CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI HUỲNH RẠNG Blog (Lập ngày 21-10-2010)


THỜI GIAN SỐNG CỦA CON NGƯỜI KHÔNG DÀI; HÃY SỐNG NHƯ THẾ NÀO CHO ĐỜI NGƯỜI CÓ Ý NGHĨA .

Bạn hãy nghĩ về cuộc đời mình đã có ý nghĩa chưa? đã làm được gì cho gia đình, bạn bè và mọi người? Một việc dù nhỏ nhưng tạo ra hạnh phúc cho mình và người khác thì đã góp phần cho cuộc sống ta có ý nghĩa.

Thứ Ba, 20 tháng 9, 2011

Vài nội dung “Nguyên tắc quản lý giáo dục”

     Nguyên tắc quản lý giáo dục là những luận điểm cơ bản, những yêu cầu, những tiêu chuẩn chỉ đạo cho việc xây dựng và tổ chức hoạt động của các cơ quan quản lý giáo dục.
Nguyên tắc quản lý giáo dục là những tiêu chuẩn, quy tắc cơ bản, nền tảng, những yêu cầu, những luận điểm cơ bản cần phải tuân theo trong tổ chức và hoạt động quản lý giáo dục nhằm đạt được mục tiêu phát triển giáo dục đã đề ra.
     Các nguyên tắc do con người đặt ra nhưng không phải do sự suy nghĩ chủ quan, mà phải tuân thủ các đòi hỏi khách quan như: Nguyên tắc phải thể hiện được yêu cầu của các quy luật khách quan; Các nguyên tắc phải phù hợp với mục tiêu của quản lý; Các nguyên tắc phải phản ánh đúng đắn tính chất và các quan hệ quản lý; Các nguyên tắc quản lý phải đảm bảo tính hệ thống, tính nhất quán và phải được đảm bảo bằng pháp luật.
     Nhiều tác giả khác nhau có sự phân chia khác nhau. Nhìn chung có thể gộp lại thành ba nhóm có quan hệ với nhau: Nhóm thứ nhất: những nguyên tắc chính trị-xã hội; Nhóm thứ hai: những nguyên tắc về tổ chức quản lý giáo dục; óm thứ ba: những nguyên tắc về hoạt động quản lý giáo dục.
     Nhóm thứ nhất: những nguyên tắc chính trị-xã hội. Những nguyên tắc này bao gồm: tính Đảng, tính giai cấp; kết hợp nhà nước và nhân dân; tập trung dân chủ; pháp chế xã hội chủ nghĩa. Đây là nhóm nguyên tắc chung biểu thị những đặc điểm chính trị, biểu thị tính định hướng xã hội chủ nghĩa trong hoạt động quản lý giáo dục, đồng thời phản ánh các quy luật, các quan hệ và quá trình khách quan của giáo dục và quản lý giáo dục.
     Nhóm thứ hai: những nguyên tắc về tổ chức quản lý giáo dục. Những nguyên tắc này bao gồm: thống nhất trong hệ thống quản lý; kết hợp quản lý theo ngành và lãnh thổ; kết hợp tập thể, cá nhân, chế độ thủ trưởng; tổ chức quản lý cán bộ. Các nguyên tắc này phản ánh việc tổ chức của chủ thể quản lý giáo dục, tức là phản ánh sự tổ chức bên trong của chủ thể quản lý. Đó là các nguyên tắc xây dựng bộ máy quản lý nhà nước về giáo dục ở tất cả các cấp quản lý.
     Nhóm thứ ba: những nguyên tắc về hoạt động quản lý giáo dục. Những nguyên tắc này bao gồm: hiệu quả quản lý; kết hợp các lợi ích; chuyên môn hóa; phối hợp các phương pháp quản lý. Đây là những nguyên tắc phản ánh hoạt động quản lý của toàn bộ bộ máy quản lý cũng như của từng cán bộ quản lý giáo dục. Các nguyên tắc này đều có quan hệ, tác động lẫn nhau. Chúng đề cập đến việc tổ chức cụ thể hoạt động quản lý hay là lao động quản lý của cơ quan hay cán bộ quản lý giáo dục.
     Một số nguyên tắc cụ thể.
     1. Nguyên tắc tính Đảng, tính giai cấp của quản lý nhà nước về giáo dục.
     Nguyên tắc này có nghĩa là quản lý nhà nước về giáo dục phải bảo đảm lợi ích của nhân dân lao động. Các quyết định phải xuất phát từ lợi ích đó, biến các lợi ích, các nguyện vọng của nhân dân, các nguyện vọng của nhân dân lao động thành hiện thực.Tính giai cấp còn thể hiện ở chỗ trong quản lý giáo dục phải thừa nhận vai trò lãnh đạo của Đảng CSVN.
     Như vậy, theo tinh thần trên đây, các chủ trương, chính sách của chủ thể quản lý giáo dục các cấp phải theo đường lối của Đảng, cụ thể hóa đường lối đó trong sự nghiệp phát triển giáo dục, làm cho sự nghiệp giáo dục giữ vững mục tiêu xã hội chủ nghĩa, bảo đảm công bằng xã hội, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của cơ chế thị trường đối với giáo dục, chống khuynh hướng “thương mại hóa”, đề phòng khuynh hướng phi chính trị hóa giáo dục và không truyền bá tôn giáo trong giáo dục.
     Xuất phát từ tính Đảng và tính giai cấp trong quản lý giáo dục, giữa sự lãnh đạo của Đảng và việc quản lý nhà nước về giáo dục có mối quan hệ qua lại chặt chẽ, đa dạng và phong phú. Vấn đề phức tạp là làm sao cho các biện pháp và hình thức thích hợp để thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Để thực hiện đường lối của mình, Đảng áp dụng các biện pháp chính trị, thông qua các quy phạm chính trị; nhưng Nhà nước lại sử dụng các biện pháp pháp luật, thông qua các quy phạm pháp luật để thực hiện đường lối chính sách ấy vì lợi ích của toàn xã hội. Không chỉ là quan điểm chính trị, mà còn là các biện pháp, các hình thức để thực hiện chính trị. Chẳng hạn, tổ chức và quản lý việc dạy thêm, học thêm như thế nào chính là thể hiện quan điểm chính trị và hình thức thực hiện chính trị trong giáo dục.
     2. Nguyên tắc kết hợp nhà nước và nhân dân trong quản lý giáo dục.
