CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI HUỲNH RẠNG Blog (Lập ngày 21-10-2010)


THỜI GIAN SỐNG CỦA CON NGƯỜI KHÔNG DÀI; HÃY SỐNG NHƯ THẾ NÀO CHO ĐỜI NGƯỜI CÓ Ý NGHĨA .

Bạn hãy nghĩ về cuộc đời mình đã có ý nghĩa chưa? đã làm được gì cho gia đình, bạn bè và mọi người? Một việc dù nhỏ nhưng tạo ra hạnh phúc cho mình và người khác thì đã góp phần cho cuộc sống ta có ý nghĩa.

Thứ Bảy, 18 tháng 1, 2014

Ngựa đón tết Giáp Ngọ (2014)

MỪNG NĂM MỚI
(HAPPY NEW YEAR)
Giáp Ngọ ( ) là kết hợp thứ 31 trong hệ thống đánh số Can Chi của người Á Đông. Nó được kết hợp từ thiên can Giáp(Mộc dương) và địa chi Ngọ (ngựa). Nó xuất hiện trước Ất Mùi và sau Quý Tỵ.
Có 10 Can, gọi là Thập Thiên Can, gồm: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý. Và có 12 Chi, gọi là Thập Nhị Địa Chi, gồm: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. Đủ một chu kỳ theo Can và Chi là 60 năm. Ví dụ: Năm 2014 là năm Giáp Ngọ, năm 2074 cũng sẽ là năm Giáp Ngọ.
5 yếu tố là cấu tạo cụ thể, với các tính chất cụ thể:

KIM: kim loại, cứng rắn, lạnh, cương mãnh, bền chắc.
MỘC: gỗ, cây, sống, tăng trưởng, dẻo dai, chịu đựng.
THỦY: nước, mềm mại, nhu thuận, sâu hiểm.
HỎA: lửa, nóng, sáng, linh hoạt, sáng tạo.
THỔ: đất, đầy đặn, chịu đựng, nguồn của sinh sôi.
Nhưng rồi chúng được triết lý hóa, trở thành Ngũ Hành – 5 nguyên lý cơ bản của vật chất, gắn kết với mọi trạng thái triết lý từ vật chất đến tinh thần.

Hành Kim: màu Trắng phương Tây mùa thu Mũi, Phổi (Phế).
Hành Mộc: màu Xanh phương Đông mùa xuân Mắt, Gan (Can).
Hành Thủy: màu Đen phương Bắc mùa đông Tai, Thận.
Hành Hỏa: màu Đỏ phương Nam mùa hạ Lưỡi, Tim (Tâm).
Hành Thổ: màu Vàng phương Trung ương (không) Miệng, Tỳ.

Việc gắn phương hướng với các mùa và với Ngũ hành liên quan nhiều đến Thiên Văn. Người Trung hoa nhận thấy vào mùa Xuân thì đuôi của chòm sao Bắc Đẩu chỉ về phía Đông, mùa Thu chỉ về phía Tây, nên tương ứng mùa và phương. Như vậy chòm Bắc Đẩu thất tinh không phải chỉ là xác định phía Bắc, mà còn là sao chỉ phương và mùa trong văn hóa Trung Hoa.


Hai quy luật tương tác biến dịch quan trọng là tương sinh và tương khắc trở thành nền tư duy cho nhiều học thuyết (tuy nhiên sẽ không xét kỹ ở đây, mà chỉ đi vào khía cạnh Thiên văn).

Tương Sinh: Mộc sinh Hỏa - Hỏa sinh Thổ - Thổ sinh Kim - Kim sinh Thủy - Thủy sinh Mộc.
Tương Khắc: Mộc khắc Thổ - Thổ khắc Thủy - Thủy khắc Hỏa - Hỏa khắc Kim - Kim khắc Mộc.

