CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI HUỲNH RẠNG Blog (Lập ngày 21-10-2010)


THỜI GIAN SỐNG CỦA CON NGƯỜI KHÔNG DÀI; HÃY SỐNG NHƯ THẾ NÀO CHO ĐỜI NGƯỜI CÓ Ý NGHĨA .

Bạn hãy nghĩ về cuộc đời mình đã có ý nghĩa chưa? đã làm được gì cho gia đình, bạn bè và mọi người? Một việc dù nhỏ nhưng tạo ra hạnh phúc cho mình và người khác thì đã góp phần cho cuộc sống ta có ý nghĩa.

Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2011

Vài suy nghĩ về dạy, học và thi tốt nghiệp THPT

Hiện nay giáo dục chúng ta còn nặng về khoa cử. Học 12 năm ở phổ thông nhưng chỉ qua một kỳ thi với 6 môn mà đánh giá đạt chuẩn hoặc chưa đạt chuẩn để công nhận. Vì vậy, công tác thi tốt nghiệp THPT hàng năm đã trở thành một áp lực rất nặng nề với học sinh, gia đình học sinh, giáo viên và những nhà quản lý trong và ngoài ngành giáo dục.
Tạo ra cách nhìn và đánh giá phiếm diện của các nhà quản lý trong và ngoài giáo dục các cấp, luôn lấy kết quả đậu cao hay thấp để cho là quản lý tốt hoặc chưa tốt. Tuy nhiên, tỉ lệ học sinh lớp 12 đậu tốt nghiệp THPT hàng năm chỉ mới là một trong nhiều thông số để nói lên chất lượng giáo dục.
Có điều chỉ trong cậy vào điểm số một lần thi để quyết định cho học sinh đạt tốt nghiệp của ngành học phổ thông e là chưa hợp lý. Vì việc học tập của học sinh phổ thông là một quá trình thu nhận, rèn luyện và tích lũy kiến thức, kỹ năng khoa học . . . không ngừng trong một khoảng thời gian dài. Quá trình đó có vai trò rất quan trọng về chất lượng học tập của học sinh chứ không phải điểm một lần thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Vậy thì tại sao ta không xem kỳ thi tốt nghiệpTHPT  như kỳ kiểm tra học kỳ 3 sẽ nhẹ hơn không.(Chẳng hạn lấy kết quả lớp 12, điểm TB học kỳ 1 hệ số 1, điểm TB học kỳ 2 hệ số 2 và điểm thi tốt nghiệp hệ số 4 hoặc 5 gì đó . . . tạo ra kết quả điểm chung cuộc để đánh giá, như thế sẽ giảm đi căng thẳng và tốn kém rất nhiều).
Tuy nhiên, việc bỏ thi tốt nghiệp Tiểu học và Trung học cơ sở và việc tổ chức tuyển sinh đầu cấp cũng cần xem xét để giữ lấy một trong hai. Xem đó là những bước đánh dấu cho từng giai đoạn học tập ở ngành học phổ thông. Nhiều nước có nền giáo dục tiến tiến hiện nay trên thế giới họ vẫn tiếp tục giữ lấy kỳ thi Tiểu học và Trung học cơ sở. Nhưng các kỳ thi của họ thật đơn giản, không nặng nề, không tạo ra những áp lực đáng có như ở nước ta và vài nước xung quanh ta.
Riêng lãnh vực thi tốt nghiệp THPT có tỉ lệ đậu cao hay thấp thì cũng phụ thuộc vào nhiệu yếu tố. Ta có thể phân ra: yếu tố bên ngoài và bên trong, cơ bản như sau.
- Yếu tố bên ngoài chỉ mang tính trợ lực cho kết quả kỳ thi, không mang tính quyết định, như:
+ Mong muốn chỉ đạo và cách thức tổ chức kỳ thi của các cấp quản lý.
+ Xây dựng một kỳ thi thân thiện để giúp học sinh có một tâm lý yên tâm tập trung làm bài thật tốt theo khả năng của mình.
+ Các phương tiện, điều kiện  phục vụ cho người coi, chấm thi và thí sinh trong kỳ thi.
- Yếu tố bên trong mang tính quyết định đến tỉ lệ tốt nghiệp và chất lượng đánh giá thí sinh, như:
+ Người ra đề thi có bảo đảm nội dung đề đúng để đánh giá theo chuẩn hay không? Trong thực tế qua các năm bộ đề thi bao giờ cũng có những bất cập. So sánh bộ đề giữa các năm cũng thiếu sự bình đẳng nhau . . .(báo chí đăng tải nhiều).
+ Tầm nhìn của các nhà quản lý để chỉ đạo lâu dài và có hiệu quả. Như Giám đốc Sở GDĐT, Hiệu trưởng các trường THPT phải nắm vững thực trạng và có chiến lược lâu dài chứ không phải ứng phó từng năm, như tới hẹn lại lên. Dạy và học ở Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông như thế nào để bảo đảm học sinh lớp 12 có đủ lực, tự tin đi thi tốt nghiệp THPT  là đậu. 
+ Năng lực giảng dạy và tâm huyết của người thầy giáo. Tính hiếu học của học sinh. Dạy thật, học thật và thầy trò luôn tác động hỗ trợ nhau như một khối quyết tâm để tạo ra một chất lượng cao. Chỉ thầy giỏi, có tâm huyết mà trò không chịu học hoặc ngược lại trò quyết tâm học mà thầy thiếu năng lực, thiếu tâm huyết thì cũng không thể có hiệu quả.
“Trò muốn học giỏi thì phải có thầy hướng dẫn giỏi, thầy muốn có trò giỏi thì phải có những học trò cần cù chịu học”.
Dạy và học là một hoạt động tự giác của thầy và trò, không có nhà quản lý tài ba nào có thể quản lý đầy đủ xuyên suốt quá trình hoạt động của thầy và trò. Nhà quản lý thô bạo, độc đón trong giáo dục thường là người thất bại, làm hại giáo dục. Vậy, việc tác động của các nhà quản lý là hướng dẫn, giải thích, thuyết phục . . . làm thông tư tưởng cho người dạy và người học. Người trò phải biết hiếu học, tôn trọng thầy và biết lợi ích việc học tập của mình để ra sức học tập tốt nhất; người thầy phải hiểu rõ trách nhiệm của mình, phải yêu thương học sinh để cống hiến hết sức nhằm tạo ra một sản phẩm tốt nhất. Và qua hoạt động thật như thế sẽ tạo nên mối quan hệ tình thầy trò càng sâu đậm.
Không biết những suy nghĩ của bản thân tôi như thế có đúng không?