CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI HUỲNH RẠNG Blog (Lập ngày 21-10-2010)


THỜI GIAN SỐNG CỦA CON NGƯỜI KHÔNG DÀI; HÃY SỐNG NHƯ THẾ NÀO CHO ĐỜI NGƯỜI CÓ Ý NGHĨA .

Bạn hãy nghĩ về cuộc đời mình đã có ý nghĩa chưa? đã làm được gì cho gia đình, bạn bè và mọi người? Một việc dù nhỏ nhưng tạo ra hạnh phúc cho mình và người khác thì đã góp phần cho cuộc sống ta có ý nghĩa.

Thứ Năm, 23 tháng 6, 2011

Quyền lực càng lớn phụ nữ càng dễ ngoại tình

     Giống như đàn ông, quyền lực và sự tự tin của phụ nữ càng tăng thì ham muốn tìm cảm giác lạ trong tình cảm của họ càng lớn.
     Tiến sĩ tâm lý Joris Lammers, một giảng viên của Đại học Tilburg ở Hà Lan, khẳng định rằng cả nam giới và nữ giới có quyền lực đều dễ rơi vào tình trạng ngoại tình hơn so với những đối tượng khác. Tuy nhiên, phần lớn nghiên cứu trước đây về mối quan hệ giữa quyền lực và nguy cơ ngoại tình đều tập trung vào nam giới. Vì thế nhiều người cho rằng quyền lực không tác động tới xu hướng ngoại tình của phái đẹp, Telegraph cho biết.
     Lammers cùng các đồng nghiệp thu thập thông tin về 1.561 người có công việc ổn định. 58% số này không nắm chức vụ quản lý, 36% làm quản lý cấp trung và thấp, 6% nắm chức vụ quản lý cao nhất.
Nhóm nghiên cứu hỏi các đối tượng nghiên cứu về những mối quan hệ tình ái của họ trong quá khứ, mức độ sẵn sàng phản bội bạn đời, vị trí của họ ở nơi làm việc, mức độ tự tin trong giao tiếp và tần suất đi công tác trong năm.
     “Số lượng phụ nữ nắm giữ vị trí quyền lực tăng dần theo thời gian. Đối với xã hội, họ được đánh giá ngang hàng với những người đàn ông có quyền. Do đó quan niệm về hành vi của những phụ nữ đó đang thay đổi dần. Họ thực hiện nhiều hành vi mà trước kia dư luận thường thấy ở nam giới”, Lammers phát biểu.
Kết quả cho thấy, mức độ ngoại tình và ham muốn “đổi gió” trong tình yêu ở nam giới và nữ giới trong nhóm nắm giữ quyền lực là ngang nhau. Các chuyên gia nhận định rằng, quyền lực và mức độ tự tin có vai trò quyết định hơn so với giới tính trong vấn đề ngoại tình. Khi quyền lực và sự tự tin tăng lên thì ham muốn ngoại tình của phái đẹp chẳng kém phái mạnh.
     “Mọi người thường nghĩ đàn ông nắm quyền lực càng lớn thì nguy cơ phản bội vợ hoặc bạn tình càng cao. Tuy nhiên, chúng tôi phát hiện ra rằng, đối với những người có quyền lực, số lần ngoại tình và ham muốn trăng hoa của nữ giới cũng tương đương nam giới”, Lammers kết luận.
     Các bạn nghĩ gì về bài viết này? Điều này có phải là bình đẳng giới không? Phụ nữ Việt Nam, phụ nữ phương đông thì sao? Đối với người Việt nam, theo tôi thì hạnh phúc gia đình nằm trong tay người phụ nữ, nếu như họ muốn bình đẳng theo kiểu này thì họ tự phá hủy mọi thứ xung quanh họ, và họ là người thiệt hại lớn nhất trong cuộc sống của mình.

Thứ Hai, 20 tháng 6, 2011

10 địa danh bị né tránh trên thế giới

     Có những nơi trên thế giới luôn hấp dẫn, thu hút mọi người đến thăm quan nhưng cũng có những nơi, chỉ cần nhắc đến tên, ai cũng phải lắc đầu quầy quậy và tỏ ý né tránh càng xa càng tốt.
.     Lý do là vì những địa điểm đó quá ô nhiễm, quá nguy hiểm đối với sức khỏe của con người. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu 10 địa điểm nên tránh nhất thế giới do Quỹ sinh thái “Blacksmith Institute” của Mỹ bình chọn.

