CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI HUỲNH RẠNG Blog (Lập ngày 21-10-2010)


THỜI GIAN SỐNG CỦA CON NGƯỜI KHÔNG DÀI; HÃY SỐNG NHƯ THẾ NÀO CHO ĐỜI NGƯỜI CÓ Ý NGHĨA .

Bạn hãy nghĩ về cuộc đời mình đã có ý nghĩa chưa? đã làm được gì cho gia đình, bạn bè và mọi người? Một việc dù nhỏ nhưng tạo ra hạnh phúc cho mình và người khác thì đã góp phần cho cuộc sống ta có ý nghĩa.

Thứ Ba, 6 tháng 3, 2012

Giáo dục VN (nghiên cứu)

Xin giới thiệu với các bạn bài viết

Giáo dục Việt Nam - Những thành tựu và thách thức” trên baomoi.com

Hiện nay, hệ thống giáo dục ở nước ta đã khá hoàn chỉnh từ bậc mầm non đến sau đại học; hầu hết các bản, làng, xã, phường đều có trường lớp tiểu học; trường trung học cơ sở được xây dựng ở các xã hoặc cụm liên xã; trường trung học phổ thông được xây ở các huyện, một số huyện có 2 đến 3 trường. Hệ thống giáo dục ở nước ta về cơ bản đã đáp ứng được như cầu học tập của nhân dân.
Các trường Trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) được củng cố và phát triển, mở rộng quy mô đào tạo, cơ cấu ngành nghề đào tạo đang từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Cả nước hiện có 553 cơ sở có đào tạo TCCN, trong đó: 246 trường trung cấp chuyên nghiệp, 201 trường cao đẳng đào tạo TCCN, 74 trường đại học có đào tạo TCCN, 32 cơ sở đào tạo TCCN, quy mô đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp là 614.516 học sinh.
Với hệ thống đào tạo như trên đã hình thành lên lực lượng lao động ở nước ta qua đào tạo hiện nay ở các trình độ khác nhau chiếm gần 40% dân số trong độ tuổi lao động cả nước.
Bên cạnh những thành tựu to lớn, giáo dục ở nước ta vẫn đang tồn tại nhiều vấn đề rất đáng quan tâm: Nền giáo dục của chúng ta chưa dựa trên nền tảng lý luận vững chắc. Nhiều năm qua, chúng ta cứ lúng túng chưa tìm ra lý thuyết phát triển giáo dục. Những lúng túng và yếu kém có cội nguồn từ tư duy chậm đổi mới.
Kinh nghiệm ở các nước trên thế giới cho thấy, hầu hết các quốc gia hiện nay đang lấy giáo dục phổ thông làm nền tảng cho việc đào tạo nguồn nhân lực, nhằm thích ứng với bối cảnh toàn cầu hóa và phù hợp vào điều kiện kinh tế - xã hội của mình. Có thể thấy rằng, sự phát triển về qui mô giáo dục đại học ở nước ta trong những năm gần đây đã tạo ra sự mất cân đối giữa các ngành học, bậc học, tạo ra mâu thuẫn gay gắt giữa qui mô, chất lượng và hiệu quả. Giáo dục chưa gắn với nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất, gây lãng phí lớn cho xã hội và nhân dân.
Không ít người cho rằng chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ở nước ta đang giảm sút. Tình trạng này tồn tại trong suốt một thời gian dài nhưng chưa có biện pháp khắc phục hữu hiệu. Nguồn nhân lực qua đào tạo không đáp ứng yêu cầu phát triển xã hội đang trở thành nhân tố cản trở sự phát triển đất nước. Một nghịch lý là số lượng cán bộ khoa học (đặc biệt là số tiến sĩ, PGS, GS) ở nước ta cao vào loại nhất trong khu vực, thế mà chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng giáo dục lại được đánh giá vào loại thấp. Trong khi giáo dục đang bộc lộ nhiều yếu kém thì chi phí cho giáo dục vẫn tăng liên tục đang trở thành gánh nặng đối với ngân sách quốc gia và của người dân.
Đạo đức, nhân cách của thế hệ trẻ đang có chiều hướng xấu đi đến mức báo động. Trong số hơn 200 dạng tội phạm ở xã hội hiện nay thì học sinh, sinh viên đều mắc phải, kể cả tội cướp của giết người, buôn bán ma túy và nhiều loại tội phạm nghiêm trọng khác. Những biểu hiện thiếu văn hóa diễn ra trong nhà trường không còn là chuyện cá biệt, mà đã trở thành tình trạng khá phổ biến ở nhiều nơi. Một số trường học quan hệ thầy trò thiếu lành mạnh, thiếu văn hóa mà trước đây chưa từng có cũng đã xuất hiện. Văn hóa học đường đang bị tổn thương nghiêm trọng.
Không ít ý kiến cho rằng, một số nội dung trong sách giáo khoa vừa thiếu tính khoa học, vừa cũ kĩ không còn giá trị sử dụng, không cần thiết cho cuộc sống. Những yếu kém này đã làm cản trở sự liên thông, liên kết giữa các bậc học, các ngành đào tạo.
Nhiều người phê phán phương pháp dạy và học ở các cấp còn lạc hậu, mô hình tổ chức giáo dục, đào tạo vẫn rập khuôn theo kiểu hàn lâm, nặng lý thuyết, nhẹ thực hành. Hiện nay giáo dục ở nước ta chưa làm cho cho học sinh, sinh viên biết cách học, cách làm người, có óc phê phán và sáng tạo, sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm, không ngại gian khổ hy sinh để có những thành công trong cuộc sống.
Để khắc phục những khuyết điểm nêu trên, thiết nghĩ giáo dục ở nước ta cần:
+ Tập trung nghiên cứu đưa ra triết lý giáo dục cho phù hợp với yêu cầu của thời đại. Thực hiện tốt chính sách công bằng, dân chủ trong giáo dục. Bảo đảm cho mọi công dân quyền bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ trong học tập để mọi người, dù giàu nghèo đều có cơ hội học tập và thành đạt ngang nhau.
+ Giáo dục phải tôn trọng, phát triển cá tính, phải mở ra nhiều con đường, nhiều hướng, tạo nhiều cơ hội lựa chọn cho thế hệ trẻ phát triển tài năng, bồi dưỡng nhân tài. Đặc biệt chú ý đến giáo dục nhân cách và phương pháp tự học, phát huy khả năng tư duy sáng tạo cho học sinh, sinh viên. Các trường từ phổ thông đến đại học cần giáo dục cho học sinh, sinh viên có lòng ham mê khoa học và rèn luyện thói quen tự học, tự đọc, tự tìm thông tin để nâng cao sự hiểu biết. Tiếp tục đẩy mạnh việc đổi mới quản lý giáo dục, nhất là việc quản lý chất lượng đào tạo.
Trong những năm tới ngành giáo dục vẫn tiếp tục đứng trước nhiều cơ hội và thách thức, nhưng chúng ta tin tưởng rằng với sự quan tâm của các cấp ủy đảng và chính quyền, cùng với sự cố gắng nỗ lực của ngành giáo dục, sự chăm lo chu đáo của toàn dân, nhất định giáo dục của nước ta sẽ phát huy tốt truyền thống hiếu học của dân tộc, sớm khắc phục những khuyết điểm tồn tại, để nền giáo dục của nước ta gặt hái nhiều thành công trong sự nghiệp trồng người.