CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI HUỲNH RẠNG Blog (Lập ngày 21-10-2010)


THỜI GIAN SỐNG CỦA CON NGƯỜI KHÔNG DÀI; HÃY SỐNG NHƯ THẾ NÀO CHO ĐỜI NGƯỜI CÓ Ý NGHĨA .

Bạn hãy nghĩ về cuộc đời mình đã có ý nghĩa chưa? đã làm được gì cho gia đình, bạn bè và mọi người? Một việc dù nhỏ nhưng tạo ra hạnh phúc cho mình và người khác thì đã góp phần cho cuộc sống ta có ý nghĩa.

Thứ Năm, 8 tháng 12, 2011

Kỹ năng sống?

     Kỹ năng sống là một tập hợp các kỹ năng mà con người có được thông qua giảng dạy hoặc kinh nghiệm trực tiếp được sử dụng để xử lý những vấn đề, câu hỏi thường gặp trong cuộc sống hàng ngày của con người.
     Tổ chức Y tế Thế giới WHO định nghĩa kỹ năng sống là "khả năng thích nghihành vi tích cực cho phép cá nhân có khả năng đối phó hiệu quả với nhu cầu và thách thức của cuộc sống hàng ngày". Trong giáo dục tiểu học và giáo dục trung học, kỹ năng sống có thể là một tập hợp những khả năng được rèn luyện và đáp ứng các nhu cầu cụ thể của cuộc sống hiện đại hóa; ví dụ cuộc sống bao gồm quản lý tài chính (cá nhân), chuẩn bị thức ăn, vệ sinh, cách diễn đạt, và kỹ năng tổ chức. Đôi khi kỹ năng sống, nhưng không phải luôn luôn, khác biệt với các kỹ năng nghiệp vụ (trong nghề nghiệp).
     Cũng theo WHO, kỹ năng sống được chia thành 2 loại là kỹ năng tâm lý xã hội và kỹ năng cá nhân, lĩnh hội và tư duy, với 10 yếu tố như: tự nhận thức, tư duy sáng tạo, giải quyết vấn đề, kỹ năng giao tiếp ứng xử với người khác, ứng phó với các tình huống căng thẳng và cảm xúc, biết cảm thông, tư duy bình luận và phê phán, cách quyết định, giao tiếp hiệu quả và cách thương thuyết.
     Tại nhiều nước Tây phương, thanh thiếu niên đã được học những kỹ năng sống về những tình huống sẽ xảy ra trong cuộc sống, cách đối diện và đương đầu với những khó khăn, và cách vượt qua những khó khăn đó cũng như cách tránh những mâu thuẫn, xung đột, bạo lực giữa người và người. Tại Hàn quốc, học sinh tiểu học được học cách đối phó thích ứng với các tai nạn như cháy, động đất, thiên tai... tại Trung tâm điều hành tình trạng khẩn cấp Seoul.
     Tại Việt Nam, kỹ năng sống đang được quan tâm, tuy nhiên trong nhà trường chủ yếu học sinh chỉ được dạy kỹ năng học tập và chính trị, còn việc giáo dục kỹ năng sống chưa được quan tâm nhiều. Theo chuyên viên tâm lý Huỳnh Văn Sơn, cố vấn Trung tâm chăm sóc tinh thần Ý tưởng Việt: "hiện nay, thuật ngữ kỹ năng sống được sử dụng khá phổ biến nhưng có phần bị "lạm dụng" khi chính những người huấn luyện hay tổ chức và các bậc cha mẹ cũng chưa thật hiểu gì về nó". Theo Vụ trưởng Vụ Công tác Học sinh Sinh viên (Bộ Giáo Dục và Đào tạo) Phùng Khắc Bình, trong tương lai và về lâu dài cần xây dựng chương trình môn học giáo dục kỹ năng sống cho học sinh lớp 1 đến lớp 12.

     Giới trẻ dễ bị lợi dụng vì thiếu kỹ năng sống: Chưa có hiểu biết về sức khỏe, lại có tâm lý tò mò, thích tìm hiểu và bắt chước nên học sinh phổ thông dễ bị kẻ xấu lợi dụng.
     Ngày 20/5, Bộ GD&ĐT tổ chức hội thảo Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh phổ thông, với sự tham gia của lãnh đạo Bộ và nhiều giảng viên, chuyên gia. Đã khẳng định kỹ năng sống giúp cho mỗi cá nhân tồn tại và vững vàng trong cuộc sống, giới trẻ nói chung và học sinh nói riêng hiện còn rất thiếu các kỹ năng sống cần thiết.
     Hãy nhìn vào các sự kiện và hiện tượng: tội phạm trẻ vị thành niên đang gia tăng; hành vi ứng xử tiêu cực khi các em gặp phải sự cố bất thường nho nhỏ trong cuộc sống; học sinh 18 tuổi tốt nghiệp THPT không biết lựa chọn cho mình hướng đi nào... Để tồn tại và phát triển, con người cần đứng vững và bước vững chắc trên đôi chân của mình... và cần có kỹ năng sống.
     Lực lượng giáo viên góp một phần không nhỏ vào thành công của hoạt động giáo dục kỹ năng sống này. Giáo viên phải được trang bị và thực hành thành thạo các phương pháp giảng dạy kỹ năng sống, đồng thời phải gần gũi, thân thiện với học sinh và gia đình các em, và bằng kinh nghiệm sống của mình mới có thể giúp học sinh vận dụng tốt những kỹ năng này vào cuộc sống.
     Giáo dục kỹ năng sống cho trẻ không chỉ vì mục đích bảo vệ sức khỏe mà còn nhằm giáo dục hình thành nhân cách, tình cảm, đạo đức... việc giáo dục này có thể bắt đầu từ tiểu học hoặc thậm chí có thể ở tuổi mầm non bởi ở lứa tuổi này trẻ đã hình thành hành vi cá nhân, tính cách và nhân cách.