CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI HUỲNH RẠNG Blog (Lập ngày 21-10-2010)


THỜI GIAN SỐNG CỦA CON NGƯỜI KHÔNG DÀI; HÃY SỐNG NHƯ THẾ NÀO CHO ĐỜI NGƯỜI CÓ Ý NGHĨA .

Bạn hãy nghĩ về cuộc đời mình đã có ý nghĩa chưa? đã làm được gì cho gia đình, bạn bè và mọi người? Một việc dù nhỏ nhưng tạo ra hạnh phúc cho mình và người khác thì đã góp phần cho cuộc sống ta có ý nghĩa.

Thứ Ba, 30 tháng 8, 2011

Chuyện bi hài giáo dục

Mời bạn suy ngẫm và thưởng thức
Đoàn thanh tra đến một trường cấp huyện.
Một thanh tra chỉ vào quả địa cầu trong lớp học và hỏi một học sinh:
- Hãy cho tôi biết tại sao trục quả cầu này lại nghiêng như thế?
- Dạ, không phải em làm đâu ạ!
Ngài thanh tra hỏi một học sinh khác.
Em này run run nói:
- Mọi người đều thấy em vừa mới vào lớp mà.
Thanh tra lắc đầu quay sang nhìn thầy giáo.
Thầy giáo mặt đầy vẻ biết lỗi:
- Không thể trách các em được ạ. Quả địa cầu này khi mua về đã nghiêng thế rồi.
Thầy hiệu trưởng thấy mặt ngài thanh tra ngày càng khó coi, vội vàng giải thích:
- Nói ra thật xấu hổ, vì kinh phí của nhà trường có hạn nên chúng tôi chỉ có thể mua hàng vỉa hè, không đảm bảo chất lượng.

Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2011

Giá trị đích thực của nghệ thuật và những “trò mèo"!

     Các bạn hãy đọc bài này xem nào.
     Đối với nền văn hóa nghệ thuật của bất cứ một quốc gia nào trong đó có nước ta thì việc người mẫu, ca sĩ… “lộ hàng” và tung ảnh nóng lên mạng là điều đã gần như trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”. Công chúng buộc phải chấp nhận nó như là một sự thật hiển nhiên!
     Từ Madonna được mệnh danh là “nữ hoàng nhạc pop” đến một tài năng âm nhạc mới của thế giới xuất hiện như Lady Gaga được mệnh danh là “nữ hoàng của thời trang kinh dị”, thường xuyên xuất hiện trên sân khấu lẫn đời thường với những trang phục đồ lót khêu gợi, hầm hố và phản cảm!
     Công bằng mà nói từ Madonna đến Lady Gaga, họ là những tài năng âm nhạc, điện ảnh của thế giới, sức hút và tầm ảnh hưởng của họ rất lớn và lan rộng, do đó có thể nói tài năng đã “lấn át” cả những tai tiếng, thị phi và công chúng cũng dễ dàng thông cảm và chấp nhận sự lập dị đó của họ trong đời sống văn hóa nghệ thuật?
     Trở lại với chuyện văn hóa nghệ thuật của ta thì việc người mẫu, ca sĩ, diễn viên xuất hiện trên sân khấu với những trang phục phản cảm và cố ý tung nhiều ảnh nóng của mình lên mạng, suy cho cùng cách làm của họ cũng phần nào giống như Madonna hay Lady Gaga.
     Nhưng có một sự khác biệt lớn nhất ở đây, đó chính là nền văn hóa cũng như trình độ, “tư tưởng” của công chúng Việt Nam hoàn toàn khác biệt với nền văn hóa nghệ thuật của các nước phương Tây. Và những Thu Minh, Minh Hằng, Kiều Trinh hay Tiến Đoàn chưa phải là những nghệ sĩ tài năng và có tầm ảnh hưởng ghê gớm đối với văn hóa nghệ thuật. Điều đó có nghĩa là họ chẳng thể nào có thể so sánh với những ngôi sao thế giới và công chúng phản đối chuyện tung ảnh nóng, ăn mặc phản cảm và “ném đá” vào họ cũng là điều dễ hiểu?
     Thiết nghĩ giá trị của nghệ thuật là những “sản phẩm” tinh thần mà người nghệ sĩ mang đến cho công chúng bằng sự lao động nghệ thuật chân chính, sáng tạo bằng tài năng của mình chứ không phải là những “sản phẩm” “lộ hàng” rẻ tiền, biểu hiện một tư tưởng bẩn thỉu. Và chắc chắn những sản phẩm phi nghệ thuật chẳng thể nào tồn tại lâu dài, công chúng chẳng dại gì chọn lựa, thậm chí sẵn sàng vứt vào sọt rác! "Thật là trò mèo".
     Tôi thấy rất thật tội nghiệp cho các người mẫu, ca sĩ, diễn viên dốt văn hóa Việt, học đòi ngoại lai. Không hiểu dòng tộc, cha mẹ của những người này suy nghĩ gì khi họ làm như vậy? Nếu họ là những con người, họ phải thấy xấu hỗ với dân tộc và tổ tiên dòng tộc mình.    
     Có một câu nói rất của một diễn viên điện ảnh nổi tiếng vào thập niên 90 mà tôi từng đọc trên báo đài, đại ý: giá trị của cái đẹp là sự khiêm tốn, âm thầm và vô danh. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình đẹp và tôi vẫn đang từng ngày hoàn thiện cái đẹp của chính mình.
     Quả đúng như vậy, có những nghệ sĩ cả một đời âm thầm, lặng lẽ cống hiến không mệt mỏi cho văn hóa, nghệ thuật nước nhà nhưng có lẽ những từ “lộ hàng”, “ảnh nóng”, “scandal”… là những khái niệm hoàn toàn xa lạ đối với họ. Nhưng mỗi khi chỉ nhắc đến tên tuổi họ thôi thì công chúng xúc động, bồi hồi, tưởng nhớ đến những vai diễn để đời của họ, đó là những Trà Giang, Lâm Tới, Thu An ... và nhiều nghệ sĩ chân chính khác.
     Công chúng tôn vinh họ là những “tượng đài nghệ thuật” của Việt Nam ắt cũng không sai.        