Về sau tư tưởng Ngũ hành được gán cho rất nhiều ý nghĩa, đi rất xa với tư tưởng gốc ban đầu. Cứ bộ 5 nào cũng thành Ngũ hành hết, chẳng hạn lý thuyết: Cái sinh Ta, cái Khắc Ta, cái Ta sinh, cái Ta khắc,…

Dựa trên tư tưởng Ngũ hành, năm sắc độ sáng của các ngôi sao được phân chia (từ nguội đến nóng) là Đen – Đỏ - Vàng – Trắng – Xanh. Trên thực tế, các ngôi sao có màu sắc gần đúng như cách phân chia này:
Các nhà làm lịch đã dùng 3 hành tinh là Hỏa, Mộc, Thổ làm chuẩn, bội số chung nhỏ nhất là 60, hay phải sau khoảng 60 năm, các hành tinh trên mới có được vị trí (tương đối với nhau) gần giống như cũ. Sao Hỏa sau 1 năm lại chuyển sang vị trí đối diện, rồi 1 năm sau lại về vị trí cũ, trở thành sao làm chuẩn cho chu kỳ 1 năm Âm, 1 năm Dương. Sao Mộc có chu kỳ 12 năm được lấy làm chuẩn để tính năm, nên gọi là Tuế Tinh. Sao Thổ lâu nhất, gọi là Thiên Can.

VÀ CHUYỆN NGỰA

Có nhiều loại ngựa, dù theo nghĩa đen hoặc nghĩa bóng: Ngựa trắng (Bạch mã), Ngựa đen (Ngựa ô), Ngựa vằn, Ngựa hoang, Ngựa sắt, Ngựa giấy, Ngựa chứng, Ngựa bất kham,…

1. NGỰA SẮT. Thánh Gióng, tức là Phù Đổng Thiên Vương (
   ) hoặc Xung Thiên Thần Vương (   ), là một trong bốn vị thánh bất tử trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, gọi là Tứ Bất Tử. Thánh Gióng có công dẹp giặc Ân, đem lại thái bình cho đất nước.

Truyền thuyết kể: Ông sinh ra tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội, thời Hùng Vương thứ 6. Ông là “người trời” đầu thai làm đứa trẻ đã lên ba mà không biết nói cười, đi đứng. Nhưng khi có giặc tràn xuống thì “người trời” cất tiếng gọi mẹ nhờ ra gọi sứ giả của nhà vua, rồi bỗng chốc vươn vai thành một thanh niên cường tráng cưỡi NGỰA SẮT đi đánh giặc. Sau khi đánh tan giặc Ân, ông bay thẳng về trời. Nơi đó chính là núi Sóc – thuộc huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

Sử sách ghi: “... Diệt quốc cừu, điện quốc cơ, trùng tiêu quốc xí, đương ư sóc phong liệt tướng, thành sở vị: giang nam nhất nhân, giang bắc nhất nhân”. Dịch nghĩa: “... Diệt giặc nước, xây móng nền, dựng cờ tổ quốc, cùng trang liệt tiếng Sóc Sơn, thành truyền thuyết: phía Nam sông Tướng giỏi, phía Bắc sông Người tài” (tức là phía Nam sông Cầu có tướng giỏi là Thánh Gióng, phía Bắc sông Cầu có người tài là Hùng Linh Công).

Theo truyện kể của học giả Nguyễn Đổng Chi, vào thời Hùng Vương có một người đàn bà đã nhiều tuổi nhưng sống một thân một mình. Một hôm sáng dậy bà đi thăm nương, bỗng nhìn thấy một vết chân giẫm nát cả mấy luống cà. Bà kinh ngạc kêu lên: “Ôi, bàn chân ai mà to thế này!”.

Bỗng bà cảm thấy rùng mình khi đưa bàn chân ướm thử vào dấu chân lạ. Từ đó bà có mang. Đủ ngày tháng, bà sinh được một đứa con trai bụ bẫm đặt tên là Gióng. Nhưng thằng bé lên ba tuổi rồi mà vẫn nằm ngửa đòi ăn, không biết ngồi biết lẫy, cũng không biết nói biết cười gì cả.

Ngày ấy có giặc Ân kéo vào cướp nước ta. Giặc Ân rất hung hăng tàn ác, cầm đầu là một viên tướng tên gọi Ân vương, hình dung cổ quái dữ tợn. Chúng nó đi đến đâu là đốt phá nhà cửa, giết người cướp của đến đấy. Quân đội Hùng Vương nhiều phen xuất trận, nhưng đánh không nổi. Vua Hùng lấy làm lo lắng vội phái sứ giả đi khắp nơi trong nước tìm bậc tướng tài để giúp vua cứu nước.

