CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI HUỲNH RẠNG Blog (Lập ngày 21-10-2010)


THỜI GIAN SỐNG CỦA CON NGƯỜI KHÔNG DÀI; HÃY SỐNG NHƯ THẾ NÀO CHO ĐỜI NGƯỜI CÓ Ý NGHĨA .

Bạn hãy nghĩ về cuộc đời mình đã có ý nghĩa chưa? đã làm được gì cho gia đình, bạn bè và mọi người? Một việc dù nhỏ nhưng tạo ra hạnh phúc cho mình và người khác thì đã góp phần cho cuộc sống ta có ý nghĩa.

Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2011

Vài suy nghĩ về dạy, học và thi tốt nghiệp THPT

Hiện nay giáo dục chúng ta còn nặng về khoa cử. Học 12 năm ở phổ thông nhưng chỉ qua một kỳ thi với 6 môn mà đánh giá đạt chuẩn hoặc chưa đạt chuẩn để công nhận. Vì vậy, công tác thi tốt nghiệp THPT hàng năm đã trở thành một áp lực rất nặng nề với học sinh, gia đình học sinh, giáo viên và những nhà quản lý trong và ngoài ngành giáo dục.
Tạo ra cách nhìn và đánh giá phiếm diện của các nhà quản lý trong và ngoài giáo dục các cấp, luôn lấy kết quả đậu cao hay thấp để cho là quản lý tốt hoặc chưa tốt. Tuy nhiên, tỉ lệ học sinh lớp 12 đậu tốt nghiệp THPT hàng năm chỉ mới là một trong nhiều thông số để nói lên chất lượng giáo dục.
Có điều chỉ trong cậy vào điểm số một lần thi để quyết định cho học sinh đạt tốt nghiệp của ngành học phổ thông e là chưa hợp lý. Vì việc học tập của học sinh phổ thông là một quá trình thu nhận, rèn luyện và tích lũy kiến thức, kỹ năng khoa học . . . không ngừng trong một khoảng thời gian dài. Quá trình đó có vai trò rất quan trọng về chất lượng học tập của học sinh chứ không phải điểm một lần thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Vậy thì tại sao ta không xem kỳ thi tốt nghiệpTHPT  như kỳ kiểm tra học kỳ 3 sẽ nhẹ hơn không.(Chẳng hạn lấy kết quả lớp 12, điểm TB học kỳ 1 hệ số 1, điểm TB học kỳ 2 hệ số 2 và điểm thi tốt nghiệp hệ số 4 hoặc 5 gì đó . . . tạo ra kết quả điểm chung cuộc để đánh giá, như thế sẽ giảm đi căng thẳng và tốn kém rất nhiều).
Tuy nhiên, việc bỏ thi tốt nghiệp Tiểu học và Trung học cơ sở và việc tổ chức tuyển sinh đầu cấp cũng cần xem xét để giữ lấy một trong hai. Xem đó là những bước đánh dấu cho từng giai đoạn học tập ở ngành học phổ thông. Nhiều nước có nền giáo dục tiến tiến hiện nay trên thế giới họ vẫn tiếp tục giữ lấy kỳ thi Tiểu học và Trung học cơ sở. Nhưng các kỳ thi của họ thật đơn giản, không nặng nề, không tạo ra những áp lực đáng có như ở nước ta và vài nước xung quanh ta.