Thứ Năm, 25 tháng 8, 2011

Mail của bạn Bích Giang A4

     Friday, 29 July 2011 00:00 Cali Today News - Nằm trong danh sách này là một vinh dự to lớn vì CNN đã bỏ công đi khắp thế giới, chỉ sưu tầm 50 món ngon nhất được nhiều người bình chọn và có nhiều quốc gia không hề có mặt trong danh sách.
     Hạng nhất là món cari Thái Land (Thailand’s curry-có thể là lẩu Thái?), thứ nhì là Pizza của Ý, kế đến là món chocolate của Mexico, sushi của Nhật, vịt quay Bắc Kinh của Tàu và hamburger của Đức.
     Đặc biệt có 3 món không phải của bất cứ quốc gia nào là trái bắp tươi (hạng 13), tôm tươi (hạng 17) và kem có hương vị vanilla (hạng 22). Phở xếp hạng 28 và Gỏi cuốn hạng 30.
     Phở giờ đây khỏi cần dịch sang tiếng Anh, nó đã xuất hiện trong tự điển Oxford danh giá thế giới và nơi nào có ‘dấu chân người Việt’ là có hương phở bay theo. Rất nhiều người ngoại quốc mê phở VN, họ nói ‘món ăn này bổ dưỡng, rẻ mà lại vô cùng ngon, ăn mùa nào cũng được’
Gỏi cuốn (có khi được dịch là summer roll hay fresh roll) là “độc bá đồ vương” của miền Nam VN, nó cũng được ưa chuộng không kém chả giò (miền Bắc VN gọi là nem), có khi còn hơn vì nó không có chiên lên, các món bên trong thật tươi và hấp dẫn, bổ dưỡng.
     Gỏi cuốn bao giờ cũng có thịt nạc và tôm luộc tươi, luôn được dọn theo nhiệt độ trong phòng, rất dễ làm. Các quốc gia láng giềng của VN giờ đây đã ‘say mê’ gỏi cuốn ra mặt và tại các nhà hàng phương Tây, người ta xơi gỏi cuốn VN như một món appetizer (khai vị) hấp dẫn. .
     Gỏi cuốn khác chả giò, khác luôn các thành tố bên trong, không cần chiên trong dầu và chính cái món chấm đi kèm theo quyết định ‘thành bại’ của gỏi cuốn.
     Món chấm này tuyệt đối phải do đầu bếp VN chế biến. Ăn năm bảy cuốn hay ‘chẳng chục’, no cứng bụng là do chất lượng món chấm quyết định. VN vinh dự có luôn 2 đệ nhất kỳ quan hiện diện trong danh sách top này cho thấy nền ‘văn minh nấu nướng’ của cha ông truyền lại là vô giá.
     Tôi nghĩ, văn hóa ẫm thực vừa ăn ngon và đồng thời gợi nhớ quê hương giúp mọi người tự hào về nguồn cội và hướng về cội nguồn.