     Quản lý giáo dục là sự kết hợp giữa yêu cầu quản lý có tính chất nhà nước với quản lý có tính chất xã hội.
     Quản lý giáo dục có tính chất nhà nước dựa theo cơ chế chỉ huy-chấp hành. Căn cứ vào các quy phạm pháp luật, các chủ thể quản lý sử dụng sức mạnh cưỡng chế của nhà nước, các đối tượng chịu sự quản lý buộc phải chấp hành.
     Quản lý giáo dục có tính chất xã hội là hoạt động của nhân dân và tổ chức xã hội của họ thực hiện những chức năng xã hội nhất định độc lập hoặc phối hợp với các cơ quan nhà nước tham gia phát triển sự nghiệp giáo dục.
     Các tổ chức tham gia xây dựng giáo dục: Đoàn TNCSHCM, Đội TNTPHCM, Hội HS-SV, Hội đồng giáo dục các cấp…
     3. Nguyên tắc tập trung dân chủ.
     Nguyên tắc xuất phát từ bản chất XHCN của Nhà nước ta “Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp và các cơ quan khác của Nhà nước đều tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ” (Điều 6, HP1992).
     Hai khía cạnh của nguyên tắc: một mặt phải tăng cường quản lý tập trung, thống nhất trong toàn quốc trong việc quản lý triển khai những chủ trương lớn, trọng yếu về giáo dục; mặt khác, phát huy và mở rộng đến mức cao nhất quyền chủ động của các cấp, các ngành, các địa phương, các cơ sở giáo dục và quần chúng nhân dân trong việc giải quyềt các vấn đề trọng yếu nói trên bằng nhiều hình thức, phương tiện tiềm tàng của mình. “Dân chủ” trong quản lý giáo dục bao hàm sự nghiệp giáo dục là của toàn dân, nhân dân tham gia xây dựng và quản lý giáo dục (phải sử dụng nhiều hình thức).
     Quan hệ giữa dân chủ và tập trung là quan hệ biện chứng. Hồ Chí Minh: “phải dân chủ rộng rãi dưới sự lãnh đạo tập trung và tập trung đúng mức trên nền tảng dân chủ rộng rãi”.
     Nguyên tắc này đòi hỏi trong quản lý giáo dục phải kết hợp tập trung và dân chủ trong việc tổ chức các cơ quan quản lý giáo dục và cả trong việc chỉ đạo thực hiện quá trình giáo dục nói chung, quá trình quản lý giáo dục nói riêng. Liên quan đến nguyên tắc này là vấn đề phân cấp trong quản lý giáo dục (còn gọi là phi tập trung hóa, phi trung ương hóa trong giáo dục).
     4. Nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa.
     Nguyên tắc này đòi hỏi việc tổ chức và hoạt động giáo dục cũng như quản lý giáo dục phải dựa trên cơ sở pháp luật của Nhà nước. Nguyên tắc này có hai khía cạnh liên quan chặt chẽ với nhau, đó là:
     Thứ nhất, thực hiện điều chỉnh bằng pháp luật về mặt tổ chức và hoạt động của các cơ quan quản lý giáo dục. Chính vì vậy, cơ quan quản lý giáo dục mới thể hiện rõ quyền lực nhà nước trong hoạt động quản lý. Trách nhiệm và thẩm quyền của cơ quan quản lý giáo dục là trách nhiệm và thẩm quyền nhà nước. Những tác động quản lý đều dựa vào danh nghĩa nhà nước để điều hành hoạt động của hệ thống giáo dục.
     Thứ hai, chấp hành và thực hiện nghiêm chỉnh những đòi hỏi của pháp luật. Đây là yêu cầu bắt buộc đối với cả chủ thể quản lý cũng như đối tượng quản lý. Chẳng hạn, việc thi tốt nghiệp đòi hỏi các cơ quan hữu quan, nhà trường, giáo viên và học sinh thực hiện nghiêm chỉnh quy chế thi, đồng thời đòi hỏi việc kiểm tra, thanh tra thi phải dựa vào qui chế để xem xét, đánh giá tình hình thi hoặc xử lý vi phạm (nếu có).
     5. Nguyên tắc thống nhất của hệ thống của cơ quan quản lý giáo dục.
     Thẩm quyền của bất kỳ một cơ quan quản lý giáo dục nào, một cấp nào đều phải xác định rõ. Đây là công việc rất phức tạp. Vì vậy, yêu cầu của việc bảo đảm sự thống nhất của hệ thống quản lý là rất quan trọng.  Có 3 cấp quản lý giáo dục: Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT, Phòng GD-ĐT. Thẩm quyền của từng cấp được xác định rõ.
     6. Nguyên tắc kết hợp quản lý theo lãnh thổ và quản lý ngành.
     Trong lịch sử, nhà nước được xây dựng trên nguyên tắc lãnh thổ, tức là nhà nước tập hợp những người trên lãnh thổ mà ở đó quyền lực nhà nước được thực hiện.
     Bên cạnh việc tổ chức quản lý theo lãnh thổ, còn có tổ chức quản lý theo ngành.
     Giữa ngành và lãnh thổ có mối tương quan, nhưng chúng lại được quản lý trên những nguyên tắc hoạt động khác nhau.
     Việc quản lý ngành giáo dục theo lãnh thổ tạo điều kiện phân cấp cho địa phương, mở rộng quyền chủ động và nâng cao trách nhiệm của địa phương trên các mặt kế hoạch, ngân sách, vật tư, lao động, cán bộ, tổ chức… Quản lý theo địa phương làm cho quản lý theo ngành phù hợp với đặc điểm địa phương, khai thác được thế mạnh của địa phương, có điều kiện phát huy sức mạnh tổng hợp “Nhà nước và nhân dân cùng làm giáo dục”.
     Việc quản lý giáo dục theo ngành nhằm bảo đảm việc thực hiện quan điểm, đường lối, chính sách giáo dục thống nhất trong cả nước; thống nhất mục tiêu, nội dung, chương trình, các tiêu chuẩn giáo dục; thống nhất những vấn đề có tính chất khoa học và chuyên môn; thực hiện sự hớp tác với các ngành khác trên quy mô cả nước.

Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2011

Vài nội dung về nhà Lãnh đạo

     Dù nhìn nhận theo cách nào, thì một nhà lãnh đạo phải đảm bảo được 3 yếu tố: khả năng tạo tầm nhìn, khả năng truyền cảm hứng và khả năng gây ảnh hưởng. Hiểu một cách đơn giản, nhà lãnh đạo là người có khả năng tạo ra tầm nhìn cho một tổ chức hay một nhóm và biết sử dụng quyền lực của mình để gây ảnh hưởng cho những người đi theo thực hiện tầm nhìn đó.

     - Tùy theo từng khía cạnh nghiên cứu mà các nhà nghiên cứu có các định nghĩa khác nhau về nhà lãnh đạo.

     Theo Stogdill (1974), nhà lãnh đạo phải luôn được định nghĩa cùng với sự ràng buộc của tính cách , cách ứng xử, ảnh hưởng đối với người khác, các chuỗi hoạt động tương tác, quan hệ, vị trí quản lý, và nhìn nhận của người khác về tính hợp pháp của quyền lực và sự tạo dựng ảnh hưởng.

     House (2004) cho rằng nhà lãnh đạo là cá nhân có khả năng gây ảnh hưởng, kích thích và khuyến khích người khác đóng góp vào các hoạt động có hiệu quả và thành công của tổ chức họ trực thuộc.

     Theo Maxwell thì nhà lãnh đạo là người có khả năng gây ảnh hưởng.

     - Trong bất cứ tình huống nào, một nhóm từ hai người trở lên luôn luôn có một người có ảnh hưởng nổi bật, người đó là lãnh đạo. Vì vậy mỗi chúng ta đều gây ảnh hưởng và bị ảnh hưởng từ người khác. Điều này có nghĩa là: tất cả chúng ta lãnh đạo người khác trong một vài lĩnh vực; ngược lại ở một số lĩnh vực khác chúng ta được người khác dẫn dắt. Không ai nằm ngoài quy luật này: hoặc là nhà lãnh đạo hoặc là người bị lãnh đạo.

     Nhà lãnh đạo có thể xuất hiện ở mọi vị trí , từ những người có chức vụ quan trọng đến những người có vị trí bình thường như chủ tịch nước, tổng thống, vua, các bộ trưởng, chủ tịch các tập đoàn đa quốc gia, giám đốc, kế toán trưởng, trưởng phòng, nhân viên, thuyền trưởng, cha xứ, giáo chủ một giáo phái, hay thậm chí là đội trưởng đội bóng, cha mẹ trong gia đình, trưởng nhóm trong một nhóm bạn học... Có thể thấy lãnh đạo luôn xuất hiện trong các nhóm hoặc tổ chức với tư cách là người đại diện, dẫn đầu, có khả năng đề xướng hướn đi cho mọi người, và quyết định cho các hoạt động nội bộ.

     - Chúng ta nên chú ý tới hai cụm từ: “lãnh đạo” và “Nhà lãnh đạo”. Lãnh đạo là động từ, chỉ hoạt động, còn nhà lãnh đạo là danh từ chỉ chủ thể thực hiện hành động. Nhưng lãnh đạo và nhà lãnh đạo không phải bao giờ cũng gắn với nhau. Đôi khi người được mệnh danh là nhà lãnh đạo thì không thực hiện được công việc lãnh đạo. Vì vậy, trong thực tế, thường có hai kiểu nhà lãnh đạo: nhà lãnh đạo chức vị và nhà lãnh đạo thật sự.