Riêng lãnh vực thi tốt nghiệp THPT có tỉ lệ đậu cao hay thấp thì cũng phụ thuộc vào nhiệu yếu tố. Ta có thể phân ra: yếu tố bên ngoài và bên trong, cơ bản như sau.
- Yếu tố bên ngoài chỉ mang tính trợ lực cho kết quả kỳ thi, không mang tính quyết định, như:
+ Mong muốn chỉ đạo và cách thức tổ chức kỳ thi của các cấp quản lý.
+ Xây dựng một kỳ thi thân thiện để giúp học sinh có một tâm lý yên tâm tập trung làm bài thật tốt theo khả năng của mình.
+ Các phương tiện, điều kiện  phục vụ cho người coi, chấm thi và thí sinh trong kỳ thi.
- Yếu tố bên trong mang tính quyết định đến tỉ lệ tốt nghiệp và chất lượng đánh giá thí sinh, như:
+ Người ra đề thi có bảo đảm nội dung đề đúng để đánh giá theo chuẩn hay không? Trong thực tế qua các năm bộ đề thi bao giờ cũng có những bất cập. So sánh bộ đề giữa các năm cũng thiếu sự bình đẳng nhau . . .(báo chí đăng tải nhiều).
+ Tầm nhìn của các nhà quản lý để chỉ đạo lâu dài và có hiệu quả. Như Giám đốc Sở GDĐT, Hiệu trưởng các trường THPT phải nắm vững thực trạng và có chiến lược lâu dài chứ không phải ứng phó từng năm, như tới hẹn lại lên. Dạy và học ở Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông như thế nào để bảo đảm học sinh lớp 12 có đủ lực, tự tin đi thi tốt nghiệp THPT  là đậu. 
+ Năng lực giảng dạy và tâm huyết của người thầy giáo. Tính hiếu học của học sinh. Dạy thật, học thật và thầy trò luôn tác động hỗ trợ nhau như một khối quyết tâm để tạo ra một chất lượng cao. Chỉ thầy giỏi, có tâm huyết mà trò không chịu học hoặc ngược lại trò quyết tâm học mà thầy thiếu năng lực, thiếu tâm huyết thì cũng không thể có hiệu quả.
“Trò muốn học giỏi thì phải có thầy hướng dẫn giỏi, thầy muốn có trò giỏi thì phải có những học trò cần cù chịu học”.
Dạy và học là một hoạt động tự giác của thầy và trò, không có nhà quản lý tài ba nào có thể quản lý đầy đủ xuyên suốt quá trình hoạt động của thầy và trò. Nhà quản lý thô bạo, độc đón trong giáo dục thường là người thất bại, làm hại giáo dục. Vậy, việc tác động của các nhà quản lý là hướng dẫn, giải thích, thuyết phục . . . làm thông tư tưởng cho người dạy và người học. Người trò phải biết hiếu học, tôn trọng thầy và biết lợi ích việc học tập của mình để ra sức học tập tốt nhất; người thầy phải hiểu rõ trách nhiệm của mình, phải yêu thương học sinh để cống hiến hết sức nhằm tạo ra một sản phẩm tốt nhất. Và qua hoạt động thật như thế sẽ tạo nên mối quan hệ tình thầy trò càng sâu đậm.
Không biết những suy nghĩ của bản thân tôi như thế có đúng không?