Thứ Ba, 23 tháng 8, 2011

Làng khoa học Việt Nam ở Nhật Bản

         Năm 1990, chính phủ Nhật quyết định thành lập JAIST (Japan Advanced Institute of Science and Technology), Viện Khoa học Công nghệ Tiên tiến Nhật Bản theo mô hình của Mỹ, nhằm mục tiêu phát triển củng cố vị thế hàng đầu thế giới của Nhật Bản trong lĩnh vực công nghệ.
         Hơn 20 năm đã qua, gần 5.000 thạc sĩ và 1.000 tiến sĩ đã tốt nghiệp, sau những ngày tháng dùi mài bên những tập bản thảo dày cộp của Leonard de Vinci được bày trang trọng trong thư viện của Viện. Hàng tá các nhà khoa học lớn của thế giới, chủ nhân của những giải thưởng danh giá như Nobel đã đến đọc bài giảng tại đây. Nhiều phát minh sáng chế đã được đưa vào sử dụng ở Nhật, hoặc bị các bạn Hàn, Trung, Mỹ nhanh chân hơn bán trước.
         Nhưng có một điều là dù nằm mơ, thủ tướng Nhật Bản khi ấy là ông Mori cũng không tưởng tượng được, campus của JAIST tại thành phố Nomi, tỉnh Ishikawa lại trở thành một làng khoa học của Việt Nam.
         Hơn 80 nhà khoa học ưu tú của Việt nam đang tham gia vào những vấn đề nóng bỏng của nhân loại: từ phản ứng của não bộ khi nhìn lên website tới pin mặt trời có thể thay được nhà máy điện hạt nhân. Kể cả trẻ con và gia đình thì là hơn 100 người.
         Máy móc ở đây toàn loại hàng đại hiện đại, tính toán vector thì dùng NEC SX-9, server chung thì dùng Cray XT-5. Kính hiển vi chụp được từng nguyên tử hydro, rõ mồn một. Ai cũng được dùng, thoải mái.
         Nhờ công Hồ Sensei đấy, ông Katyama, chủ tịch Viện tuyên bố. Ở đây có đến 4 giáo sư và trợ lý giáo sư là người Việt, nhiều nhất trong số thành viên ngoại quốc.
         Hồ Sensei là anh Hồ Tú Bảo, một người lính thuộc thế hệ sinh viên xếp bút nghiên lên đường năm 1971, bậc đàn anh của nhiều người Việt Nam trong lĩnh vực tin học. Sau chiến tranh anh qua Pháp du học, từng lăn lộn với xuất khẩu phần mềm từ những năm 1986.
         Năm 1993, thầy Hồ được giới thiệu sang làm giáo sư thỉnh giảng tại Viện. Không hiểu duyên số thế nào, thầy ở đây cho đến tận bây giờ. Và lần lượt đưa từng học trò từ Việt Nam sang để làm nên làng Việt nam ở JAIST.
        Chúc cho làng Việt Nam càng ngày càng đông hơn, nắm vững công nghệ, mang lại niềm tự hào cho đất nước.
        "Hình ảnh người Việt Nam trên trường quốc tế,
          Hãy sống và biết tự hào về dân tộc Việt".