.10. Dzerzhinsk, Nga
     Theo tính toán của các nhà sinh thái học, trong khoảng thời gian từ năm 1930 đến năm 1998, thành phố Dzerzhinsk của Nga đã phải “tiếp nhận” hơn 200.000 tấn chất thải hóa học, trong đó có loại chất độc nổi tiếng nguy hiểm là neurotoxin - chất này gây loạn thần kinh, ảnh hưởng trầm trọng đến não và hệ thần kinh, đặc biệt là cơ quan kiểm soát việc hô hấp và tuần hoàn. Hậu quả là môi trường sinh thái nơi đây đã bị ô nhiễm một cách đáng sợ. Toàn bộ nguồn nước của thành phố dần dần bị nhiễm dioxin và phenol với mức độ độc hại cao hơn 17 triệu lần mức cho phép. Hiện tại, thành phố này vẫn có 300 dân sinh sống với tuổi thọ trung bình là 45 tuổi.

9. Kabwe, Zambia
     Vào đầu thế kỷ trước, tại Kabwe (Zambia), người ta phát hiện một trữ lượng lớn chì và cadimi. Ngay sau đó, tại đây liên tiếp mọc lên các nhà máy lớn đua nhau khai thác các loại khoáng sản giá trị này. Hậu quả của việc khai thác bừa bãi chỉ biết tính tới cái lợi về kinh tế ở nơi đây chính là mức độ ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng. Ở Kabwe, hàm lượng kim loại nặng có trong không khí cao gấp 4 lần mức cho phép. Số lượng người mắc bệnh ở đây lên đến hơn 250 nghìn người, phần lớn là các bệnh do nhiễm độc máu cấp tính, dẫn đến nôn mửa, ỉa chảy, viêm thận mãn tính và chứng teo cơ.

8. La Oroya, Peru
     Theo thống kê, tình trạng nhập cư ở La Oroya, Peru trong những năm gần đây gần như không đáng kể. Không ai dám đến đây bởi La Oroya có khoảng 35 nghìn người, thế nhưng có đến hơn 95% số người bị mắc các chứng bệnh nặng liên quan đến hàm lượng chì trong máu quá cao. Nguyên nhân của tình trạng này là mức độ ô nhiễm trầm trọng do các công ty của Mỹ - hiện đang khai thác khoáng sản có giá trị như chì, đồng và kẽm, hàng ngày đổ ra một lượng lớn chất thải công nghiệp độc hại. Trong không khí, hàm lượng lưu huỳnh đioxit luôn ở mức cực kỳ cao và thường xuyên xảy ra các trận mưa axít.

7. Lâm Phần, Trung Quốc

     Lâm Phần là một thành phố đứng đầu trong ngành công nghiệp khai thác than đá của Trung Quốc. Chính vì thế, hàm lượng lưu huỳnh đioxít và các bụi độc hại khác trong không khí ở đây luôn cao gấp nhiều lần mức độ cho phép. Ở Lâm Phần không khí bị nhuộm một màu xám xịt. Tại đây có đến hơn 200 nghìn người bị mắc các bệnh về đường hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản và ung thư.

6. Norilsk, Nga
     Norilsk được coi là một trong những vùng ô nhiễm nhất ở Nga. Ở đây thường xuất hiện các đám mây đen do bụi bẩn, còn trong không khí luôn có mùi lưu huỳnh. Địa danh này là nơi tập trung những nhà máy chế biến khoáng sản lớn nhất thế giới, chủ yếu là chế biến đồng, chì, niken, selen và kẽm. Hiện nay, thành phố này có gần 134 nghìn người mắc các chứng bệnh về hô hấp. Kể từ năm 2001, người nước ngoài đã bị cấm tới thành phố này.

5. Sukinda, Ấn Độ
     Thành phố Sukinda, Ấn Độ có những hầm mỏ crôm lớn nhất thế giới. Phần lớn chất thải của các nhà máy tại đây được đổ trực tiếp xuống các con sông và hồ. Hậu quả là tất cả các nguồn nước của thành phố đều bị nhiễm các chất gây ung thư. Thành phố có 2,5 triệu dân, thế nhưng gần 90% dân số bị ung thư.
4. Thiên Tân, Trung Quốc

     Thiên Tân là một trung tâm công nghiệp hàng đầu của Trung Quốc và cũng là một trong những thành phố ô nhiễm nhất nước này. Lĩnh vực sản xuất chính của thành phố là ngành công nghiệp khai thác chì. Do không quan tâm đến vấn đề môi trường nên hiện nay nồng độ chì trong không khí và đất ở đây cao gấp 10 lần mức độ cho phép, còn trong cây cối là gấp 24 lần.

