nhà trẻ, mẫu giáo với nền tảng tốt (nhất là lớp mẫu giáo 5 tuổi) thì sẽ theo học rất khó khăn, các cô giáo lớp 1 cũng rất vất vả để giúp các cháu theo kịp chương trình...
Cuộc sống ngày càng hiện đại, điều kiện sống tốt hơn nên nhu cầu về giáo dục đối với lứa tuổi mầm non ngày càng đa dạng. Nhà trường không chỉ là nơi trẻ được thụ hưởng môi trường giáo dục chất lượng mà còn là nơi đáp ứng được nhu cầu của đông đảo phụ huynh, kể cả những định hướng phù hợp cho tương lai.

Thứ Hai, 5 tháng 8, 2013

Sưu tầm

DANH NGÔN
Bạn hãy suy nghĩ về những câu danh ngôn hay sau đây.


HÃY CƯỜI LÊN

          Trong tiếng Anh từ “smile” có nghĩa là nụ cười, thế bạn có biết nụ cười được tạo nên từ những yếu tố nào không?
          – Sweet: ngọt ngào.
          – Marvellous: tuyệt diệu.
          – Immensely likeable: vô cùng đáng yêu.
          – Loving: đằm thắm.
          – Extra special: thành phần phụ quan trọng.
          Nụ cười tưởng chừng như rất bình thường nhưng lại là món quà vô giá mà tạo hóa đã hào phóng ban tặng cho loài người. Chúng ta sẽ sống thế nào khi không biết cười? Chúng ta sẽ biểu lộ sự vui mừng bằng cách nào nếu không có nụ cười?
          Nụ cười có thể xua tan mọi đau buồn, hàn gắn mọi vết thương, làm dịu đi nỗi cô đơn và quan trọng hơn hết là mang mọi người đến gần nhau hơn… Nụ cười là thứ tài sản quí giá mà không phải ai cũng dễ dàng có được nếu chẳng chịu mở rộng lòng mình để đón nhận nó… Hãy tạo cho mình nụ cười bằng những việc làm có ý nghĩa, bạn sẽ thấy cuộc đời này tuyệt diệu biết chừng nào!

          Bạn có thể làm cho bản thân mình trở thành một con người mới: buổi sáng thức dậy mỉm cười, mỉm cười bước ra khỏi nhà, mỉm cười khi gặp gỡ người khác, khi làm việc mỉm cười, khi nghỉ ngơi cũng mỉm cười – tất cả điều này là một thói quen tốt. Mỉm cười là một niềm vui mà tự bạn có thể thực hiện được.