CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI HUỲNH RẠNG Blog (Lập ngày 21-10-2010)


THỜI GIAN SỐNG CỦA CON NGƯỜI KHÔNG DÀI; HÃY SỐNG NHƯ THẾ NÀO CHO ĐỜI NGƯỜI CÓ Ý NGHĨA .

Bạn hãy nghĩ về cuộc đời mình đã có ý nghĩa chưa? đã làm được gì cho gia đình, bạn bè và mọi người? Một việc dù nhỏ nhưng tạo ra hạnh phúc cho mình và người khác thì đã góp phần cho cuộc sống ta có ý nghĩa.

Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2012

GIÁ TRỊ ĐẠO ĐỨC HÔM NAY

     Đạo đức là thước đo thang giá trị của con người mọi thời đại. Những giá trị đạo đức không bao giờ thay đổi, có chăng là chỉ thay đổi cách nhìn về giá trị ấy. Điều này chúng ta sẽ thấy rõ nơi cuộc sống hiện đại. Cuộc sống hiện đại đã làm cho con người có những cách nhìn mới về những giá trị đạo đức. Sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật tân tiến mang lại cho con người nhiều tiện nghi thoải mái. Tuy nhiên, nó cũng mang lại cho con người nhiều nỗi phiền toái, và còn lấy mất khỏi con người nhiều giá trị cao đẹp – vốn là những điều quan trọng trong việc hình thành nhân cách, lý tưởng sống của con người.
     Những phương tiện khoa học kỹ thuật vốn không tốt cũng không xấu. Nó tốt hay xấu là phụ thuộc vào người sử dụng nó. Thế nhưng, những phương tiện khoa học kỹ thuật, hay nói một cách nôm na hơn là cuộc sống hiện đại đã làm cho con người, nhất là những người trẻ, có những thay đổi cách nhìn về giá trị đạo đức.
Giới trẻ ngày nay có cách nhìn về cuộc sống, con người, thời đại và về những giá trị đạo đức khác những người xưa nhiều. Đạo đức truyền thống đối với họ không phải là điều bắt buộc nữa. Thứ đạo đức đó đối với họ đã trở thành những món đồ cổ rồi. Phải chăng bây giờ lớp trẻ đang sống thiếu đạo đức ? Một vấn nạn không dễ trả lời.
     Những giá trị cao đẹp vốn đã tồn tại bao đời, đang thiếu vắng nơi một bộ phận các bạn trẻ hôm nay. Là con người hoài vọng cho một tương lai sáng lạn, một đất nước giàu và đẹp, cho một tương lai nhân loại tươi sáng hơn, ai lại không băn khoăn, ưu tư trước những thách đố của thời đại, trong đó có vấn đề giá trị đạo đức nơi người trẻ, hay nói một cách thực tế hơn là nhân cách của giới trẻ. Những cái đau đớn do ngoại cảnh đem đến cho ta không nói làm gì, điều đáng nói ở đây là có những cái đau mình biết là do mình tạo nên, nhưng vẫn lao vào đó để chuốc lấy cũng như mang đến cho người khác thì thật đáng trách. Phải làm gì đây để dọn sạch những cọng rác làm dơ bẩn sân chơi của cuộc đời ?
     Đạo đức ngày nay bao gồm nhiều lãnh vực, chứ không gói gọn trong cách học làm người: Đạo đức sinh học, đạo đức trong kinh doanh, đạo đức trong chính trị, đạo đức trong nhà trường, đạo đức trong tôn giáo… mỗi một trong những nền đạo đức này nói lên một khía cạnh nào đó của cuộc sống con người. Giá trị của chúng khác nhau, tuy nhiên, chúng có một điểm chung là con người. Giá trị đạo đức thực là cái bảo đảm cho một cuộc sống hạnh phúc hơn, sung mãn hơn.
     Để hiểu đạo đức là gì, trước tiên chúng ta cần tìm hiểu từ nguyên của nó đã. Trong tiếng Việt, nghĩa của từ “đạo đức” và “luân lý” gần gần giống nhau. Để hiểu rõ nội dung của đạo đức cần đi tìm ý nghĩa của từ đạo đức và luân lý. Theo “Hán – Việt Từ điển” của Đào Duy Anh, đạo đức bao gồm “Nguyên lý tự nhiên là đạo, được vào trong lòng người là đức – Cái lý pháp người ta nên noi theo”. (Đào Duy Anh, 1957) Theo Từ điển Tiếng Việt thì từ “đạo đức” là “những tiêu chuẩn, nguyên tắc được dư luận xã hội thừa nhận, quy định hành vi, quan hệ của con người đối với nhau và đối với xã hội. Theo nghĩa hẹp, đạo đức là phẩm chất tốt đẹp của con người do tu dưỡng theo những tiêu chuẩn đạo đức mà có.”. Còn từ “luân lý” có nghĩa là “những quy tắc về quan hệ đạo đức giữa người với người trong xã hội.” (Minh Tân-Thanh Nghi-Xuân Lãm, 1999).
     Tham khảo quan niệm của các triết gia.