3. Vapi, Ấn độ
     Thành phố Vapi nằm ở cuối khu tổ hợp công nghiệp dài 400 km thuộc Ấn Độ. Đây là nơi tập trung của hơn 1000 nhà máy công nghiệp và cũng là “vựa rác thải công nghiệp” lớn nhất tại quốc gia này. Hàm lượng thủy ngân trong các mạch nước ngầm ở Vapi luôn cao hơn 100 lần mức cho phép, còn trong không khí chứa đầy các kim loại nặng. Hiện nay, số lượng người dân Vapi mắc các bệnh mãn tính đã lên tới 70 nghìn người.

2. Sumgait, Azerbaijan

     Sumgait vẫn là một trung tâm công nghiệp hóa học trong thời kỳ hậu Xô Viết. Theo thống kê, hiện nay, Sumgait có hơn 275 nghìn người nhiễm các loại bệnh do liên quan đến kim loại nặng, cặn dầu và các chất hóa học khác. Trẻ em được sinh ra ở khu vực này thường bị dị tật bẩm sinh như thiểu năng trí tuệ và các bệnh về xương.

1. Chernobyl, Ukraine
     Thảm họa ở Chernobyl, Ukraine có lẽ đã và sẽ còn được nói đến nhiều. Không một ai trên thế giới có thể quên được sự kiện kinh hoàng ngày 26/4/1986 bởi đó là tiếng chuông cảnh tỉnh nhân loại trước những thảm họa hạt nhân. Bao nhiêu năm đã qua đi, những hậu quả nặng nề mà thảm họa này gây ra vẫn còn ảnh hưởng sâu nặng. Hiện nay, số lượng người mắc bệnh do nhiễm phóng xạ lên tới con số 5,5 triệu người. Vụ nổ ở nhà máy điện nguyên tử Chernobyl được đánh giá là có sức công phá lớn gấp 100 lần quả bom nguyên tử mà quân đội Mỹ đã thả xuống Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản.

Thứ Tư, 15 tháng 6, 2011

ĐỐI NHAU

       Ở phương Đông hay phương Tây điều có những thuyết về sự vật, hiện tượng đối nhau trong tự nhiên, xã hội.

TP Hồ Chí Minh vào đêm.
 http://farm3.static.flickr.com/2051/2181090466_882203e0b0.jpg
TP Hồ Chí Minh vào ngày

TP Hồ Chí Minh có ngày thì phải có đêm
Có âm thì phải có dương;
Có ngày thì phải có đêm;
Có tối thì phải có sáng;
Có hạnh phúc thì phải có đau khổ;
Có thiện thì phải có ác;
Có hòa bình thì phải có chiến tranh;
Có trống thì phải có mái;
Có giống đực thì phải có giống cái;
Có to thì phải có nhỏ;
Có sống thì phải có chết;
Có khỏe mạnh thì phải có bệnh tật;
Có người tốt thì phải có kẻ xấu;
Có lòng nhân từ thì phải có lòng dạ độc ác;
Có trung thần thì phải có phản thần;
Có kẻ đại nhân thì phải có kẻ tiểu nhân;
Có người chung thủy thì phải có kẻ bạc tình;
Có người chân thật thì phải có kẻ dối trá;
Có người giàu thì phải có người nghèo;
. . .  (rất nhiều)
     Trong thuyết nhà Phật lại có câu đối: Sinh ký, tử quy", tức sống là gởi, chết là về. Vậy quê ta ở đâu? Ta từ đâu đến sống gởi trên thế gian này?
     Việc biến đổi từ trạng thái này sang trạng thái khác là quy luật tự nhiên đối với sự vật, hiện tượng trên trái đất này. Nó là sự biến đổi là tất yếu, thường xuyên, liên tục. Tuy nhiên, mỗi sự vật và hiện tượng sẽ biến đổi theo một quy trình riêng của mình.
     Như con người chúng ta quy trình biến đổi: Sinh ra - Sơ sinh - Nhi đồng - Thiếu niên - Thanh niên - Trung niên - Lão niên - Chết đi.
     Nếu tự nhiên và xã hội loài người diễn biến như vậy, thì trong cuộc sống chúng ta phải luôn nhận thức rõ mình đang ở trạng thái nào và từ đó sẽ phải chuyển sang trạng thái nào phù hợp quy luật tự nhiện.

