CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI HUỲNH RẠNG Blog (Lập ngày 21-10-2010)


THỜI GIAN SỐNG CỦA CON NGƯỜI KHÔNG DÀI; HÃY SỐNG NHƯ THẾ NÀO CHO ĐỜI NGƯỜI CÓ Ý NGHĨA .

Bạn hãy nghĩ về cuộc đời mình đã có ý nghĩa chưa? đã làm được gì cho gia đình, bạn bè và mọi người? Một việc dù nhỏ nhưng tạo ra hạnh phúc cho mình và người khác thì đã góp phần cho cuộc sống ta có ý nghĩa.

Chủ Nhật, 28 tháng 10, 2012

GIÁO DỤC VIỆT NAM

Mời các bạn tham khảo bài viết “Giáo dục Việt Nam”.

Tuy đã lâu nhưng cũng cung cấp cho chúng ta một cái nhìn về nền giáo dục nước nhà. Nhân bài viết Harvard bàn về khủng hoảng giáo dục Việt nam: http://tuanvietnam.net/vn/harvard/7962/index.aspx

Từ bài viết trên, chúng ta có được 2 bảng số liệu đáng chú ý về thực trạng khoa học nước nhà:
 Bài viết được xuất bản trên các tạp chí khoa học năm 2007
Cơ sở
Quốc gia
Số bài viết
Đại học tổng hợp Quốc gia SeoulHàn Quốc
5.060
Đại học tổng hợp Quốc gia SingaporeSingapore
3.598
Đại học tổng hợp Bắc KinhTrung Quốc
3.219
Đại học tổng hợp Phúc ĐanTrung Quốc
2.343
Đại học tổng hợp MahidolThái Lan
950
Đại học tổng hợp ChulalongkornThái Lan
822
Đại học tổng hợp MalayaMalaysia
504
Đại học tổng hợp PhilippinesPhilippines
220
Đại học Quốc gia Việt Nam (Hà Nội và thành phố HCM)Việt Nam
52
Viện Khoa học và Công nghệ Việt NamViệt Nam
44
Nguồn: Science Citation Index Expanded, Thomson Reuters
 Chỉ số sáng tạo
Quốc gia
Số  bằng sáng chế được cấp năm 2006
Hàn Quốc
102.633
Trung Quốc
26.292
Singapore
995
Thailand
158
Malaysia
147
Philippines
76
Việt Nam
0
Nguồn: World Intellectual Property Organization, 2008 Statistical Review 
Cách đây không lâu tháng 12/2008, ngân hàng Thế giới cũng đưa ra một bản báo cáo về kinh tế Việt Nam mà nội dung của nó là:
Báo cáo Phát triển Việt Nam (VDR) của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố tháng 12/2008 tính toán 158 năm nữa Việt Nam mới đuổi kịp Singapore, 95 năm với Thái Lan và 51 năm với Indonesia.
Nhìn vào chi tiết hơn của vấn đề chúng ta thấy rằng:
 - Hiện nay thì Giáo dục (gốc rễ của việc phát triển Khoa học) của chúng ta đã và đang lệch lạc, thậm chí là một sai lầm.
 - Kinh tế Việt Nam đang tiến theo quan điểm ngắn hạn. Những năm gần đây, về sản phẩm, hàng hóa chúng ta gần như không có tiến bộ gì trong khi những ngành ký sinh trên nền kinh tế như ngân hàng, tài chính, dịch vụ, phân phối, bán lẻ, vận chuyển... phát triển mạnh. 
 Về giáo dục:
Tồn tại 
1) Trước hết chúng ta thấy rằng: ở bậc học phổ thông, học sinh phải học quá nhiều nhưng tính lợi ích không cao. 
Thay vì phải xem xét, nghiên cứu và phản bác kiến thức để từ đó phát triển nó ở những mức độ khác nhau từ đính chính, sửa đổi đến đột phá, sáng tạo thì nền giáo dục phổ thông của chúng ta tập trung vào việc truyền đạt kiến thức, coi trọng và đẩy mạnh việc áp dụng kiến thức ở những mức độ từ thấp đến cao.
Đơn cử trong môn toán, học sinh được dạy lý thuyết, sau đó được học và làm theo những bài tập từ đơn giản đến rất khó chủ yếu được các tác giả và giáo viên dịch ra từ các sách nước ngoài. Điều này khiến cho học sinh giỏi ở Việt Nam trở thành những "thợ giải bài tập trong công xưởng trường học".
Vì học sinh nào cũng học hỏi lý thuyết và nghiễm nhiên chấp nhận nó như chân lý đã vô tình giết chết khả năng phản biện cũng như sức sáng tạo hay ham muốn chỉ ra tính sai lầm của lý thuyết - mục tiêu quan trọng nhất của giáo dục. Việc học thêm tối ngày với nhiều ca học để có 1 chỗ trong trường Đại học đã khắc sâu tính "Thợ" trong sinh viên đến nỗi mà có cảm tưởng như việc nghiên cứu tìm ra những điều hữu ích, mới cho Xã Hội - ý nghĩa lớn nhất của bậc Đại Học - gần như không tồn tại ở cả giảng viên và sinh viên Việt Nam. Kết quả tồi tệ được thể hiện qua 2 bảng số liệu ở trên.