     Nhà lãnh đạo chức vị có quyền hành do vị trí, nghi thức, truyền thống và các cơ cấu tổ chức đem lại. Nhà lãnh đạo này sử dụng chức vụ để gây ảnh hưởng lên người khác khi mất chức rồi thì không còn gây ảnh hưởng lên người khác được nữa. Mọi người sẽ không phục tùng nhà lãnh đạo này nếu sự việc nằm ngoài thẩm quyền của ông ta.

     Nhà lãnh đạo thât sự là nhà lãnh đạo dùng tài năng, phẩm chất của mình để gây ảnh hưởng tới mọi người, lôi cuối mọi người đi theo con đường của họ. Đây mới là những nhà lãnh đạo có giá trị bền vững, sức mạnh của họ đến tự nhiên xuất phát từ con người họ chứ không phải từ cái gì bên ngoài họ.

     Nhà lãnh đạo doanh nghiệp

     Trong doanh nghiệp, nhà lãnh đạo được xác định từ vị trí, nhiệm vụ và hoạt động của họ đối với doanh nghiệp. Nhà lãnh đạo có thể xuất hiện ở mọi cấp trong cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp, như lãnh đạo toàn bộ doanh nghiệp có tổng giám đốc, giám đốc, lãnh đạo phòng có trưởng phòng, lãnh đạo nhóm làm việc có trưởng nhóm...Càng ở vị trí cao, nhà lãnh đạo càng có quyền lực chức vị và trách nhiệm công việc càng lớn.

     Nhà lãnh đạo thường là người có vị trí dẫn đầu tại cấp độ lãnh đạo mà họ đảm nhiệm trong doanh nghiệp. Lãnh đạo cao nhất của doanh nghiệp là tổng giám đốc hoặc giám đốc. Họ là người đại diện cho doanh nghiệp trước pháp lý, trước lợi ích chung của doanh nghiệp và kết quả cuối cùng mà doanh nghiệp đạt được. Họ duy trì và phát triển doanh nghiệp trong môi trường kinh tế cạnh tranh, ảnh hưởng đến tính hiệu quả của tài chính, cách phát sinh tiền lời cho đơn vị, nâng cao năng suất và hiệu quả lao động, sự hài lòng của nhân viên và khách hàng…

     Khi lãnh đạo một doanh nghiệp cụ thể, nhà lãnh đạo doanh nghiêp thường thực hiện những hoạt động sau:

     - Xác định tầm nhìn rõ ràng, chính xác cho doanh nghiệp và lịch trình để đạt được mục tiêu đó
     - Huy động và thúc đẩy cấp dưới thực hiện mục tiêu. Nhà lãnh đạo tập trung vào yếu tố con người. Họ kêu gọi, lôi kéo những người dưới quyền đi theo mình, hướng tới thực hiện mục tiêu chung của doanh nghiệp.
     - Liên kết giữa các bộ phận trong doanh nghiệp và giữa doanh nghiệp với hệ thống bên ngoài.
     - Thực hiện công việc của một nhà quản lý cấp cao: Xây dựng, thực thi chiến lược, Lập kế hoạch, phân bổ nguồn lực, lực của công ty. Kiểm tra, đánh giá mức độ thực hiện mục tiêu của doanh nghiệp.

Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2011

Văn - Võ và triết lý âm dương

      Khi nói đến Văn nhiều người nghĩ đến triết lí Âm Dương. Triết lí đó luôn đúng khi nó dựa trên cơ sở quy luật, những nguyên lý của Vũ Trụ. Có thể người phương Đông cổ đại đã nhận ra từ trực quan quy luật ngày - đêm, sáng - tối, nóng - lạnh… hay đi đến xếp loại như mái - trống… là nguyên lý tồn tại của vạn vật, để phát triển thành hệ triết lí Âm Dương, mà đến ngày nay, thời hiện đại, chúng ta không thể phủ nhận. (Bởi nguyên lí của Trái Đất trong Thái Dương hệ chúng ta đang sống: quay xung quanh Mặt Trời tạo nên bốn mùa, năm, và trong lúc quay xung quanh Mặt Trời thì tự quay xung quanh trục của mình tạo nên ngày đêm – đó là quy luật. Hơn nữa khoa học hiện đại nhận thấy Vũ Trụ là một trường điện từ; từ trường Trái Đất theo hướng Bắc – Nam; Cả không gian và thời gian cũng như vạn vật đều phân cực,…).
      Trong hệ triết lí Âm Dương, người phương Đông đã khái quát thành các quy luật bao gồm: Âm Dương đối lập, Âm Dương là gốc của nhau (trong Âm có Dương và trong Dương có Âm); Âm tiêu Dương trưởng và ngược lại; Âm Dương chuyển hóa (biến dịch); và Âm Dương giao hòa (cân bằng động). Vì Âm Dương là nguyên lý tồn tại của vạn vật nên khi áp dụng vào đời sống con người, các quy luật cơ bản của Âm – Dương tạo ra triết lý quân bình trong cuộc sống. Điều đó có nghĩa là, mọi sự vật từ tự nhiên đến xã hội, để tồn tại mà không biến thành cái khác thì phải cân bằng Âm Dương.
       Do đó, mỗi con người cần duy trì trạng thái cân bằng Âm Dương trên cả hai phương diện: thể chất và tinh thần. Trên cơ sở của những quy luật Âm Dương đó, chúng ta có thể nhận thấy Văn như là một biểu hiện của Âm và Võ như biểu hiện của Dương. Bởi vậy câu nói Văn không võ là văn nhu nhược, võ không văn là võ bạo tàn đã hàm chứa trong đó sự phê phán về một sự mất quân bình trong cuộc sống. Không phải ngẫu nhiên mà từ xưa đến nay, người ta thường đề cao tiêu chí Văn Võ song toàn khi đánh giá một cá nhân, có khi là một cộng đồng dân tộc. Đó là nghĩa hiển ngôn, nghĩa hẹp của Văn và Võ. Lẽ đương nhiên chúng ta không thể chỉ giản đơn hiểu hoặc đồng nhất Văn là Văn chương và Võ là đấm, đá, mà phải hiểu linh hoạt hơn trong từng trường hợp cụ thể, có khi phải mở rộng trường nghĩa của Văn và Võ trong hai thuộc tính Âm: Văn, mềm/nhu, tình, chậm, tĩnh, hướng nội, ổn định…; Dương: Võ, cứng/cương, nhanh, động, hướng ngoại, phát triển… mới thấy được hết ý nghĩa của hai thành tố đó trong cuộc sống.
      Văn và Võ như hai thuộc tính của Âm và Dương khi đối chiếu với cuộc sống xã hội chúng ta càng thấy rõ ý nghĩa của cả hai yếu tố này – nếu mất đi một thì sự vật, hiện tượng sẽ mất đi sự trọn vẹn, khó phát triển, hoặc sẽ tự diệt. Có thể thấy rõ điều này trong lịch sử của mỗi quốc gia - dân tộc hay sự phát triển, hoàn thiện của mỗi cá nhân con người.
      Trong lịch sử của các quốc gia – dân tộc từ Tây sang Đông cho ta thấy rất rõ vai trò của Văn và Võ. Không thể có một quốc gia nào hình thành và phát triển chỉ nhờ Võ hoặc chỉ nhờ Văn. Võ với thuộc tính Dương: nhanh, động, phát triển nên luôn đi trước trong việc hình thành các triều đại, quốc gia. 
         Lê Lợi trong 10 năm “nếm mật nằm gai” kháng chiến chống quân Minh (1417-1427) đã không chỉ chiến thắng bằng sức mạnh mà bên cạnh đó còn phải có sự đóng góp của Quân trung từ mệnh tập của Nguyễn Trãi mà lịch sử đã đánh giá tập văn chính luận đó “có sức mạnh hơn mười vạn quân”, đã khiến cho quân Minh phải khuất phục không chỉ trước những võ công hiển hách mà còn tâm phục trước ý chí, nhân nghĩa cảm lòng người của vị quân sư Nguyễn Trãi.
         Cho đến sau này trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ đã “vừa đánh vừa đàm”; vừa chiến đấu trên mặt trận quân sự, vừa chiến đấu trên mặt trận chính trị - ngoại giao. Đó cũng là một biểu hiện của sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa Võ và Văn để đi đến thắng lợi hoàn toàn, thống nhất đất nước…
      Trên đây là những biểu hiện của Võ và Văn như là thuộc tính của triết lí Âm Dương ở tầm quốc gia – dân tộc. Đối với sự hoàn thiện của mỗi con người, sự biểu hiện đó càng rõ nét, cụ thể hơn. Trong lịch sử dân tộc, khi tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp của những danh nhân, chúng ta không thể phủ nhận được sự hòa quyện khăng khít yếu tố Văn và Võ đã tạo nên những nhân cách lớn, những chiến công hiển hách. Chúng ta không thể quên Lý Thường Kiệt với trận chiến chống quân Tống bên sông Như Nguyệt và bài thơ Thần tương truyền là của ông và ông đã có ý thức sử dụng nó để đánh tan ý chí xâm lược nước ta của quân Tống. Bài thơ đã trở thành bản Tuyên ngôn độc lập lần thứ nhất của dân tộc ta – bài Nam quốc sơn hà. Đến đời Trần, chúng ta – cả thế giới đều biết Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn là một trong mười hai vị tướng tài ba của thế giới. Vị tướng đó đã khiến cho vó ngựa Mông Cổ “đi đến đâu cỏ không mọc được ở chỗ đó” trong tiến trình xâm lược gần nửa địa cầu phải khựng lại trước hào khí Đông A vang dội. Hào khí Đông A không chỉ có được từ ý chí Sát Thát, từ sự rèn luyện võ nghệ tinh nhuệ của quân dân nhà Trần mà còn được học tập từ Binh thư yếu lược, đặc biệt được khích lệ từ Dụ chư tì tướng hịch văn của chính Hưng Đạo Đại vương. Những lời hịch chứa chan tâm huyết khiến cho những con người dù cho gỗ đá đi chăng nữa nhưng còn một chút lương tri, lương năng đối với đất nước đều thức tỉnh: Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ giận chưa thể xả thịt, lột da, ăn gan, uống máu quân thù; dẫu cho trăm thân ta phơi ngoài nội cỏ, nghìn thây ta bọc trong da ngựa, ta cũng cam lòng”.   Đến Nguyễn Trãi – anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới thì chúng ta càng thấy được “sức mạnh hơn mười vạn quân” như đã nói ở trên trong Quân trung từ mệnh tập của ông. Đọc Quân trung từ mệnh tập người đọc ngày nay cũng bị thuyết phục bởi những lập luận, những lí lẽ đanh thép trước một kẻ thù xấu xa như Phương Chính nhưng lại nhu thuận, ôn hòa đối với những viên tướng hiểu biết như Thái Phúc, Vương Thông, Sơn Thọ…
           Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, hơn ai hết, ở tư cách vị Chủ tịch nước, tầm nhận thức sâu xa và toàn diện, Người đã căn dặn tuổi trẻ siêng năng tập luyện, kêu gọi đồng bào rèn luyện thể dục thể thao. Sinh thời Bác đã từng học và dạy võ cho bộ đội tại chiến khu Việt Bắc. Ở Bác vừa toát lên một nhân cách lớn, tích hợp cả văn hóa Đông – Tây, và cả sự nhanh nhẹn, hoạt bát của người luyện võ.
       Ở phương diện phát triển cá nhân, càng thấy ý nghĩa hơn câu nói của người xưa cũng như triết lí Âm Dương trong sự phát triển đó. Từ trước đến nay đã có nhiều người nói về sự phát triển hoàn thiện con người là sự phát triển thể chất và tâm hồn. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói đến bốn tố chất cần rèn luyện ở mỗi một người là Đức - Trí - Thể - Mĩ. Có thể thấy thể chất như là Võ thuộc tính Dương, tâm hồn như là Văn thuộc tính Âm. Những yếu tố đó phải hài hòa trong một con người. Chúng tôi, từ sự trải nghiệm, trong một bài viết gần đây trên diễn đàn cũng đã đề cập một cách cụ thể đến sự cần thiết của việc học võ đối với mỗi người, đặc biệt là đối với những người lao động trí óc.
             Về sức khỏe con người: đó là kết quả của sự quân bình Âm Dương (cả nghĩa hẹp và nghĩa rộng). Sự quân bình ấy có thể đạt được do con người biết sống, rèn luyện theo quy luật của tự nhiên, không thái quá, không bất cập. Về quy luật Âm Dương giao hòa luôn ở trạng thái cân bằng động, vì vậy sức khỏe của con người cũng luôn luôn ở trạng thái cân bằng động. Những yếu tố ngoại cảnh (hậu thiên khí) như thời tiết, khí hậu, ăn uống, sinh hoạt… làm mất cân bằng trạng thái tự nhiên của cơ thể. Quãng đời từ 18 đến 30 tuổi là giai đoạn hoàn thiện tinh thần và thể chất của con người nên cơ thể người phần lớn có thể vượt qua những mất cân bằng do ngoại cảnh tác động. Về sức khỏe con người cũng vậy, phần đa từ tuổi 30 trở về sau, tế bào cơ thể dần đi vào giai đoạn lão hóa. Quá trình này xảy ra không ngoại trừ ai, chỉ là ở mỗi người nó diễn ra nhanh hay chậm hơn mà thôi. Bởi vậy, con người cần chú trọng tập luyện cả thể chất lẫn tinh thần để lấy lại thế quân bình Âm Dương, giữ vững, kéo dài trạng thái tốt cho thể chất cũng như tâm hồn.
      Có thể thấy Văn và Võ như là biểu hiện của triết lí Âm Dương, nó luôn đúng với cả nghĩa hẹp và nghĩa mở rộng ở trong những trường hợp cụ thể. Khi rèn luyện, phát triển được toàn diện Văn - Võ thì khi đó mới đem lại hạnh phúc thực sự cho con người, không chỉ tránh được lời cảnh báo của người xưa:
           "Văn không Võ là Văn nhu nhược, Võ không Văn là Võ bạo tàn".