Thứ Ba, 14 tháng 6, 2011

SINH HỌC VÀ ĐỜI SỐNG

Công nghệ sinh học và cuộc sống con người
     Từ sau sự ra đời của sinh vật nhân bản vô tính đầu tiên, chú cừu Dolly, thuật ngữ công nghệ sinh học mới thực sự trở nên quen thuộc với đông đảo mọi người. Nhưng trong thực tế, công nghệ sinh học đã thâm nhập sâu rộng vào đời sống con người từ nhiều thế kỷ nay. Công nghệ sinh học là công nghệ dựa trên sinh học, đặc biệt ứng dụng trong nông nghiệp, khoa học thực phẩm và dược phẩm. Chao, nước mắm, tương bần,... những thứ gia vị rất quen thuộc với người dân Việt Nam chính là những sản phẩm của công nghệ sinh học truyền thống.

     Hiện nay, công nghệ sinh học đã đạt đến bước phát triển vượt bậc, tạo ra những thành tựu to lớn trong một khoảng thời gian ngắn so với phương pháp truyền thống. Giờ đây, bằng việc kết hợp nhiều kỹ thuật khác nhau như tái tổ hợp di truyền, hợp nhất tế bào,... công nghệ sinh học giúp biến đổi gen của cơ thể sống, hoặc bổ sung và loại bớt các hoạt chất một cách có mục tiêu nhằm tạo ra những sản phẩm hữu ích cho con người. Việc ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất dược phẩm giúp đẩy nhanh quá trình nghiên cứu và phát triển, tạo ra các loại sản phẩm có chức năng phòng bệnh và hỗ trợ điều trị, giúp con người có được cuộc sống khoẻ mạnh. Trong thực phẩm, công nghệ sinh học đưa các gen vào cây trồng và vật nuôi để có những đặc tính mong muốn và chất lượng cao.

     Tuy nhiên vào cuối thế kỷ 20 trên thế giới đã xảy ra một cuộc tranh luận lớn về lợi - hại của các thao tác biến đổi gen, đặc biệt là trong thực phẩm. Nhiều người lo sợ rằng sự can thiệp của công nghệ sinh học có thể khiến gây ra những hậu quả lâu dài, đặc biệt là ở thế hệ sau. Và tâm lý chung của mọi người vẫn là thích dùng những thực phẩm thiên nhiên, tự nhiên hơn, mặc dù những sản phẩm này ngày càng trở nên thiếu an toàn bởi những chất hóa học độc hại được sử dụng để tăng năng suất và kéo dài tuổi thọ.

Công nghệ sinh học và thực phẩm chức năng


     Mặc dù thực tế là có rất nhiều chất có hại trong thực phẩm tự nhiên như loại nấm mốc gây ung thư tồn tại tự nhiên trên các hạt lạc, hay vi khuẩn gây nhiễm trùng nặng có trong một số loại nấm nhưng nhiều người vẫn cho rằng sự can thiệp của kỹ thuật vào thực phẩm có thể gây ra những hậu quả tiềm ẩn và lâu dài. Tuy nhiên, sự ra đời của thực phấm chức năng dưới sự góp sức của công nghệ sinh học lại nằm ngoài cuộc tranh luận tưởng chừng như không thể kết thúc này và thậm chí, đến nay, thực phấm chức năng còn được người dân ở nhiều nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản,... xem là loại thực phẩm mới của kỷ nguyên công nghệ hiện đại.
     Thực phấm chức năng là những thực phẩm có tác dụng phòng bệnh và hỗ trợ điều trị bệnh, tuy nhiên không thể thay thế thuốc trong chữa bệnh. Với những kỹ thuật của công nghệ sinh học, thực phấm chức năng đảm bảo đủ calo như thực phẩm tự nhiên đồng thời lại sạch - điều mà hiện nay mọi người hầu như không thể tìm thấy ở những thực phẩm tự nhiên. Bên cạnh đó thực phấm chức năng có được các hoạt chất có lợi nên giúp phòng chống bệnh tật, tăng khả năng miễn dịch cho con người. Chẳng hạn, công nghệ sinh học giúp chiết xuất chất phòng chống cục máu đông trong mộc nhĩ đen, chất chống ung thư trong tỏi, chất chống bệnh lao và tăng miễn dịch trong tế bào sữa bò... công nghệ sinh học còn giúp đưa các hoạt chất sinh học từ thực vật, động vật, vi sinh vật,... vào thực phẩm, do đó thực phẩm chức năng có tác dụng hỗ trợ các chức năng trong cơ thể, giúp phòng chống nhiều bệnh nan y như tim mạch, ung thư, béo phì, tiểu đường,... Chính vì vậy hiện nay ở nhiều nước thực phấm chức năng được ưa chuộng hơn thuốc chữa bệnh, ở Mỹ, thực phấm chức năng được gọi là thực phẩm điều trị (hay thực phẩm y học), ở Trung Quốc gọi là thực phẩm vệ sinh, ở các nước EU gọi là thực phẩm bổ sung,...