Thứ Tư, 25 tháng 5, 2011

Một số vấn đề về giáo dục phổ thông

Kết quả đề tài “Xây dựng luận cứ khoa học cho việc đề xuất chủ trương, chính sách phát triển giáo dục phục vụ sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu và đầy đủ”.
- Ngoài mục tiêu chung của giáo dục phổ thông và của các cấp học đã được nêu trong Luật giáo dục và được nhắc lại trong bộ chương trình giáo dục phổ thông năm 2006, thì không có một quy định chung nào về mục tiêu giáo dục của nhà trường phổ thông ở nước ta. Điều lệ nhà trường, một văn bản pháp lý hết sức quan trọng cũng không nêu rõ mục tiêu giáo dục.
- Mục đích toàn bộ hoạt động của nhà trường được thể hiện qua kết quả của việc thực hiện kế hoạch năm học hàng năm, kế hoạch này được xây dựng căn cứ vào các định hướng chỉ đạo của cơ quan quản lý giáo dục và tình hình cụ thể của nhà trường trong khuôn khổ các văn bản. Mức độ đạt được mục tiêu thường được chứng minh qua kết quả của sự việc cụ thể, và đặc biệt là qua các con số liên quan tới các chỉ tiêu như tỷ lệ lên lớp, kết quả phân loại hạnh kiểm, số học sinh khá, giỏi, tỷ lệ chuyển cấp, tốt nghiệp, số giải đạt được qua các kỳ thi học sinh giỏi, tỷ lệ học sinh vào đại học, cùng những con số khác có liên quan tới các phong trào, các đợt thi đua.
- Những thành tích này đã chứng tỏ được nỗ lực đáng ghi nhận của mọi thành viên nhà trường trong các hoạt động của mình, nhưng lại khó có thể từ đó phân tích mức độ đạt được đối với mục tiêu phát triển nhân cách và chuẩn bị nguồn nhân lực qua mỗi giai đoạn cụ thể của nhà trường, đặc biệt là sự biến chuyển theo hướng tích cực của người học, chẳng hạn như về phẩm chất đạo đức, từ nhận thức cho đến cách thể hiện qua hành vi ứng xử của bản thân, mức độ phát triển các phẩm chất cần thiết của tư duy như linh hoạt, độc lập và sáng tạo, sự thành thạo các kỹ năng cơ bản, cần thiết cho cuộc sống, các hiểu biết và định hướng nghề nghiệp trong tương lai... Thực tế này đặt ra một vấn đề là làm thế nào để nhà trường có một mục tiêu cụ thể của chính nó để hướng tới và đánh giá được.
- Một số hạn chế lớn của chương trình và SGK phổ thông hiện hành bao gồm: còn thể hiện tính "hàn lâm", rõ nhất là chương trình và SGK cấp THPT, vẫn còn thiên về lý thuyết; phần ứng dụng, đặc biệt là ứng dụng vào thực tiễn vẫn còn mờ nhạt. Chương trình và SGK cũng là một trong các nguyên nhân gây tình trạng "quá tải" đối với một số vùng miền, một số đối tượng học sinh.
- Tính liên môn chưa được quán triệt một cách đầy đủ, đặc biệt là trong SGK. Cách tổ chức phát triển các mạch kiến thức vốn mang tính chỉnh thể, xuyên suốt các chủ đề, các lớp, các cấp cũng phải được xem xét lại về tính hợp lý trong cấu trúc nội dung học.
Ngoài ra, SGK cũng còn một số sai sót, chưa đạt được độ chính xác cần thiết (phù hợp với trình độ học sinh các cấp), những lỗi về diễn đạt, về cấu trúc của một số bài.
- Quá trình xây dựng và triển khai chương trình, SGK nước ta có một số tiến bộ rõ rệt từ nhận thức lý luận cho đến quy trình và kỹ thuật thực hiện. Tuy nhiên, chương trình cơ bản vẫn là chương trình được xây dựng cho một nhà trường phổ thông truyền thông thuộc một nền giáo dục chưa thoát ra khỏi khuôn khổ của giáo dục "ứng thí". Cách tiếp cận khi xây dựng chương trình chủ yếu vẫn là cách tiếp cận theo nội dung với các quan niệm cổ điển về môn học, vì vậy những hạn chế vẫn được lặp đi lặp lại hết lần này đến lần khác.        
Vấn đề thiết yếu nhất trong quá trình xây dựng chương trình giáo dục phổ thông là xác định được mô hình phát triển toàn diện của nhân cách trong giai đoạn từ 6 đến 18 tuổi, gắn bó chặt chẽ với việc chuẩn bị tư cách công dân và là thành phần của nguồn nhân lực trong tương lai.
Thành phần chủ yếu của mô hình đó là các phẩm chất và năng lực cần thiết, đáp ứng được đòi hỏi của xã hội, cũng như nhu cầu phát triển tự thân của con người và thể hiện trong mục tiêu giáo dục, đây cũng được gọi là “đầu ra" của sản phẩm đào tạo của nhà trường phổ thông.
Việc chọn lựa và truyền thụ nội dung học tập ở nhà trường phải căn cứ vào những "đầu ra" này mà tiến hành. Chương trình và SGK phổ thông nước ta trong thời gian qua đã không thực hiện theo đúng tinh thần này.