Sai lầm trầm trọng về mục tiêu hay mục đích của giáo dục này được xuất phát từ khá lâu, ngay từ buổi đầu của nền giáo dục nước nhà. Để thay đổi điều này là rất không dễ vì chúng ta đang tồn tại cả một hàng ngũ giáo viên như thế, học sinh thì đương nhiên không có vai trò quyết định gì.
2) Ngoài ra, cũng phải nói thêm rằng, những giá trị đạo đức là rào cản lớn cho giáo dục nước nhà.
Học trò được dạy cần phải tôn sư trọng đạo, coi thầy cô giáo như cha mẹ, điều này đã vồ tình khiến cho lớp học trở thành nơi truyền giáo, dạy dỗ và tù túng. Những ý kiến của thầy cô là chân lý trong lớp học và không ai có quyền phản bác lại ý kiến của họ. Thực tế chúng ta phải thấy bản chất sâu xa rằng, người thầy chỉ có vai trò trung gian chuyển tải kiến thức từ người nghĩ ra nó đến người cần học nó. 
Điều đáng tiếc là: nguyên nhân của việc tụt hậu của phương Đông so với phương Tây trong khả năng sáng tạo và tìm ra những cái mới có một phần quan trọng là từ việc coi trọng quá mức vị trí của người thầy trong Xã hội. Đáng lẽ chúng ta phải thay đổi một chút, đưa người thầy ở mức độ hợp lý và đề cao, tôn vinh xứng đáng những nhà khoa học, nhà nghiên cứu... vì chính họ mới là người tạo ra toàn bộ những thứ mà chúng ta có hôm nay.
Giải quyết
Để giải quyết những vấn đề hiện tại của Việt Nam là không khó, tuy nhiên ai sẽ là người bấm nút khởi động và bao giờ người đó mới xuất hiện thì vẫn là một câu hỏi lớn:
1) Để giải quyết vấn đề thứ nhất ta chỉ cần phải thay đổi 2 điều sau:
      a) Thay đổi cách thi cử. Khiến cho thi cử thật nhẹ về kiến thức nhưng nặng về tư duy, đến nỗi mà một người có trí tuệ vượt trội có thể vào Đại Học sớm trước nhiều năm. Nói cách khác là chúng ta làm theo kỳ thi SAT hay tương tự. Một đứa trẻ 8 tuổi nếu thông minh ở mức 1 phần triệu có thể dễ dàng vào được Đại Học. Hệ lụy là tình trạng nhồi nhét kiến thức không cần thiết, học dạng, luyện lò ... chấm dứt và quan trọng là loại bỏ được yếu tố "thợ" đã ngự trị trong học sinh sinh viên cũng như giáo viên của chúng ta hiện nay.
       b) Tuy nhiên, vấn đề mà chúng ta phải giải quyết là thu nhập cho giáo viên. Có thể nói hiện nay việc nhà nước trả lương cho giáo viên tồn tại nhiều bất cập. Cách đây 20 năm những điều này là đúng, nhưng hiện tại thì nó không còn đúng ít ra ở khu vực thành thị và các nơi khá phát triển về kinh tế. Chúng ta sẽ xem xét giải pháp sau:
-  Chúng ta xóa bỏ trường công lập ở các thành phố lớn. Kèm theo nhà nước không trả lương cho giáo viên. Mà tiền lương của giáo viên sẽ được đóng góp từ phụ huynh học sinh. Lưu ý là xét trên tổng thể mà nói thì phụ huynh sẽ không phải đóng góp nhiều hơn cho việc học của con cái mà ít hơn rất nhiều, họ sẽ không phải chi tiền học thêm, học nếm, luyện lò rất mất thời gian mà không được lợi lộc gì cho dân tộc. Việc luyện lò như hiện nay khiến tiền của phụ huynh tập trung vào 1 số ít giáo viên giỏi luyện gà và có năng lực trong việc tìm kiếm và giảng dạy những vấn đề nóng, còn đại đa phần giáo viên chẳng có cơm cháo gì.
- Dồn toàn bộ ngân sách đáng lẽ để trả lương cho giáo viên ở thành thị cho giáo viên ở các tỉnh khó khăn, duy trì trường công lập ở đây, vô hình chung lương của giáo viên nơi đây sẽ tăng lên đáng kể.