     Ở nước ta, do thuận lợi trong việc thừa hưởng nền y học cổ truyền lâu đời và trong việc tiếp thu những thành tựu công nghệ sinh học thế giới nên thực phấm chức năng tuy mới ra đời nhưng đã có bước phát triển nhất định. Sự đa dạng sinh học của một đất nước nhiệt đới (với nhiều loại cây quý như linh chi, bạch truật, phục linh,... và động vật quý như hải sâm, chim yến, nhung hươu, gân trai,...) giúp ngành thực phấm chức năng cho ra đời nhiều sản phẩm đặc trưng và hiệu quả. Bên cạnh đó nhiều loại thực phấm chức năng của thế giới cũng được nhập khẩu bởi những nhà phân phối có uy tín, giúp người tiêu dùng trong nước nâng cao chất lượng sống, đồng thời bắt kịp với mức sống của người dân thế giới. Do đó có thể nói trong tương lai, thực phấm chức năng sẽ là sản phẩm quen thuộc "hàng ngày" và gần gũi hơn nữa với mọi người dân.

Thứ Hai, 13 tháng 6, 2011

ĐỒ CHƠI TRUNG QUỐC ĐỘC HẠI

     Theo Báo Thanh Niên
     Trong tháng 5, Hòa Bình Xanh (Greenpeace) - một tổ chức bảo vệ môi trường hàng đầu thế giới - thông báo các cuộc kiểm tra độc lập của họ đã phát hiện khoảng 70% mẫu ĐCTE được lấy mẫu tại Thượng Hải, Bắc Kinh, Quảng Châu, Hồng Kông có chứa chất phthalate (chất được dùng làm tăng độ dẻo, bền của đồ nhựa có khả năng gây biến đổi hoóc-môn, ảnh hưởng đến hệ sinh sản, gây dị tật ở cơ quan sinh dục trẻ em... Mỹ, Canada, châu Âu và nhiều nước đã cấm sử dụng chất này trong sản xuất chất dẻo). Có 19/21 mẫu xét nghiệm cho thấy hóa chất phthalate chiếm hơn 10% trong sản phẩm, thậm chí có một sản phẩm chứa đến 43%.
     Bất chấp những cảnh báo trên, tại VN, ĐCTE từ Trung Quốc hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn tràn ngập. Khảo sát trên địa bàn TP.HCM, những mặt hàng như xe đạp, ô tô, búp bê, bộ ghép hình, siêu nhân... được bán với giá rất rẻ. Chỉ từ vài ngàn đến vài chục ngàn đồng/sản phẩm ở vỉa hè các tuyến đường Nguyễn Trãi, Điện Biên Phủ, CMT8, Trường Chinh... Dễ nhận thấy nhiều loại sản phẩm giống với các mẫu mà báo chí Trung Quốc đăng tin là có vấn đề về an toàn sức khỏe như nói trên.
     Dạo qua khu vực chợ Bình Tây, vốn được coi là “thủ phủ” của ĐCTE xuất xứ từ Trung Quốc, có thể nhận thấy hàng Trung Quốc "lũng đoạn" thị trường này với đủ loại, kích cỡ, màu sắc... bày bán la liệt từ trong nhà ra tận vỉa hè, tràn xuống cả lòng đường.
     Nguy cơ biến thành “bãi rác độc”
     Ngày 1.6, Trung Quốc đã chính thức cấm dùng chất bisphenol A (BPA - là chất phá hoại nội tiết tố, gây hiệu ứng trong tế bào) trong sản xuất đồ dùng ăn uống cho trẻ sơ sinh, thu hồi các sản phẩm liên quan có chứa chất này.
