Kết quả đề tài “Xây dựng luận cứ khoa học cho việc đề xuất chủ trương, chính sách phát triển giáo dục phục vụ sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu và đầy đủ”.
- Ngoài mục tiêu chung của giáo dục phổ thông và của các cấp học đã được nêu trong Luật giáo dục và được nhắc lại trong bộ chương trình giáo dục phổ thông năm 2006, thì không có một quy định chung nào về mục tiêu giáo dục của nhà trường phổ thông ở nước ta. Điều lệ nhà trường, một văn bản pháp lý hết sức quan trọng cũng không nêu rõ mục tiêu giáo dục.
- Mục đích toàn bộ hoạt động của nhà trường được thể hiện qua kết quả của việc thực hiện kế hoạch năm học hàng năm, kế hoạch này được xây dựng căn cứ vào các định hướng chỉ đạo của cơ quan quản lý giáo dục và tình hình cụ thể của nhà trường trong khuôn khổ các văn bản. Mức độ đạt được mục tiêu thường được chứng minh qua kết quả của sự việc cụ thể, và đặc biệt là qua các con số liên quan tới các chỉ tiêu như tỷ lệ lên lớp, kết quả phân loại hạnh kiểm, số học sinh khá, giỏi, tỷ lệ chuyển cấp, tốt nghiệp, số giải đạt được qua các kỳ thi học sinh giỏi, tỷ lệ học sinh vào đại học, cùng những con số khác có liên quan tới các phong trào, các đợt thi đua.
- Những thành tích này đã chứng tỏ được nỗ lực đáng ghi nhận của mọi thành viên nhà trường trong các hoạt động của mình, nhưng lại khó có thể từ đó phân tích mức độ đạt được đối với mục tiêu phát triển nhân cách và chuẩn bị nguồn nhân lực qua mỗi giai đoạn cụ thể của nhà trường, đặc biệt là sự biến chuyển theo hướng tích cực của người học, chẳng hạn như về phẩm chất đạo đức, từ nhận thức cho đến cách thể hiện qua hành vi ứng xử của bản thân, mức độ phát triển các phẩm chất cần thiết của tư duy như linh hoạt, độc lập và sáng tạo, sự thành thạo các kỹ năng cơ bản, cần thiết cho cuộc sống, các hiểu biết và định hướng nghề nghiệp trong tương lai... Thực tế này đặt ra một vấn đề là làm thế nào để nhà trường có một mục tiêu cụ thể của chính nó để hướng tới và đánh giá được.
- Một số hạn chế lớn của chương trình và SGK phổ thông hiện hành bao gồm: còn thể hiện tính "hàn lâm", rõ nhất là chương trình và SGK cấp THPT, vẫn còn thiên về lý thuyết; phần ứng dụng, đặc biệt là ứng dụng vào thực tiễn vẫn còn mờ nhạt. Chương trình và SGK cũng là một trong các nguyên nhân gây tình trạng "quá tải" đối với một số vùng miền, một số đối tượng học sinh.
- Tính liên môn chưa được quán triệt một cách đầy đủ, đặc biệt là trong SGK. Cách tổ chức phát triển các mạch kiến thức vốn mang tính chỉnh thể, xuyên suốt các chủ đề, các lớp, các cấp cũng phải được xem xét lại về tính hợp lý trong cấu trúc nội dung học.
Ngoài ra, SGK cũng còn một số sai sót, chưa đạt được độ chính xác cần thiết (phù hợp với trình độ học sinh các cấp), những lỗi về diễn đạt, về cấu trúc của một số bài.
- Quá trình xây dựng và triển khai chương trình, SGK nước ta có một số tiến bộ rõ rệt từ nhận thức lý luận cho đến quy trình và kỹ thuật thực hiện. Tuy nhiên, chương trình cơ bản vẫn là chương trình được xây dựng cho một nhà trường phổ thông truyền thông thuộc một nền giáo dục chưa thoát ra khỏi khuôn khổ của giáo dục "ứng thí". Cách tiếp cận khi xây dựng chương trình chủ yếu vẫn là cách tiếp cận theo nội dung với các quan niệm cổ điển về môn học, vì vậy những hạn chế vẫn được lặp đi lặp lại hết lần này đến lần khác.
Vấn đề thiết yếu nhất trong quá trình xây dựng chương trình giáo dục phổ thông là xác định được mô hình phát triển toàn diện của nhân cách trong giai đoạn từ 6 đến 18 tuổi, gắn bó chặt chẽ với việc chuẩn bị tư cách công dân và là thành phần của nguồn nhân lực trong tương lai.
Thành phần chủ yếu của mô hình đó là các phẩm chất và năng lực cần thiết, đáp ứng được đòi hỏi của xã hội, cũng như nhu cầu phát triển tự thân của con người và thể hiện trong mục tiêu giáo dục, đây cũng được gọi là “đầu ra" của sản phẩm đào tạo của nhà trường phổ thông.
Việc chọn lựa và truyền thụ nội dung học tập ở nhà trường phải căn cứ vào những "đầu ra" này mà tiến hành. Chương trình và SGK phổ thông nước ta trong thời gian qua đã không thực hiện theo đúng tinh thần này.