Tóm lại với giải pháp đơn giản, cở bản và thực hiện dễ dàng trên chúng ta nâng đời sống của giáo viên lên một mức cao nhất có thể mà Xã Hội không phải chi thêm bất kỳ đồng nào. 
    2) Vấn đề thứ 2 là một vấn đề khó, tuy nhiên, thay vì đánh thẳng trực tiếp vào nó, ta có thể đánh gián tiếp bằng cách tăng dần và mạnh mẽ vị trí của học trò trong trường học.
Giống như chúng ta nói ở đây, một lớp học gồm 40 học sinh có quyền chọn ai dạy mình bằng cách đánh giá điểm cho giáo viên, nhanh chóng điều này sẽ khiến cho các giáo viên trở về thực tại và nâng cao chất lượng giảng dạy, cạnh tranh với nhau để có chỗ đứng trong trường...
Điều này tuy nói thì dễ, nhưng ai dám làm, và đương nhiên họ phải đối mặt với toàn thể những thầy cô giáo lâu năm, ít năm... Nói chung chúng ta cần phải có một cách mạng trong tư duy  Xã hội về người giáo viên để có thể làm cho các học trò những người có khả năng sáng tạo mạnh mẽ nhất có thể tranh luận với giáo viên, chỉ ra những sai lầm của lý thuyết và kiến thức.
    3) Vấn đề thứ 3 nghe thì có thể bi quan nhưng nó là vô phương cứu chữa trong hoàn cảnh hiện nay khi mà chênh lệch về các điều kiện vật chất, cơ sở hạ tầng và kinh tế cũng như danh tiếng... của nước ta còn quá lớn so với các nước phát triển.
Có thể nói rằng tốt nhất là chúng ta mong chờ kinh tế phát triển, sau đó mới giải quyết vấn đề chảy máu chất xám.
Nhiều học giả đã không tiếc giấy mực để cố gắng giải quyết vấn đề chảy máu chất xám, nhưng xét trên logic học thì có vẻ như chẳng có lợi ích gì. Vấn đề chỉ được giải quyết khi nguyên nhân của nó được giải quyết, mà nguyên nhân của nó thì rõ ràng là vấn đề điều kiện làm việc, kinh tế... cả 2 điều này Việt Nam của chúng ta ai cũng thấy là chênh lệch rất xa so với các nước phát triển. Nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta phải nâng cao đãi ngộ, nhưng đãi ngộ nâng cao trong khi năng lực về kinh tế của nước ta còn yếu thì không khác nào bắt người đang bệnh đi bộ để cạnh tranh với một người khỏe mạnh đang chạy. Lợi ích mang lại có thể không cao. 
   4) Những tiểu xảo cũng không kém phần quan trọng: 
a) Chúng ta cũng có thể áp dụng tiểu xảo không tốn tiền bằng cách lập ra những bảng xếp hạng trường Đại Học của Việt Nam đồng thời cải cách vấn đề chọn trường.
        Ví dụ: Tạo ra 1 bảng xếp hạng Đại Học của Việt Nam dựa trên tiêu chí đầu bảng là số lượng và chất lượng bài viết trên các tạp chí khoa học hàng đầu của thế giới.
b) Với các lãnh đạo và giảng viên của các trường, người có số lượng bài viết và chất lượng bài viết trên các tạp chí uy tín quốc tế đứng đầu sẽ vào đảm nhận trưởng khoa X của trường Y, còn những tiến sĩ giấy thì vào làm phụ giảng nếu không có công trình khoa học nào được biết đến ở tầm quốc tế.
Việc chọn lọc giảng viên ở mức độ cao này không những tốt cho chất lượng giảng dạy mà còn kéo theo sự thay đổi quan điểm của sinh viên, họ mau chóng nhận ra và khâm phục người thầy của mình, đồng thời mở ra cánh cửa cho sức sáng tạo và ý thức được giá trị của những gì tạm gọi là "giá trị đích thực của giáo dục".
Chúng ta không học thuộc 1000 quyển sách, cái này đã có ổ cứng của máy tính lo, vai trò của chúng ta là suy nghĩ về 1 quyển sách rồi sau đó viết ra 1 quyến sách khác.
Nếu chúng ta tiến hành những giải pháp này, chẳng khó để 10 năm tới khi chúng ta nhìn vào các bảng số liệu như trên và thấy rằng VN xếp ngang hàng với các nước Đông Nam Á chứ không cách biệt quá xa như hiện nay.