Thứ Tư, 7 tháng 9, 2011

SUY NGẪM "VỀ LÒNG TỪ THIỆN"

Khắp nơi trên thế giới này, ở đâu cũng có những người làm việc từ thiện, những người có lòng nhân từ bác ái muốn giúp đỡ những người khốn cùng nghèo đói bệnh tật hoặc đang gặp tai họa kém may mắn hơn mình....
Cũng như những dân tộc khác trên thế giới, Việt nam ta có nhiều câu tục ngữ, ca dao rất hay về lòng nhân đạo, tấm lòng từ thiên; trong thực tế rất nhiều hành động từ thiện được thể hiện. Đó là kết tinh của cả lịch sử dân tộc.
Hôm nay, tôi xin nêu một vài quan điểm về công tác từ thiện để cùng tham khảo.
Một người bạn định cư ở Mỹ kể lại. 
“Những ngày tháng đầu tiên ở Mỹ, tôi thường được người bảo trợ chở đi đây đó khắp thành phố Houston để tìm việc làm. Nhớ có một lần chúng tôi đi trên đường phố gặp một người ăn xin, tôi liền lấy một đô la ra cho. Người bảo trợ có vẻ không vui, tôi đưa mắt hỏi, ông ta giải thích: “Cho tiền người ăn xin này có thể xúi dục anh ta lười biếng, muốn làm việc từ thiện xin hãy góp tiền cho xã hội để xã hội có phương tiện ngăn chận không có một kẻ ăn xin nào”.