     Đạo đức là một đề tài rất thời sự và cũng rất quan trọng đối với cuộc sống con người. Theo quan niệm của Démocrite, “Đạo đức là đi tìm khoái lạc vì sự thiện là khoái lạc, còn sự ác là đau khổ. Để mang lại sự thiện thực sự, khoái lạc phải là sự hoan hỉ dài và trường tồn.”
     Socrate quan niệm rằng “con người có thể tìm hiểu những điều thuộc đời sống thực tiễn, để tìm thấy những chân lý khách quan về một nền đạo đức thực tiễn. Ông tin vào nhân đức, tin vào công lý và coi đó là cách sống hợp với ý muốn thần thánh.”  Con người chỉ có thể tìm thấy hạnh phúc, -điều mà con người luôn khao khát tìm kiếm-, khi con người sống đúng đắn, nghĩa là sống hợp với những quy tắc đạo đức; còn nếu không, con người chỉ chuốc lấy khổ nhục.
     Platon đưa ra một hình ảnh điển hình để nói về đời sống đạo đức như sau:
     “Con người là một chiếc xe song mã, với một con trắng và một con ngựa đen; con ngựa trắng thì đẹp đẽ, khỏe mạnh, nó yêu chuộng sự khôn ngoan và điều độ; ngược lại, con ngựa đen thì xấu xí và bướng bỉnh, nó cần tới những đòn roi mạnh mẽ có thể đi theo sự điều khiển của người đánh xe. Hai con ngựa đó, mỗi con kéo về một ngả, nên việc điều khiển cỗ xe này thật là khó khăn. Nếu trị được con ngựa đen, thì con ngựa trắng sẽ có thể kéo cỗ xe tiến bước theo đoàn xe của thần thánh, vươn lên tới thế giới ý tưởng để chiêm ngưỡng những thực tại vĩnh cửu, chân thực. Nhưng nếu không trị được con ngựa đen, thì cộ xe sẽ lê lết trong vật giới, sa lầy vào những sự vật của trần gian, đầy những ảo ảnh không chân thật.”
     Đối với Aristote, luân lý đóng một vai trò quan trọng đối với đời sống con người. Muốn sống hạnh phúc, con người phải sống có nhân đức. Nhân đức là một thói quen cần được tập luyện thường xuyên chứ không phải là nhất thời. Nhân đức là thái độ quân bình hay trung dung. Ông phân chia nhân đức ra làm hai loại là: nhân đức tinh thần gồm: óc phê phán, bình luận hợp lý hợp cảnh, tinh thần trật tự; và nhân đức luân lý: là những tập quán tốt giúp con người giữ mực chiết trung giữa thái quá và bất cập.
     Đạo đức Khổng – Mạnh không những ảnh hưởng chỉ riêng ở Trung Hoa, mà còn ảnh hưởng lên nhiều nước Á Châu, trong đó có Việt nam chúng ta. Nhân dân Việt Nam sống dưới ách thống trị phong kiến phương bắc ngót ngàn năm; cho nên, nền văn hóa của dân tộc ta chịu ảnh hưởng rất nhiều của văn hóa Trung Hoa, hay nói rõ hơn đạo đức của con người Việt mang đạm phong cách của người Trung Hoa. Khổng Tử nói: “Ta lý tưởng vào đạo, giữ vững vào đức, nương cậy vào nhân” (Chí vu đạo, cứ vu đức, y vu nhân – Luận Ngữ, Hình Nhi). “Ông cho rằng đạo là lý tưởng và chuẩn tắc hành vi cao nhất của chúng ta. Đức là sự thể hiện trong hành vi cụ thể. Nhân là gốc của đạo đức. Mạnh Tử tiến thêm một bước, cụ thể hóa nó thành Tứ đức (Nhân, lễ, nghĩa, trí) và ‘Ngũ luân’ (Quân thần-vua tôi, phụ tử-cha con, huynh đệ-anh em, phu phụ-vợ chồng, bằng hữu-bạn bè). Quan niệm đạo đức Khổng – Mạnh đều gợi mở từ sự tự giác trong nội tâm của người ta. Tuân Tử thì lấy Lễ làm gốc cho đạo đức, chủ trương tu thân bằng lễ (dĩ lễ tu thân), làm sáng chính trị bằng nghĩa (dĩ nghĩa minh chính). Đổng Trọng Thư thì căn cứ vào đấy để xây dựng thành đạo đức luân lý ý trời (thiên ý) làm trung tâm, lấy tam cương ngũ thường làm nội dung.”
     Có thể nói được rằng nền luân lý Việt Nam được xây dựng trên những nền tảng của Nho giáo, và nó có thế giá trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Những giá trị ấy có năng lực hướng dẫn con người Việt Nam trong cuộc sống đời thường cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Đất Nước. Không ai có thể phủ nhận vai trò to lớn của đạo đức Nho giáo trong những anh hùng hào kiệt con Rồng cháu Tiên như Nguyễn Trãi, Lê Lợi, Quang Trung,…
     Đạo đức của một dân tộc là bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc đó và được tôi luyện qua suốt chiều dài lịch sử. “Người Việt phải sống bằng văn hóa Việt”