Thứ Ba, 16 tháng 10, 2012

Tranh khỏa thân sống động hơn thật

Mời các bạn xem bài đăng: Chuyện lạ thế giới, ngày 16-10-2012
Nhìn tranh vẽ mà ngỡ người thật.
Chỉ bằng cây cọ đơn giản, Robin Eley thể vẽ được những bức tranh thật hơn cả ảnh chụp. Tranh của anh hầu hết là tranh khỏa thân sơn dầu khổ lớn.
Họa sỹ Robin Eley sinh ra ở London (Anh), lớn lên ở Australia và từng đi du học ở Mỹ, nên được coi là con người kết tinh của 3 châu lục.
Chỉ bằng cây cọ đơn giản, Robin Eley thể vẽ được những bức tranh thật hơn cả ảnh chụp. Tranh của anh hầu hết là tranh khỏa thân sơn dầu khổ lớn, được bọc nhựa. Mọi chi tiết nhỏ trên cơ thể đều được lột tả chân thực và nổi bật dưới ngòi bút của họa sỹ tài hoa này.
Mời bạn đọc cùng chiêm ngưỡng một vài tác phẩm.


 Theo các bạn là ảnh chụp hay ảnh vẽ. Đúng là không phân biệt được.

Chủ Nhật, 14 tháng 10, 2012

Tro than - phiên chợ nhà nghèo

Mời bạn tìm hiểu nét độc quê hương.
Hiếm có nơi nào người và tro gắn bó với nhau quanh năm suốt tháng như ở đây. Tro hiện diện mọi lúc mọi nơi, trong chén cơm có bụi tro, trong ly nước có tàn tro và ngay cả giấc ngủ cũng mang vị mặn của tro...
Xứ tro
Lọt vào kinh Trà Thôn, tới ấp Long Quới 1 (xã Long Điền B, H.Chợ Mới, An Giang) là coi như tới chợ tro có một không hai ở miền Tây. Dưới kinh ghe nhỏ, tàu lớn buôn bán tấp nập. Ghe, tàu nào cũng lố nhố bóng người giậm tro, cào tro, đội tro… Còn hai bên đường, đi tới đâu cũng thấy những đụn tro chất đống, cao lêu nghêu được quây bạt để che mưa.
Giữa trưa, có tiếng ca thiệt mùi của anh thanh niên nào đó cải biên bản vọng cổ Tình anh bán chiếu: “Tro Trà Thôn cắm sào khắp ngả/ thấy tôi đen đúa cô chớ vội cười/ tro này bán hổng mắc đâu/ ruộng vườn cô trúng chúng mình nên duyên…”.