              
Từ thiện là nét đẹp lương tâm, từ thiện là triết lý công bằng xã hội của quốc gia. Sau hơn 34 năm ở Hoa Kỳ dành nhiều thì giờ hoạt động trong công tác từ thiện, tôi nhận thấy nhiều người Hoa Kỳ đều cho rằng làm việc từ thiện là món trang sức đẹp nhất của con người và hầu hết người Hoa Kỳ đều hân hoan công nhận: thước đo giá trị của con người là lòng từ thiện.

Đại học John Hopkins trong một nghiên cứu về nhóm các nước giàu nhất trên thế giới, nhóm G7; đã đưa ra những con số so sánh về tiền đóng góp cho công tác từ thiện với Tổng sản lượng nội địa (GDP) của mỗi quốc gia để có một ý niệm về tấm lòng rộng lượng bác ái. Hàng năm trung bình dân chúng Hoa Kỳ đóng góp cho các tổ chức từ thiện bằng 1.85%, người Đức tệ nhất trong nhóm chỉ 0.13%, người Nhật 0.22%, người Pháp 0.32% và đứng thứ nhì là người Anh quốc tương đương 0.84%.

Theo tài liệu tạp chí Forbes phát hành đầu năm 2008, hai người giàu nhất Hoa Kỳ là ông Bill Gates người sáng lập hãng Microsoft có tài sản 57 tỷ đô la và ông Warren Buffett sáng lập công ty Bershire Hathaway với 50 tỷ đô la. Cả hai ông đều là những nhà làm việc từ thiện vĩ đại nhất trên hành tinh này; triết lý và quan niệm nhân sinh của hai ông đáng để cho tất cả những kẻ giàu có trên thế giới noi theo.

Thượng tuần tháng 9 năm 2007, đài truyền hình CNBC thực hiện một cuộc phỏng vấn ông Warren Buffett (WB) cuộc phỏng vấn thật dài và tiết lộ nhiều điều lý thú.

Từ thuở ấu thơ, WB đã cố gắng dành nhiều thì giờ cho việc học hành và làm việc cật lực để kiếm tiền bằng cách đi bỏ báo. Số tiền kiếm được ông chỉ trích ra một ít để mua sách vở, còn dư ông tính toán để dành. Với số tiền đi bỏ báo dành dụm, năm 11 tuổi ông đã khởi sự tập đầu tư bằng cách mua cổ phiếu. Ba năm sau lúc 14 tuổi ông mua một trang trại nhỏ, học kinh nghiệm trong thương trường địa ốc. Năm 20 tuổi ông đậu bằng cử nhân và năm 21 tuổi ông tốt nghiệp bằng cao học MS tại đại học Columbia. Năm 1970 khi 40 tuổi WB nắm cả hai chức vụ Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Điều hành Công ty Bershire Hathaway; đại công ty đầu tư này đến ngày nay đã sở hữu 63 công ty khác như: Coca-Cola, Gillette, American Express, Wells Fargo, US Air Group, v…v… Một cổ phiếu loại A của Bershire Hathaway đã có trị giá 151 ngàn đô la vào ngày 11 tháng 12-2007.
Mỗi năm WB chỉ nhắc nhở 63 Tổng Giám đốc điều hành của 63 công ty trực thuộc luôn luôn nhớ hai nguyên tắc chính:
                Nguyên tắc 1: Phải làm lợi cho cổ đông, đừng làm mất tiền cổ đông.
Nguyên tắc 2: Phải luôn luôn thuộc lòng nguyên tắc số 1.
                Văn phòng làm việc của ông rất đơn giản, không có điện thoại di động, không có máy computer, nhưng ông có đầu óc bén nhạy quyết định sáng suốt hiệu quả. Cuộc sống của ông càng giản dị hơn, ông tự lái xe không có tài xế riêng, không có nhân viên bảo vệ an ninh. Ông không có máy bay riêng và cũng không bao giờ dùng máy bay riêng để đi công tác xa, dầu ông làm chủ một công ty hàng không lớn.