Theo ông Đỗ Ngọc Chính - Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn tiêu dùng (Cescon - Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng VN), một khảo sát ngẫu nhiên của trung tâm này trên 16 mẫu bình sữa trẻ em, bình đựng nước uống học sinh bán trên thị trường TP.HCM thì 100% mẫu sản xuất từ Trung Quốc đều chưa rõ về tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa. “Các nhà quản lý và NTD cần đề phòng các nước đã và sẽ cấm lưu thông bình nhựa cho trẻ ăn làm bằng polycarbonate (có chứa BPA) sẽ bán phá giá sản phẩm này sang thị trường nước ta”, ông Chính lưu ý.
     Trớ trêu nhất là một số sản phẩm ngoại nhập bị phát hiện hàm lượng độc tố quá cao so với chỉ tiêu quốc tế nhưng VN vẫn không thể thu hồi. Đơn cử như cuối năm 2010, Công ty TUV Rheinland Việt Nam - đơn vị 100% vốn nước ngoài chuyên kiểm định và đánh giá chất lượng sản phẩm độc lập, có trụ sở tại TP.HCM - công bố kết quả kiểm nghiệm, 100% mẫu đồ chơi đĩa bay xuất xứ từ Trung Quốc đang bán trên thị trường VN chứa chất ththalates (gây ảnh hưởng đến gan, thận, gây hại đến thai nhi, gây đột biến...) vượt tiêu chuẩn quốc tế, thậm chí có mẫu cao gấp 5.000 lần. Tuy nhiên đến nay đĩa bay độc hại vẫn... cứ bay!
     Tiếp sau đó, Lâm Đồng đã phát hiện ly cốc thủy tinh Trung Quốc chứa hàm lượng kim loại nặng cực độc chì, cadimi... vượt chỉ tiêu tham khảo đến vài ngàn lần nhưng với lý do “quy định chưa có” nên đành bó tay. Các cơ quan này đã có văn bản kiến nghị, đề xuất lên cấp bộ, tổng cục. Tuy nhiên, đến nay sản phẩm nói trên vẫn “nhởn nhơ” trên thị trường.
Ông Hoàng Lâm, PGĐ Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3, cho biết: “Về nguyên tắc, khi sản phẩm bất kỳ nào đó bị phát hiện có vấn đề ở nước ngoài thì ít nhất chúng ta cũng phải có biện pháp kiểm tra, xử lý. Nhưng hiện tại VN không nhiều tổ chức đủ năng lực kiểm định các thành phần độc hại hay các yêu cầu về cơ lý trong sản phẩm”.
Với tình trạng không quản nổi đầu vào và cũng không thu hồi nổi khi phát hiện sản phẩm có nhiễm độc như nói trên, đặc biệt là đối với hàng Trung Quốc, nhiều chuyên gia cảnh báo, VN có nguy cơ biến thành “bãi rác độc” của thế giới. Bởi trên thực tế, các nước châu Âu, Mỹ, Nhật, Canada, ngay cả các nước láng giềng như Malaysia, Singapore đã cấm hoặc kiểm soát nghiêm ngặt hàm lượng các kim loại nặng như cadimi, chì hay BPA... trong sản xuất đồ chơi, đồ dùng trẻ em. Tại VN, việc quản lý một số chất có nguy cơ tổn hại đến sức khỏe người sử dụng vẫn còn lỏng lẻo. Đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa ban hành quy định cấm hoặc quy định cụ thể hàm lượng một số chất như phthalate, BPA... trong sản xuất ĐCTE, bình bú trẻ em, bình đựng nước học sinh...
     Và nguy cơ VN là điểm đến lý tưởng cho các mặt hàng bị thế giới cấm cửa là rất cao.
     Những tổ chức, cơ quan và cá nhân có trách nhiệm bảo vệ sức khỏe người Việt Nam suy nghĩ gì mà không ra tay ngăn chặn ngay. Đầy là tội ác tài trời, bất nhân tâm và làm suy kiệt một đất nước trong tương lai. Bảo vệ trẻ em Việt Nam sống mạnh khỏe, cường tráng là bảo vệ dân tộc Việt nam, bảo vệ đất nước tương lai.