Một hôm sứ giả đi đến làng chú bé Gióng. Nghe tiếng loa rao nói đến việc nhà vua cầu người tài, bà mẹ Gióng đang ru con, liền bảo đùa con: “Con ơi! Con của mẹ chậm đi chậm nói làm vậy, thì biết bao giờ mới đi đánh giặc giúp vua được đây!”. Không ngờ Gióng nhìn mẹ mở miệng bật lên thành tiếng: “Mẹ cho gọi sứ giả vào đây cho con!”.





Nói xong lại im bặt. Bà mẹ vừa mừng vừa sợ, vội đi kể chuyện với xóm giềng. Mọi người đổ tới, ai nấy cho là một sự lạ. Sau cùng, một người nói: “Ta cứ đi mời sứ giả đến xem thử nó muốn cái gì”.

Khi sứ giả của nhà vua bước vào nhà nhìn thấy chú bé Gióng thì hỏi: “Mày là đứa trẻ lên ba mới học nói, mày định mời ta đến để làm gì?”. Gióng trả lời rất chững chạc: “Về bảo với vua rèn cho ta một con ngựa sắt, một thanh gươm sắt, một giáp sắt và một nón sắt, ta sẽ đánh đuổi giặc dữ cho!”.

Ai nấy đứng nghe khôn xiết lạ lùng. Cho là thần nhân xuất hiện, sứ giả lập tức phi ngựa về tâu vua. Nghe nói, Hùng Vương mừng rỡ liền ra lệnh cho thợ rèn góp tất cả sắt lại rèn ngựa, gươm, áo giáp và nón như lời xin của chú bé. Mọi thứ rèn xong nặng không thể tưởng tượng nổi. Hàng chục người mó vào thanh gươm mà không nhúc nhích. Vua Hùng phải cho hàng ngàn quân sĩ tìm mọi cách chở đến cho chú bé Gióng.

Khi được tin quân sĩ khiêng ngựa sắt sắp đến làng, mẹ Gióng sợ hãi chạy về bảo con: “Con ơi! Việc nhà vua đâu phải là chuyện chơi. Hiện quân sĩ đang kéo đến ầm ầm ngoài bãi, biết làm thế nào bây giờ?”. Nghe nói thế, Gióng vụt ngồi dậy, nói to: “Việc đánh giặc thì mẹ đừng lo. Nhưng mẹ phải cho con ăn thật nhiều mới được!”.

Mẹ vội thổi cơm cho con ăn, nhưng nấu lên được nồi nào Gióng ngốn hết ngay nồi ấy. Mỗi lần ăn một nồi cơm thì Gióng lại lớn thêm một ít và đòi ăn thêm. Mẹ càng cho con ăn thì con lại càng lớn như thổi, bỗng chốc đã thành một chàng thanh niên khỏe mạnh. Hết gạo, bà mẹ đi kêu gọi xóm làng. Mọi người nô nức đem gạo khoai, trâu rượu, hoa quả, bánh trái đến đầy một sân. Nhưng đưa đến bao nhiêu, Gióng ăn hết bấy nhiêu mà vẫn đòi ăn không nghỉ. Sau đó, Gióng lại bảo: “Mẹ kiếm vải cho con mặc”.

Người ta lại đua nhau mang vải lụa tới may áo quần cho Gióng mặc. Nhưng thân thể Gióng lớn vượt một cách kỳ lạ, áo quần vừa may xong đã thấy chật, thấy ngắn, lại phải mang vải lụa tới để chắp nối thêm. Không mấy chốc đầu Gióng đã chạm nóc nhà. Ai nấy chưa hết kinh ngạc thì vừa lúc quân sĩ đã hì hục khiêng được ngựa, gươm, áo giáp và nón sắt tới. Gióng bước ra khỏi nhà vươn vai một cái, người bỗng cao to sừng sững, chân dài hơn trượng, hét lên một tiếng như tiếng sấm: “Ta là tướng nhà Trời!”.

Thế rồi Gióng mặc giáp sắt, đội nón sắt, tay cầm gươm múa quanh mấy vòng, từ biệt mẹ và dân làng, rồi nhảy lên lưng NGỰA SẮT. Ngựa sắt chồm lên, phun thẳng ra trước một luồng lửa đỏ rực. Gióng thúc chân, ngựa phi như bay, sải từng bước dài hàng chục con sào, rung chuyển cả trời đất. Chỉ trong chớp mắt, ngựa đã xông đến đồn trại giặc bấy giờ đang đóng la liệt cả mấy khu rừng. Lưỡi gươm của Gióng vung lên loang loáng như chớp giật. Quân giặc xông ra chừng nào chết chừng ấy. Ngựa thét ra lửa thiêu cháy từng dãy đồn trại, lửa thiêu luôn cả mấy khu rừng. Khói bụi mịt mù, tiếng la hét kêu khóc như ri.

