CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI HUỲNH RẠNG Blog (Lập ngày 21-10-2010)


THỜI GIAN SỐNG CỦA CON NGƯỜI KHÔNG DÀI; HÃY SỐNG NHƯ THẾ NÀO CHO ĐỜI NGƯỜI CÓ Ý NGHĨA .

Bạn hãy nghĩ về cuộc đời mình đã có ý nghĩa chưa? đã làm được gì cho gia đình, bạn bè và mọi người? Một việc dù nhỏ nhưng tạo ra hạnh phúc cho mình và người khác thì đã góp phần cho cuộc sống ta có ý nghĩa.

Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2011

Văn - Võ và triết lý âm dương

      Khi nói đến Văn nhiều người nghĩ đến triết lí Âm Dương. Triết lí đó luôn đúng khi nó dựa trên cơ sở quy luật, những nguyên lý của Vũ Trụ. Có thể người phương Đông cổ đại đã nhận ra từ trực quan quy luật ngày - đêm, sáng - tối, nóng - lạnh… hay đi đến xếp loại như mái - trống… là nguyên lý tồn tại của vạn vật, để phát triển thành hệ triết lí Âm Dương, mà đến ngày nay, thời hiện đại, chúng ta không thể phủ nhận. (Bởi nguyên lí của Trái Đất trong Thái Dương hệ chúng ta đang sống: quay xung quanh Mặt Trời tạo nên bốn mùa, năm, và trong lúc quay xung quanh Mặt Trời thì tự quay xung quanh trục của mình tạo nên ngày đêm – đó là quy luật. Hơn nữa khoa học hiện đại nhận thấy Vũ Trụ là một trường điện từ; từ trường Trái Đất theo hướng Bắc – Nam; Cả không gian và thời gian cũng như vạn vật đều phân cực,…).
      Trong hệ triết lí Âm Dương, người phương Đông đã khái quát thành các quy luật bao gồm: Âm Dương đối lập, Âm Dương là gốc của nhau (trong Âm có Dương và trong Dương có Âm); Âm tiêu Dương trưởng và ngược lại; Âm Dương chuyển hóa (biến dịch); và Âm Dương giao hòa (cân bằng động). Vì Âm Dương là nguyên lý tồn tại của vạn vật nên khi áp dụng vào đời sống con người, các quy luật cơ bản của Âm – Dương tạo ra triết lý quân bình trong cuộc sống. Điều đó có nghĩa là, mọi sự vật từ tự nhiên đến xã hội, để tồn tại mà không biến thành cái khác thì phải cân bằng Âm Dương.
       Do đó, mỗi con người cần duy trì trạng thái cân bằng Âm Dương trên cả hai phương diện: thể chất và tinh thần. Trên cơ sở của những quy luật Âm Dương đó, chúng ta có thể nhận thấy Văn như là một biểu hiện của Âm và Võ như biểu hiện của Dương. Bởi vậy câu nói Văn không võ là văn nhu nhược, võ không văn là võ bạo tàn đã hàm chứa trong đó sự phê phán về một sự mất quân bình trong cuộc sống. Không phải ngẫu nhiên mà từ xưa đến nay, người ta thường đề cao tiêu chí Văn Võ song toàn khi đánh giá một cá nhân, có khi là một cộng đồng dân tộc. Đó là nghĩa hiển ngôn, nghĩa hẹp của Văn và Võ. Lẽ đương nhiên chúng ta không thể chỉ giản đơn hiểu hoặc đồng nhất Văn là Văn chương và Võ là đấm, đá, mà phải hiểu linh hoạt hơn trong từng trường hợp cụ thể, có khi phải mở rộng trường nghĩa của Văn và Võ trong hai thuộc tính Âm: Văn, mềm/nhu, tình, chậm, tĩnh, hướng nội, ổn định…; Dương: Võ, cứng/cương, nhanh, động, hướng ngoại, phát triển… mới thấy được hết ý nghĩa của hai thành tố đó trong cuộc sống.