Dòng Sữa Mẹ Nhiệm Mầu

Không có loại sữa bột nào có thể so sánh với sữa  mẹ cả. Người ta đã bỏ ra rất là nhiều tiền bạc để làm sao cho sữa  bột giống như sữa mẹ nhưng không thể nào giống được. Sữa mẹ được cấu tạo tuỳ theo sự cần thiết của đứa  bé.
Một điều kỳ diệu là  khi trẻ bắt đầu ngậm vú mẹ  thì cũng là lúc giòng sữa tự sản sinh lập tức những sinh tố và những dưỡng chất để truyền  sang cơ thể con. Khi em bé bắt đầu mút vào đầu vú thì những dây thần kinh quanh đầu vú mẹ bị kích thích khiến cho óc mẹ tiết ra hai chất hormones, một cái là Prolactin  và cái thứ hai là Oxytoxin. Sữa chỉ được tạo ra khi nào em bé bắt đầu mút vào bầu vú của mẹ.
Khi cho con bú hầu như người mẹ nào cũng có cảm giác hân hoan và hạnh phúc. Ít ai hiểu đó là nhờ tác dụng của chất Prolactin tiết ra trong óc người mẹ.  Bởi vậy cho nên bất cứ người mẹ nào cho con bú là tự nhiên có cảm giác yêu thương che chở, cảm giác rất nhẹ nhàng sảng khoái. Chính đứa con cũng nhận được những chất đó nên cũng cảm thấy an toàn và được che chở. Một điều kỳ diệu là dù mẹ bị suy dinh dưỡng bao nhiêu chăng nữa thì sữa vẫn tạo ra thỏa mãn nhu cầu của bé.
Khoa học từng nhiều lần chứng minh lợi điểm của việc nuôi con bằng sữa mẹ là tránh được chứng ung thư vú và những bệnh khác  như ung thư cổ tử cung chẳng hạn. Cho con bú thì tử cung của sản phụ cũng sẽ co lại nhanh hơn, người mẹ xuống cân cũng nhanh hơn.
Cho con bú có rất nhiều lợi ích,  nó làm cho mẹ thoải mái yêu thương con hơn, mà ngay cả sự phát triển sự lành mạnh của bé cũng được nhiều hơn . Không có loại sữa bột nào bổ và đầy đủ các chất dinh dưỡng như là sữa mẹ.
Nếu so với sữa bò, sữa mẹ ưu việt hơn nhiều. Sữa mẹ cho năng lượng cao hơn sữa bò. Sữa bò có lượng protein cao gấp 3 lần sữa mẹ, do đó không thích hợp cho trẻ, nhất là trẻ sơ sinh không tiêu hóa được. Chất đường trong sữa mẹ có nhiều lactose gấp 2 lần sữa bò, cần thiết cho sự phát triển của thần kinh và giúp các vi khuẩn có ích trong đường ruột phát triển. . .
Sữa mẹ bao giờ cũng là nguồn thực phẩm quý giá nhất đối với trẻ em. Bú sữa mẹ, bên cạnh nguồn dinh dưỡng quý giá, trí tuệ và thể chất của bé cũng sẽ phát triển tốt hơn khi trẻ đươc hưởng sự ôm ấp yêu thương của mẹ. 
Không ai có thể chối cãi một điều “Sữa mẹ là một lựa chọn tốt nhất cho sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ”. Thế nhưng, việc nhận ra những ích lợi từ nguồn sữa mẹ là một điều không phải ai cũng có thể hiểu rõ.
Trong một xã hội gọi là “Thời đại tân tiến nhiều bà mẹ quên thiên chức đáng qúi này.  Trong xã hội Việt Nam của chúng ta cũng bắt đầu xuất hiện những bà mẹ không muốn thực hiện thiên chức làm mẹ của mình. Đây là điều đang lo ngại về sức khỏe mẹ con và tình mẫu tử trong gia đình tuyền thống Việt.