Nhưng tướng giặc Ân vương vẫn cố gào thét hô quân xáp tới, Gióng càng đánh càng khỏe, thây giặc nằm ngổn ngang đầy rừng. Bỗng chốc gươm gãy. Không bối rối, Gióng thuận tay nhổ những bụi tre hai bên đường quật tới tấp vào các toán giặc đang cố gắng trụ lại theo lệnh chủ tướng. Chẳng mấy chốc quân giặc đã tẩu tán khắp nơi, Ân vương bị quật chết tan xác. Bọn tàn binh giặc lạy lục xin hàng. Quân đội của Hùng Vương cũng như dân các làng chỉ còn việc xông ra trói nghiến chúng lại. Không đầy một buổi, Gióng đã trừ xong nạn nước. Lúc bấy giờ ngựa Gióng đã tiến đến chân núi Sóc Sơn. Đến đây, Gióng bèn cởi giáp bỏ nón lại, rồi cả người lẫn ngựa bay thẳng lên trời...

Sau đó, để nhớ ơn người anh hùng, vua Hùng sai lập đền thờ ở làng quê, phong làm Phù Đổng Thiên Vương, tường gọi là Thánh Gióng.

Ngày nay chúng ta còn thấy dấu vết những dãy ao tròn nối nhau kéo dài suốt từ Kim Anh, Đa Phúc cho đến Sóc Sơn, người ta bảo đó là những vết chân ngựa của Thánh Gióng. Khu rừng bị ngựa sắt phun lửa thiêu cháy nay còn mang cái tên là làng Cháy. Những cây tre mà Gióng nhổ quật vào giặc bị lửa đốt màu xanh ngả thành màu vàng và có những vết cháy lốm đốm, ngày nay giống ấy vẫn còn, người ta gọi là tre ngà (đằng ngà).

2. NGỰA TRẮNG. Đó là Bạch Long Mã của Đường Tam Tạng (Trần Huyền Trang). Bạch Long Mã vốn là “rồng trắng hóa thành ngựa”. Đường Tam Tạng là vị sư chân tu phụng mệnh Quan Âm Bồ Tát và Đường Thái Tông đi từ Ấn Độ đến Thiên Trúc thỉnh bộ Đại Thừa Phật Pháp Tam Tạng chân kinh về Đại Đường để phổ độ chúng sinh.

Truyện này của tác giả Ngô Thừa Ân, đã được dựng thành bộ phim nhiều tập “Tây Du Ký”. Cùng đi với Tam Tạng có Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Sa Ngộ Tịnh và Bạch Long Mã (một hoàng tử của Long Vương).

3. NGỰA XÍCH THỐ. Đó là một con ngựa nổi tiếng trong Tam Quốc Chí. Ngựa Xích Thố ban đầu của Đổng Trác, sau đó Đổng Trác tặng lại cho Lã Bố.

Con ngựa này dài một trượng, cao tám thước, màu đỏ rực như lửa, tuyệt không có một sợi lông tạp, ngày đi ngàn dặm, trèo non vượt suối dễ dàng.

Lúc Lã Bố chết, nó được Tào Tháo cho người chăm sóc, sau trao lại cho Quan Công (Quan Vũ). Quan Vũ cưỡi ngựa Xích Thố qua năm cửa ải chém sáu tướng. Khi Quan Công mất thì nó cũng mất theo ông, người đời có một bài thơ để lại như sau:

Ngàn dặm mù bay tịt nẻo xa
Trèo non vượt nước khéo xông pha
Chặt đứt dây cương rung chuông ngọc
Rồng đỏ trên trời hẳn mới sa

Trong truyện Tam Quốc Chí cũng có 2 câu đối nhắc tới Ngựa Xích Thố: “Xích bỉnh diện xích tâm, kỵ Xích Thố truy phong, trì khu thời vô vong Xích Đế Thanh đăng quan thanh sử, trượng thanh long yển nguyệt, ẩn vi sứ bất quý thanh thiên”. Bản dịch của Phan Kế Bính: “Bộ mặt đỏ giữ tấm lòng đỏ, cưỡi ngựa Xích Thố truy phong, lúc ruổi rong không quên nhớ Vua Đỏ, Ngọn đèn xanh xem bộ sử xanh, cầm Thanh long đao yển nguyệt, nơi kín đáo chẳng thẹn với trời xanh”.