      Văn và Võ như hai thuộc tính của Âm và Dương khi đối chiếu với cuộc sống xã hội chúng ta càng thấy rõ ý nghĩa của cả hai yếu tố này – nếu mất đi một thì sự vật, hiện tượng sẽ mất đi sự trọn vẹn, khó phát triển, hoặc sẽ tự diệt. Có thể thấy rõ điều này trong lịch sử của mỗi quốc gia - dân tộc hay sự phát triển, hoàn thiện của mỗi cá nhân con người.
      Trong lịch sử của các quốc gia – dân tộc từ Tây sang Đông cho ta thấy rất rõ vai trò của Văn và Võ. Không thể có một quốc gia nào hình thành và phát triển chỉ nhờ Võ hoặc chỉ nhờ Văn. Võ với thuộc tính Dương: nhanh, động, phát triển nên luôn đi trước trong việc hình thành các triều đại, quốc gia. 
         Lê Lợi trong 10 năm “nếm mật nằm gai” kháng chiến chống quân Minh (1417-1427) đã không chỉ chiến thắng bằng sức mạnh mà bên cạnh đó còn phải có sự đóng góp của Quân trung từ mệnh tập của Nguyễn Trãi mà lịch sử đã đánh giá tập văn chính luận đó “có sức mạnh hơn mười vạn quân”, đã khiến cho quân Minh phải khuất phục không chỉ trước những võ công hiển hách mà còn tâm phục trước ý chí, nhân nghĩa cảm lòng người của vị quân sư Nguyễn Trãi.
         Cho đến sau này trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ đã “vừa đánh vừa đàm”; vừa chiến đấu trên mặt trận quân sự, vừa chiến đấu trên mặt trận chính trị - ngoại giao. Đó cũng là một biểu hiện của sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa Võ và Văn để đi đến thắng lợi hoàn toàn, thống nhất đất nước…
      Trên đây là những biểu hiện của Võ và Văn như là thuộc tính của triết lí Âm Dương ở tầm quốc gia – dân tộc. Đối với sự hoàn thiện của mỗi con người, sự biểu hiện đó càng rõ nét, cụ thể hơn. Trong lịch sử dân tộc, khi tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp của những danh nhân, chúng ta không thể phủ nhận được sự hòa quyện khăng khít yếu tố Văn và Võ đã tạo nên những nhân cách lớn, những chiến công hiển hách. Chúng ta không thể quên Lý Thường Kiệt với trận chiến chống quân Tống bên sông Như Nguyệt và bài thơ Thần tương truyền là của ông và ông đã có ý thức sử dụng nó để đánh tan ý chí xâm lược nước ta của quân Tống. Bài thơ đã trở thành bản Tuyên ngôn độc lập lần thứ nhất của dân tộc ta – bài Nam quốc sơn hà. Đến đời Trần, chúng ta – cả thế giới đều biết Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn là một trong mười hai vị tướng tài ba của thế giới. Vị tướng đó đã khiến cho vó ngựa Mông Cổ “đi đến đâu cỏ không mọc được ở chỗ đó” trong tiến trình xâm lược gần nửa địa cầu phải khựng lại trước hào khí Đông A vang dội. Hào khí Đông A không chỉ có được từ ý chí Sát Thát, từ sự rèn luyện võ nghệ tinh nhuệ của quân dân nhà Trần mà còn được học tập từ Binh thư yếu lược, đặc biệt được khích lệ từ Dụ chư tì tướng hịch văn của chính Hưng Đạo Đại vương. Những lời hịch chứa chan tâm huyết khiến cho những con người dù cho gỗ đá đi chăng nữa nhưng còn một chút lương tri, lương năng đối với đất nước đều thức tỉnh: Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ giận chưa thể xả thịt, lột da, ăn gan, uống máu quân thù; dẫu cho trăm thân ta phơi ngoài nội cỏ, nghìn thây ta bọc trong da ngựa, ta cũng cam lòng”.   Đến Nguyễn Trãi – anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới thì chúng ta càng thấy được “sức mạnh hơn mười vạn quân” như đã nói ở trên trong Quân trung từ mệnh tập của ông. Đọc Quân trung từ mệnh tập người đọc ngày nay cũng bị thuyết phục bởi những lập luận, những lí lẽ đanh thép trước một kẻ thù xấu xa như Phương Chính nhưng lại nhu thuận, ôn hòa đối với những viên tướng hiểu biết như Thái Phúc, Vương Thông, Sơn Thọ…
           Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, hơn ai hết, ở tư cách vị Chủ tịch nước, tầm nhận thức sâu xa và toàn diện, Người đã căn dặn tuổi trẻ siêng năng tập luyện, kêu gọi đồng bào rèn luyện thể dục thể thao. Sinh thời Bác đã từng học và dạy võ cho bộ đội tại chiến khu Việt Bắc. Ở Bác vừa toát lên một nhân cách lớn, tích hợp cả văn hóa Đông – Tây, và cả sự nhanh nhẹn, hoạt bát của người luyện võ.
       Ở phương diện phát triển cá nhân, càng thấy ý nghĩa hơn câu nói của người xưa cũng như triết lí Âm Dương trong sự phát triển đó. Từ trước đến nay đã có nhiều người nói về sự phát triển hoàn thiện con người là sự phát triển thể chất và tâm hồn. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói đến bốn tố chất cần rèn luyện ở mỗi một người là Đức - Trí - Thể - Mĩ. Có thể thấy thể chất như là Võ thuộc tính Dương, tâm hồn như là Văn thuộc tính Âm. Những yếu tố đó phải hài hòa trong một con người. Chúng tôi, từ sự trải nghiệm, trong một bài viết gần đây trên diễn đàn cũng đã đề cập một cách cụ thể đến sự cần thiết của việc học võ đối với mỗi người, đặc biệt là đối với những người lao động trí óc.
             Về sức khỏe con người: đó là kết quả của sự quân bình Âm Dương (cả nghĩa hẹp và nghĩa rộng). Sự quân bình ấy có thể đạt được do con người biết sống, rèn luyện theo quy luật của tự nhiên, không thái quá, không bất cập. Về quy luật Âm Dương giao hòa luôn ở trạng thái cân bằng động, vì vậy sức khỏe của con người cũng luôn luôn ở trạng thái cân bằng động. Những yếu tố ngoại cảnh (hậu thiên khí) như thời tiết, khí hậu, ăn uống, sinh hoạt… làm mất cân bằng trạng thái tự nhiên của cơ thể. Quãng đời từ 18 đến 30 tuổi là giai đoạn hoàn thiện tinh thần và thể chất của con người nên cơ thể người phần lớn có thể vượt qua những mất cân bằng do ngoại cảnh tác động. Về sức khỏe con người cũng vậy, phần đa từ tuổi 30 trở về sau, tế bào cơ thể dần đi vào giai đoạn lão hóa. Quá trình này xảy ra không ngoại trừ ai, chỉ là ở mỗi người nó diễn ra nhanh hay chậm hơn mà thôi. Bởi vậy, con người cần chú trọng tập luyện cả thể chất lẫn tinh thần để lấy lại thế quân bình Âm Dương, giữ vững, kéo dài trạng thái tốt cho thể chất cũng như tâm hồn.
      Có thể thấy Văn và Võ như là biểu hiện của triết lí Âm Dương, nó luôn đúng với cả nghĩa hẹp và nghĩa mở rộng ở trong những trường hợp cụ thể. Khi rèn luyện, phát triển được toàn diện Văn - Võ thì khi đó mới đem lại hạnh phúc thực sự cho con người, không chỉ tránh được lời cảnh báo của người xưa:
           "Văn không Võ là Văn nhu nhược, Võ không Văn là Võ bạo tàn".