Đi sâu vào xóm, chúng tôi gặp chị Thảo đang hì hụi cào tro. Có một cơn gió lớn thổi qua làm bụi tro bám đầy lên mặt, lên tóc chị. Chị Thảo vừa lau bệt tro dính trên mặt vừa cười cho biết, phụ nữ xứ này cào tro không ai mang khẩu trang. “Tụi tui hít tro, ăn tro từ nhỏ nên riết rồi miễn dịch với tro bụi. Mà cũng lạ lắm nghen, tui là đời thứ ba làm tro; trước đó ông bà, cha mẹ cả ngày túi bụi với tro nhưng tới già không ai bị bệnh ho hen, sổ mũi gì ráo”, chị Thảo vui vẻ nói.
Ở gần đó, anh Chí đen nhẻm, đứng chìm hẳn trong đống tro cao ngất, đang lùa xẻng cào từng đụn tro lớn. Anh cho biết mình dính với nghề tro đã 40 năm nay, nếu không đen đúa không phải là dân xứ tro. Làm tro mà nhảy mũi, chảy nước mắt vì bụi tro; tro bám vào người bị ngứa mà lấy tay gãi thì không phải là dân tro chuyên nghiệp. Anh chia sẻ: “Dân lao động tụi tui còn hít được bụi tro, còn hửi được hơi tro là mừng”.
Nghe chúng tôi thắc mắc, anh giải thích rằng chợ tro chỉ vắng hay ngưng lên hàng khi tro ế ẩm hoặc gặp lúc trời mưa gió. Những lúc như thế dân lao động như anh lại thất nghiệp. Theo anh Chí, người đội tro thường được trả tiền công cao hơn người cào hay giậm tro. Bình quân mỗi ngày, một lao động cũng kiếm được từ 70.000 - 90.000 đồng.
Vang danh “chợ độc”
Anh Ngọc Trang, chủ một vựa tro cho hay vào mùa nắng, một ngày Trà Thôn đưa đi tiêu thụ khoảng gần 100 tấn tro. Giá tro hiện dao động từ 80.000 -90.000 đồng/giạ, tùy theo tro đẹp hay xấu. Tro Trà Thôn phân làm nhiều loại như: tro trấu mua từ các lò gạch, các nhà máy xay xát lúa gạo; tro rơm mua từ rơm bà con đốt sau thu hoạch….
Tro từ Trà Thôn được chở đi các khắp các tỉnh Đồng Tháp, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai... để bán cho các nhà vườn, chủ ruộng. Mùa nắng tro tiêu thụ mạnh nên giá cao, mùa mưa do bón bị ướt nên tro thường rớt giá. Anh cho biết: “Miệt vườn miền Tây chủ yếu mua tro về làm phân bón cho các loại cây kiểng, rau củ. Còn các tỉnh miền Đông là vùng đất đỏ; nếu bón tro cây lúa, rau màu sẽ lên rất xanh tốt”.
Ông Hải, chủ một vựa tro lớn ở Trà Thôn tính toán, một ghe tro 50 tấn, trừ hết các chi phí, mỗi chuyến cũng lời vài triệu đồng. Bởi vậy cách hai ngày chủ vựa lại đưa tro đi. “Tro là thứ bỏ đi nhưng với xóm này nó là chén cơm, manh áo. Người dân xóm này sống được cũng nhờ tro đó!”, ông Hải chia sẻ.
Theo một cán bộ ở xã Long Điền B, chợ tro ra đời từ năm 1975. Lúc đầu chỉ có lèo tèo vài ba hộ bán tro cho các điểm trồng hoa kiểng ở các xã lân cận. Theo thời gian, nghề tro phát triển dần. Nhiều người trong xóm sống được với nghề này nên lôi kéo các hộ khác tham gia. Ấp này hiện có trên 60 hộ mua bán tro và vựa tro, còn số lao động gắn với nghề tro có hơn 200 người.
Có một điều khiến người dân xứ tro không giấu được niềm tự hào là vào tháng 9.2011, chợ tro Trà Thôn được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam (Vietkings) trao tặng danh hiệu 1 trong 100 phiên chợ độc đáo của Việt Nam.

Thứ Năm, 11 tháng 10, 2012

Sinh nhật tháng 10

Các bạn sinh A4.
Trước tiên cám ơn các bạn đã chúc mừng những bạn trong lớp Sinh A4 đã được sinh ra vào tháng 10, trong đó có tôi.
Tôi rất xúc động khi được các bạn nhớ và chúc mừng Sinh nhật.
Tôi xin mượn lời bài viết, hình ảnh của các bạn đã gởi tới để lưu niệm mừng sinh nhật những bạn sinh tháng 10 trong năm 2012 này.

Quà tặng sinh nhật năm nay.
Tuy ít nhưng tấm lòng không ít chút nào.