Thứ Năm, 18 tháng 8, 2011

Vài triết lý nhà Phật

      Triết Lý Nhà Phật tuy là những tích xưa, chuyện cổ, nhưng đối với người có óc quan sát sẽ rất là bổ ích, vì trong ấy chứa đựng những tư tưởng cao xa thâm thuý về triết lý đạo đức.
     Với người chịu dày công tìm hiểu, đạo lý không có gì là bí ẩn; với người biết suy xét, hiểu được đạo lý không phải là khó khăn.
     Những ai đã từng suy nghĩ về đạo lý, nhưng tâm trí vẫn còn có điều ngờ vực, sẽ thấy được nơi đây có những điểm tương hợp suy nghĩ của mình. Những ai đã từng nghiêng về chủ nghĩa thần quyền, cho rằng mọi sự thành bại đều không phải tự nơi mình, mà do bởi nơi trời, nơi Phật, sẽ thấy rõ ra rằng nhân quả, nghiệp báo, thật sự là tự mình gây ra và nhận lãnh lấy, dù đó là khổ đau hay an lạc. Cho đến không hiểu đạo lý, giác ngộ, giải thoát cũng đều do nơi chính mình. Nếu tự thân không có sự nỗ lực, thì không một vị Phật, Thánh nào có thể cứu độ cho mình được.
     Hãy suy nghĩ theo triết lý nhà Phật về giai thoại “Bát phong xuy bất động” (tám ngọn gió đời)
     Chuyện kể rằng, một hôm Tô Đông Pha sáng tác được một bài thơ và ông rất hài lòng, bèn cho người đem tặng Thiền sư Phật Ấn lúc bấy giờ đang ở chùa Kim Sơn. Nguyên văn bài thơ của Tô Đông Pha như sau:
          " Khể thủ khiên trung thiên
          Hào quang chiếu đại thiên
          Bát phong xuy bất động
          Đoan tọa tử kim liên".
          Tạm dịch là:
         "Đảnh lễ Bậc Giác ngộ
         Hào quang chiếu vũ trụ
         Tám gió thổi chẳng động
         Ngồi vững tòa sen vàng".
              Ngài Phật Ấn xem qua bài thơ xưng tán cảnh giới giải thoát của Bậc Giác ngộ, thấy chữ nghĩa và ý tứ rất hay nhưng biết quá rõ bạn mình nhờ văn hay, chữ tốt, dùng tâm thức bén nhạy để làm thơ chứ không phải là bậc thượng sĩ thâm nhập nghĩa lý sâu xa của Phật pháp, đạt đến Thượng thừa “Tám gió thổi không động” nên thay vì khen ngợi ngài liền cầm bút phê vào hai chữ “phóng thí” (đánh rắm - hạ phong) và bảo gia nhân đem về trình lại cho Tô Đông Pha.
     Quả như điều mà ngài Phật Ấn đã dự đoán. Tô Đông Pha sau khi xem lời nhận xét của Phật Ấn xong liền đùng đùng nổi giận, lập tức bươn bả vượt sông sang chùa Kim Sơn để bắt tội Phật Ấn.
Gặp nhau ở bến sông, Đông Pha liền lớn tiếng trách: “Bài thơ của tôi sai sót ở chỗ nào mà ngài lại phê vào hai chữ “đánh rắm” kia”.
     Thiền sư Phật Ấn liền cười xuề: “Ông nói “Tám gió thổi không động” mà chỉ một cái “đánh rắm” thôi đã bay sang sông rồi”.
     Đến đây, Tô Đông Pha mới chợt hiểu ra mình chưa bất động.
Về bát phong hay bát thế phong, nghĩa là tám ngọn gió đời, tám pháp ở thế gian hay làm loạn động, mê hoặc lòng người. Theo từ điển Phập học Huệ quang, tập I, trang 414, tám ngọc gió ấy gồm: 1- Lợi (lợi lộc), 2- Suy (hao tổn), 3- Hủy (chê bai chỉ trích), 4- Dự (gián tiếp khen ngợi người), 5- Xưng (trực tiếp ca tụng người), 6- Cơ (dựng sự việc giả để nói xấu người), 7- Khổ (gặp chướng duyên nghịch cảnh, thân tâm bị bức bách, khổ não) và 8- Lạc (gặp được duyên tốt, thuận cảnh, thân tâm vui vẻ, hân hoan).
    Con người thường dao động, thể hiện cảm xúc vui buồn rõ rệt trước những hoàn cảnh thuận nghịch của cuộc sống. Khi được lợi (lợi) thì vui mừng, hớn hở ngược lại khi bị mất mát, tổn hại (suy) thì buồn bã, tiếc nuối. Khi bị chê bai, chỉ trích (hủy) cảm thấy rất khó chịu nhưng khi được khen ngợi (dự) thì vui thích, hài lòng. Khi được mọi người xưng tán, tung hô (xưng) thì hả hê, ngất ngây hạnh phúc ngược lại khi bị chế diễu, vu khống (cơ) thì hậm hực, bức xúc không yên. Khi những điều không như ý ập đến (khổ) thì đau khổ, thở than và ngược lại khi mọi việc đều thuận lợi như ý (lạc) thì mừng rỡ, vui vẻ.
     Cuộc sống của con người chẳng mấy khi được bình an, vì luôn bị tám ngọn gió này chi phối. Do vậy, muốn thiết lập hạnh phúc và an vui trong đời sống chúng ta phải giữ vững tâm ý khi tiếp xúc, đối điện với tám ngọn gió này. Đại thừa vô sanh phương tiện môn (Đại Chánh 85, 1247 hạ) chỉ rõ: “Nếu thân tâm vắng lặng an ổn thì tám gió thổi không động”. Cũng như chuyện “gió động hay phướn động”, thì ra tâm người động chứ gió và phướn chỉ là chuyện bên ngoài.
        Những dao động của tâm thức như là sóng nhưng bên dưới sự ầm ào đó là yên lặng.
Phải quán sát liên tục để thấy rõ bản chất của tám ngọn gió đời ấy tuy thường xuyên thổi đến nhưng thực chất chỉ là ở bên ngoài, bởi vì mình đeo bám, bị dính mắc nên mới bị chúng chi phối. Mặt khác, bát phong vốn vô thường nên có đó rồi lại không đó. Vì thế, được hay mất, khen hay chê, đau khổ hay vui sướng cũng đều tương đối, không có gì trường cửu. Nhờ thường xuyên quán sát với trí tuệ như thế nên khi được cũng không quá mừng, lúc mất cũng không quá buồn, được khen không kiêu, bị chê không giận,v.v. thì có thể chế ngự được bát phong.
     Sống vững chãi và thảnh thơi trong vô vàn biến động thuận nghịch của cuộc đời là điều mọi người chúng ta có thể thực hiện được.