CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI HUỲNH RẠNG Blog (Lập ngày 21-10-2010)


THỜI GIAN SỐNG CỦA CON NGƯỜI KHÔNG DÀI; HÃY SỐNG NHƯ THẾ NÀO CHO ĐỜI NGƯỜI CÓ Ý NGHĨA .

Bạn hãy nghĩ về cuộc đời mình đã có ý nghĩa chưa? đã làm được gì cho gia đình, bạn bè và mọi người? Một việc dù nhỏ nhưng tạo ra hạnh phúc cho mình và người khác thì đã góp phần cho cuộc sống ta có ý nghĩa.

Chủ Nhật, 14 tháng 10, 2012

Tro than - phiên chợ nhà nghèo

Mời bạn tìm hiểu nét độc quê hương.
Hiếm có nơi nào người và tro gắn bó với nhau quanh năm suốt tháng như ở đây. Tro hiện diện mọi lúc mọi nơi, trong chén cơm có bụi tro, trong ly nước có tàn tro và ngay cả giấc ngủ cũng mang vị mặn của tro...
Xứ tro
Lọt vào kinh Trà Thôn, tới ấp Long Quới 1 (xã Long Điền B, H.Chợ Mới, An Giang) là coi như tới chợ tro có một không hai ở miền Tây. Dưới kinh ghe nhỏ, tàu lớn buôn bán tấp nập. Ghe, tàu nào cũng lố nhố bóng người giậm tro, cào tro, đội tro… Còn hai bên đường, đi tới đâu cũng thấy những đụn tro chất đống, cao lêu nghêu được quây bạt để che mưa.
Giữa trưa, có tiếng ca thiệt mùi của anh thanh niên nào đó cải biên bản vọng cổ Tình anh bán chiếu: “Tro Trà Thôn cắm sào khắp ngả/ thấy tôi đen đúa cô chớ vội cười/ tro này bán hổng mắc đâu/ ruộng vườn cô trúng chúng mình nên duyên…”.


Đi sâu vào xóm, chúng tôi gặp chị Thảo đang hì hụi cào tro. Có một cơn gió lớn thổi qua làm bụi tro bám đầy lên mặt, lên tóc chị. Chị Thảo vừa lau bệt tro dính trên mặt vừa cười cho biết, phụ nữ xứ này cào tro không ai mang khẩu trang. “Tụi tui hít tro, ăn tro từ nhỏ nên riết rồi miễn dịch với tro bụi. Mà cũng lạ lắm nghen, tui là đời thứ ba làm tro; trước đó ông bà, cha mẹ cả ngày túi bụi với tro nhưng tới già không ai bị bệnh ho hen, sổ mũi gì ráo”, chị Thảo vui vẻ nói.
Ở gần đó, anh Chí đen nhẻm, đứng chìm hẳn trong đống tro cao ngất, đang lùa xẻng cào từng đụn tro lớn. Anh cho biết mình dính với nghề tro đã 40 năm nay, nếu không đen đúa không phải là dân xứ tro. Làm tro mà nhảy mũi, chảy nước mắt vì bụi tro; tro bám vào người bị ngứa mà lấy tay gãi thì không phải là dân tro chuyên nghiệp. Anh chia sẻ: “Dân lao động tụi tui còn hít được bụi tro, còn hửi được hơi tro là mừng”.
Nghe chúng tôi thắc mắc, anh giải thích rằng chợ tro chỉ vắng hay ngưng lên hàng khi tro ế ẩm hoặc gặp lúc trời mưa gió. Những lúc như thế dân lao động như anh lại thất nghiệp. Theo anh Chí, người đội tro thường được trả tiền công cao hơn người cào hay giậm tro. Bình quân mỗi ngày, một lao động cũng kiếm được từ 70.000 - 90.000 đồng.
Vang danh “chợ độc”
Anh Ngọc Trang, chủ một vựa tro cho hay vào mùa nắng, một ngày Trà Thôn đưa đi tiêu thụ khoảng gần 100 tấn tro. Giá tro hiện dao động từ 80.000 -90.000 đồng/giạ, tùy theo tro đẹp hay xấu. Tro Trà Thôn phân làm nhiều loại như: tro trấu mua từ các lò gạch, các nhà máy xay xát lúa gạo; tro rơm mua từ rơm bà con đốt sau thu hoạch….
Tro từ Trà Thôn được chở đi các khắp các tỉnh Đồng Tháp, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai... để bán cho các nhà vườn, chủ ruộng. Mùa nắng tro tiêu thụ mạnh nên giá cao, mùa mưa do bón bị ướt nên tro thường rớt giá. Anh cho biết: “Miệt vườn miền Tây chủ yếu mua tro về làm phân bón cho các loại cây kiểng, rau củ. Còn các tỉnh miền Đông là vùng đất đỏ; nếu bón tro cây lúa, rau màu sẽ lên rất xanh tốt”.
Ông Hải, chủ một vựa tro lớn ở Trà Thôn tính toán, một ghe tro 50 tấn, trừ hết các chi phí, mỗi chuyến cũng lời vài triệu đồng. Bởi vậy cách hai ngày chủ vựa lại đưa tro đi. “Tro là thứ bỏ đi nhưng với xóm này nó là chén cơm, manh áo. Người dân xóm này sống được cũng nhờ tro đó!”, ông Hải chia sẻ.
Theo một cán bộ ở xã Long Điền B, chợ tro ra đời từ năm 1975. Lúc đầu chỉ có lèo tèo vài ba hộ bán tro cho các điểm trồng hoa kiểng ở các xã lân cận. Theo thời gian, nghề tro phát triển dần. Nhiều người trong xóm sống được với nghề này nên lôi kéo các hộ khác tham gia. Ấp này hiện có trên 60 hộ mua bán tro và vựa tro, còn số lao động gắn với nghề tro có hơn 200 người.
Có một điều khiến người dân xứ tro không giấu được niềm tự hào là vào tháng 9.2011, chợ tro Trà Thôn được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam (Vietkings) trao tặng danh hiệu 1 trong 100 phiên chợ độc đáo của Việt Nam.