Đây là lời ai nói! đố các bạn?
Hihi...... già cả nên có phần hơi chậm chạp mong các bạn thông cảm! Chúc mừng Sinh Nhật Tháng Mười quí bạn thân thương: Cẩm Lý, Bích Giang, Hồng Phước, Ngọc Huê, Thu Hương, Huỳnh Rạng, Ngọc Dung luôn luôn tươi trẻ, vui vẻ, yêu đời, yêu người.....

Thứ Hai, 1 tháng 10, 2012

Giáo dục không chỉ lạc hậu mà còn đang… lạc lối

Mời các bạn đọc bài viết sau đây để tham khảo.

     Giáo dục của ta không chỉ lạc hậu mà nguy hiểm hơn, nó đang đi lạc hướng, ra xa con đường chung của nhân loại, đang phát triển lạc điệu với thế giới văn minh.

     Đó là ý kiến của các nhà giáo dục tại hội thảo "Trí thức thủ đô với đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam" do Hội liên hiệp Khoa học kỹ thuật tổ chức ngày 29.9.2012.
     Nhà trường không chỉ dạy chữ
     GS Hoàng Tụy cho rằng, trong thế giới hiện đại, với xu thế toàn cầu hóa, nước nào không hội nhập được, không thích nghi được, tất sẽ bị cô lập, bị bỏ rơi lại đằng sau, “chết lâm sàng rồi từ từ bị đào thải, nếu không sớm tỉnh ngộ”.
     GS Hoàng Tụy chỉ ra: Giáo dục đang lạc hướng, lạc điệu từ cái gốc, tức là từ triết lý giáo dục, từ tư duy, quan niệm cơ bản về mục tiêu, đường lối, cung cách làm giáo dục. Nhà trường không thể chỉ dạy chữ, dạy kiến thức, mà còn dạy làm người. Thực tế xưa nay nhà trường nào cũng làm như thế cả, dù gián tiếp hay trực tiếp, dù có ý thức hay vô ý thức. Cái khác nhau chỉ là ở nội dung và cách dạy người. Dạy cho thanh thiếu niên thành người như thế nào, đó là chỗ khác nhau cơ bản giữa nhà trường lạc hậu và nhà trường hiện đại, tiên tiến.
     Theo GS Hoàng Xuân Sính, Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc VN, có thể nói, 12 năm từ tiểu học đến THPT, giáo dục của chúng ta chỉ làm được việc dạy kiến thức, còn việc dạy người thì chưa làm được gì.
     GS Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học công nghệ đặt vấn đề: Tại sao bao nhiêu chỉ thị, nghị quyết đều không được thực hiện nghiêm chỉnh? Bao nhiêu cảnh báo, kiến nghị của các cá nhân và tập thể đều như “đấm vào bị bông”?
     PGS Đặng Danh Ánh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu, đào tạo và tư vấn khoa học công nghệ nói, những sai lầm lớn, nổi trội của GD-ĐT bị phê phán cách đây 15 năm vẫn tồn tại như: nạn dạy thêm, học thêm tràn lan; tổ chức thi cử nặng nề; nội dung và phương pháp giảng dạy lạc hậu, nhồi nhét; chất lượng đào tạo xuống cấp không kiểm soát nổi, những hiện tượng tiêu cực như mua bằng, bán điểm và nguy hiểm hơn là bằng thật mà học giả… chẳng những không khắc phục được bao nhiêu mà lâu ngày đang biến thành những tình thế khó đảo ngược, những căn bệnh "thâm căn cố đế" khó có phương thuốc chữa trị.
     Theo GS Hoàng Xuân Sính, hệ phổ thông với thầy và trò suốt ngày dạy thêm, học thêm; hệ ĐH với những sinh viên chỉ muốn "xả hơi" sau 12 năm gò lưng trên bàn học ở trường và ở lớp học thêm. Đến mùa thi thì "đi thầy đi cô" để có bảng điểm tốt. Một danh sách khá dài những gia đình chán ngán với giáo dục của nước mình, đã bằng mọi giá cho con ra nước ngoài học.
GS Nguyễn Xuân Hãn, Chủ tịch Hội liên hiệp Khoa học kỹ thuật Hà Nội nêu thực tế: Ở bậc phổ thông, học sinh bị bội thực về sách, chương trình quá nặng so với quốc tế và xa rời với thực tế; còn bậc ĐH thì “đói” sách và "dạy chay" triền miên.