             
Warren Buffett quan niệm con người làm ra của cải tiền bạc, nhưng của cải tiền bạc không tạo ra nhân cách con người. Ông cho rằng để tiền bạc cho con cháu chỉ làm cho con cháu ỷ lại không giúp ích gì cho chúng, còn làm chúng mất ý chí động lực thúc đẩy tiến lên.
Ông nói:
 “Nếu ba đứa con của ông họ Buffett chỉ vì tình cờ may mắn được sinh ra trong gia đình Buffett mà lại có số tiền hàng chục tỷ Mỹ kim di sản để hưởng thụ cuộc đời, thì đó là điều vô cùng bất công, xã hội không còn công lý nữa.”
                Năm 2002 sau 10 giờ đàm đạo, Bill Gates đã ngẩng đầu lên trời, cảm tạ Thượng Đế:
“Thượng Đế đã sinh ra Bill, còn sinh ra Warren Buffett nữa, tri kỷ tương phùng.”
                Bill Gates đã hoàn toàn kính phục WB về mọi phương diện: tài đầu tư, cuộc sống giản dị, đạo đức nhân cách và làm việc từ thiện.
                Năm 2006 ông Warren Buffett hứa tặng 35 tỷ Mỹ kim vào Quỹ Bill & Melinda Gates cơ quan từ thiện khắp thế giới này nhằm mục đích chống nghèo đói, phát triển y tế chữa trị bệnh tật và gia tăng giáo dục cấp học bổng cho sinh viên nghèo hiếu học, do vợ chồng ông Gates thành lập năm 2000. Số tiền khổng lồ này cộng với số tiền Bill Gates tặng vào Quỹ trước đây sẽ vượt quá 70 tỷ Mỹ kim, đây là Cơ quan từ thiện có ngân quỹ hoạt động lớn nhất trên hành tinh này.
                Một Hội từ thiện hoạt động tốt và hiệu quả nhất, chi phí điều hành và nhân viên phải dưới 1% số tiền quyên góp được.
                Ông Warren Buffett đã quan sát nghiên cứu phương pháp điều hành quản trị của ông Bill Gates tại công ty Microsoft và tại Bill & Melinda Gates Foundation, ông tin tưởng rằng khi Bill Gates dùng toàn thời gian cho Quỹ từ thiện, Bill Gates sẽ cống hiến sự quản lý khoa học chặt chẽ tốt đẹp nhất trong việc điều khiển 686 nhân viên làm việc cho Quỹ từ thiện này để công tác đạt được hiệu quả tối đa với chi phí điều hành hạn chế tối thiểu. Với lý do này Warren Buffett đã không ngần ngại tặng 35 tỷ đô la vào Quỹ từ thiện Bill & Melinda Gates Foundation.
Làm việc từ thiện không những chỉ có người giàu, người khá giả dư tiền mà ngay trong thành phần người nghèo nữa, bởi vì họ là những người đi tìm hạnh phúc trong việc làm từ thiện, một hạnh phúc ý nghĩa lâu dài hơn những nguồn vui ngắn ngủi vật chất. Theo tài liệu nghiên cứu của công ty Justgive.org, những gia đình nghèo ở Hoa Kỳ lợi tức khoảng 10 ngàn đô la mỗi năm, trung bình đã đóng góp từ thiện 520 đô la, nghĩa là bằng 5.2% lợi tức.
Việt Nam ta chưa có một tổ chức nào theo dõi để đưa ra tổng kết được công tác từ thiện của người Việt nam, đây cũng là điều đáng tiếc. Hàng năm, mọi tầng lớp dân Việt Nam đều tham gia công tác nhân đạo trong và ngoài nước.
                Ngoài công việc đóng góp tiền bạc để làm việc từ thiện, nhiều người còn đóng góp thì giờ không đòi trả lương để làm công tác “từ thiện tự nguyện”.
Cuối thế kỷ 20, Viện Gallup đã nhiều lần làm những cuộc thăm dò, nhất là cuộc nghiên cứu thăm dò vào năm 1999 để xem nhân loại bình bầu chọn ai là người làm việc từ thiện đáng ngưỡng mộ kính phục nhất của thế kỷ hai mươi. Kết quả cuộc nghiên cứu thăm dò thật khoa học đúng đắn này, người được bình chọn là bà Mother Teresa sinh ra đời năm 1910 mang quốc tịch Ấn Độ. Năm 1950 Mẹ Teresa được Giáo hội Vatican cho phép thành lập Hội từ thiện Missionaries of Charity, hội chuyên lo giúp đỡ những người nghèo khó khốn cùng, những người mắc bệnh cùi hủi, bệnh AID/HIV, bệnh ho lao, những cô nhi quả phụ không nơi nương tựa. Cho đến ngày 5 tháng 9 năm 1997 khi Mẹ Teresa mất, Hội Từ thiện Missionaries of Charity đã có 610 cơ sở gồm 400 thầy tu, 4000 tu nữ và gần 100 ngàn nhân viên thiện nguyện hoạt động trong 123 quốc gia để cứu người giúp đời.
                Công việc làm từ thiện của Mẹ Teresa đã được nhiệt liệt hoan nghênh cùng khắp thế giới. Năm 1962 quốc gia Phi Luật Tân trao tặng cho bà giải thưởng Ramon Magsaysay về những công tác nhân đạo của bà ở Đông Nam Á. Năm 1971 Đức Giáo hoàng Paul VI tặng thưởng cho bà Giải thưởng Pope John 13 Peace Prize. Năm 1973 Mẹ Teresa nhận giải thưởng Templeton Prize, giải thưởng giá trị kim ngân lúc nào cũng cao hơn giải Nobel, vì nhân cách đạo đức của bà cùng những việc làm từ thiện trên thế giới. Năm 1979 Mẹ Teresa được trao tặng giải thưởng Nobel hòa bình, bà đến nhận giải thưởng để lấy tiền giúp người nghèo tại Ấn Độ nhưng bà từ chối tham dự bữa tiệc sang trọng tiếp sau lễ trao giải thưởng. Năm 1985, Tổng thống Hoa kỳ Ronald Regan trao tặng cho Mẹ Teresa huy chương President Medal of Freedom, một trong những huy chương cao quý nhất của quốc gia này.
“Lòng từ thiện là một triết lý sống của nhân loại”.