    Ngựa Xích Thố được xem như một trong những Thần Mã của lịch sử Trung Quốc, những thần mã quý khác như Ngựa Đích Lư (Đích Lô) của Lưu Bị, Ngựa Tuyệt Ảnh của Chu Mục Vương, Ngựa Bạch Long của Triệu Vân,… đều có nguồn gốc khác nhau.

Khi Tào Tháo tặng Ngựa Xích Thố cho Quan Vũ, Quan Vũ nhận ngựa xong liền phục lạy tạ ơn. Tào Tháo đã phải ngạc nhiên nói: “Ta đã bao phen trao tặng nào là mỹ nữ, nào là vàng bạc, nào là gấm vóc, sao chẳng thấy Vân Trường vui, nay cho con ngựa này mà Vân Trường lại tạ ơn hậu như vậy?”.

Nếu Ngựa Xích Thố nổi danh có nghĩa với chủ, thì cũng trong Tam Quốc Chí, Ngựa Đích Lư lại nổi danh uy dũng không thể chê được.

4. NGỰA ĐÍCH LƯ. Khi Lưu Huyền Đức thất thế, đến Kinh Châu nương nhờ anh họ là Lưu Biểu, có dắt theo ngựa Đích Lư. Thấy Lưu Biểu có ý thích ngựa, Huyền Đức đem tặng ngay. Lưu Biểu cảm kích nhận ngựa, nhưng hôm sau lại đem trả cho Huyền Đức, vì nghe một người giỏi xem tướng ngựa bảo: “Con Đích Lư dưới mắt có chỗ trũng, cạnh trán lại có điểm trắng, vậy là con vật hại chủ”.

Hôm sau, Huyền Đức từ biệt Lưu Biểu, vừa ra khỏi thành thì gặp và nghe Y Tịch nói: “Nghe nói Lưu Biểu trả lại ông ngựa này vì cưỡi thì hại chủ. Vậy ông còn cưỡi làm gì?”. Huyền Đức đáp: “Người ta sống chết có mệnh, con ngựa hại thế nào được!”. Một hôm, Sái Mạo (em vợ sau của Lưu Biểu) rắp tâm hãm hại Huyền Đức vì Huyền Đức đã dám can ngăn Lưu Biểu đừng bỏ trưởng lập thứ. Người con thứ của Lưu Biểu lại là cháu gọi Sái Mạo bằng cậu.

Huyền Đức hay tin liền phóng lên Ngựa Đích Lư bỏ trốn. Khi đi đến Suối Đàn Khê, rộng độ vài trượng, nước chảy xiết, Huyền Đức gò ngựa trở lại. Nhưng thấy quân của Sái Mạo đã đến, không còn cách nào hơn, Huyền Đức lại quất ngựa xuống suối. Đi được vài bước, ngựa ngã quỵ hai chân trước, làm ướt hết cả áo bào. Huyền Đức vung roi hô lớn: “Đích Lư! Đích Lư! Nay mi hại ta rồi!”. Nói vừa dứt lời, Huyền Đức bỗng thấy Đích Lư rướn mình nhảy vọt cao ba trượng sang tới bờ bên kia. Trên cả tuyệt vời!

Sái Mạo nhìn thấy cảnh đó, quay lui bảo với tả hữu: “Người ấy có Thần nào giúp vậy? Thật là một con ngựa uy dũng!”. Chuyện đời có nhiều điều bất ngờ mà đâu ai biết được!

VĨ NGÔN - NGỰA cũng có nhiều “phong cách” khiến chúng ta phải học hỏi để rút kinh nghiệm. Mong sao trong suốt cuộc đời, nhất là trong Giáp Ngọ này, mỗi chúng ta đều là Ngựa Quý, Ngựa Hiếm, Ngựa Tốt, Ngựa Trung Thành, Ngựa Uy Dũng.

 "Mã đáo thành công"
     Ngựa về bình an đến;
     Công danh, phú qúy lũ lượt về.
          Chúc các bạn một năm luôn vui khỏe, hạnh phúc và thành công trong mọi công việc.