     GS Đặng Danh Ánh cũng nhận định, không ít sinh viên ĐH chỉ học sao có mảnh bằng nên phần lớn trong số họ rất lúng túng khi bước vào đời.
     Hệ thống GD-ĐT kém linh hoạt, tất cả học sinh tốt nghiệp THPT dù giỏi hay kém đều được thi ĐH đã gây nên tình trạng “ùn tắc” quá tải như hiện nay. “Chính phân luồng học sinh không tốt dẫn đến mất cân đối trầm trọng trong cơ cấu tuyển sinh, cơ cấu đào tạo và cơ cấu nguồn nhân lực", GS Ánh nói.
     Không độc quyền sách giáo khoa
     Đa số các ý kiến đều cho rằng, việc đổi mới giáo dục không nên sa đà vào việc viết lại sách giáo khoa mà cần phải có một chương trình chuẩn đáp ứng được những yêu cầu của nền giáo dục mới.
     GS Nguyễn Lân Dũng đề nghị chương trình sau khi được xây dựng xong cần đưa ra trưng cầu ý kiến rộng rãi trước khi thông qua một hội đồng quốc gia đầy đủ tín nhiệm. Sau đó để cho các nhà xuất bản và các nhóm tác giả cạnh tranh qua chất lượng các bộ sách giáo khoa khác nhau. Việc in sách giáo khoa không độc quyền như hiện nay mà phải là việc của từng nhóm tác giả và từng nhà xuất bản. Bộ sách nào không theo sát chương trình thì không được in. Lựa chọn bộ sách nào để dạy, để học là tùy thầy cô giáo và học sinh. “Chỉ có cạnh tranh như vậy mới mong sớm có được những bộ sách giáo khoa tốt”, GS Lân Dũng nói.
     Còn Nhà giáo nhân dân Lê Hải Châu thì đề nghị cần làm lại các chương trình môn học, mạnh dạn bỏ những nội dung ôm đồm, không thiết thực, xa rời thực tiễn, không phục vụ cuộc sống… như chương trình hiện nay.
     Đa số các nhà giáo cũng đề nghị phải thay đổi cách thức thi cử như hiện nay.
     GS Nguyễn Lân Dũng nói về phong trào “Hai không”: “Tôi hỏi một cháu ở Hà Tây cũ về kỳ thi vừa qua, cháu nói thầy cô cho mang “phao” thoải mái vào phòng thi, chỉ cấm mang sách giáo khoa thôi. Vậy thì đâu chỉ có một Đồi Ngô ở Bắc Giang mà có cả “rừng ngô” trong cả nước”.
     Nhà giáo ưu tú Nguyễn Tùng Lâm, Hội Liên hiệp khoa học kỹ thuật TP.Hà Nội đề nghị: "Để kỳ thi tốt nghiệp THPT được nghiêm túc và có tỉ lệ đánh giá chính xác, Bộ GD-ĐT phải mạnh dạn thay đổi quy chế cho thi tốt nghiệp THPT tại ngay các trường THPT. Thầy trò tự coi, các trường tổ chức thi phải đầu tư camera để giám sát toàn bộ kỳ thi. Khi gửi bài thi thì gửi băng ghi hình của phòng thi đó luôn cho hội đồng chấm".
     Cần một cuộc tổng điều tra giáo dục
    Để đi đến đồng thuận xã hội và nhất trí trong các cấp lãnh đạo về thực trạng giáo dục, chúng ta phải tiến hành một cuộc tổng điều tra giáo dục ở quy mô quốc gia với các phương pháp và công cụ hiện đại… để có được các dữ liệu khách quan trong một bức tranh toàn cảnh chân thực. Không nên chỉ dựa vào báo cáo chính thức của ngành giáo dục và kết quả của các đề tài nghiên cứu khoa học ở từng mảng vấn đề hạn hẹp.
     Trên cơ sở của cuộc tổng điều tra này, chúng ta mới có thể biết thực sự nền giáo dục của chúng ta yếu kém nhất ở những khâu nào; yếu kém đến mức độ nào? Để đề xuất phương án cải cách. Thiếu một kết quả của cuộc tổng điều tra như thế thì mọi kiến nghị cải cách giáo dục chỉ mang tính gợi ý chứ không thể là các chương trình hành động khả thi. (Giáo sư Chu Hảo)